Bảo vệ môi trường từ chùa Trung Hậu

Ngân Hà 22/07/2016 09:10

Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường tại một số khu vực thành thị, nông thôn, khu công nghiệp và các làng nghề đang là thách thức lớn cần sự chung tay mỗi người. Câu chuyện bảo vệ môi trường từ chùa Trung Hậu, ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội là một ví dụ.

Bảo vệ môi trường từ chùa Trung Hậu

Thượng tọa Thích Chiếu Tạng phát biểu trong buổi làm việc
với đoàn khảo sát của UB MTTQ TP Hà Nội.

Tuyên truyền thay đổi nhận thức người dân

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã phối hợp với 40 tổ chức tôn giáo cam kết cùng hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể thấy rằng, các chức sắc và tín đồ các tôn giáo có vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở mỗi địa bàn dân cư.

Chùa Trung Hậu, là ngôi chùa nằm trên địa bàn huyện Mê Linh, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, Phó ban Hành pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa cho biết, các chư tăng, Phật tử nhà chùa luôn xác định con người không thể tồn tại nếu không có thiên nhiên, môi trường.

Việc hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với hủy hoại môi trường sống của con người. Do vậy, trong suốt nhiều năm qua chùa Trung Hậu luôn cố gắng để tạo ra hàng cây xanh, mặt nước trong khuôn viên của chùa để tạo nên một cảnh quan xanh tươi. Nhà chùa cũng lắp đặt trên 30 thùng rác để thu gom rác của bà con tín đồ khi đến chiêm bái, dự các sự kiện cho chùa tổ chức.

Chùa nằm trên địa bàn nông nghiệp, theo Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, những năm về trước cứ bước chân ra bất cứ mảnh đất nào đang canh tác đều gặp vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, các chư tăng ở chùa, sau mỗi thời gian thuyết pháp đều trao đổi, chia sẻ, trích dẫn tất cả những lời kinh của Phật với phật tử đang sinh hoạt trong tổ đình về bảo vệ môi trường. Cùng với đó chư tăng trong chùa cũng thống kê thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nói lên tác hại của sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

“Các chế tài pháp luật không thể đến từng con người ở những cánh đồng rộng mênh mông như vậy. Vì những người sản xuất họ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều hoặc sử dụng xong vứt luôn ra cánh đồng thì chỉ có họ biết. Nếu chỉ vứt một chai chứa thuốc bảo vệ thực vật xuống đất cũng sẽ tồn dư ở trong lòng đất 20-30 năm. Sau này khi ngấm xuống nguồn nước sẽ tác động đến cuộc sống của ngay những cư dân đang sinh sống ở địa phương này. Do đó, riêng vấn đề môi trường chúng ta phải có một kế hoạch tuyên truyền, vận động một cách dài hơi mới có thể ngấm vào ý thức của người dân để họ thay đổi hành vi”- Thượng tọa Thích Chiếu Tạng chia sẻ.

Chỉ chấp thuận những đơn vị đảm bảo môi trường

Mê Linh là huyện thuần nông nên diện tích đất nông nghiệp rất lớn, khoảng 8 nghìn ha.Với diện tích này, bà con chủ yếu trồng rau và hoa nên lượng thuốc trừ sâu sử dụng khá nhiều. Có thể hình dung, lượng thuốc trừ sâu được một địa phương như xã Mê Linh sử dụng để trồng hoa một vụ bằng lượng thuốc trừ sâu cả huyện Sóc Sơn ngay cạnh trồng lúa trong 2 năm.

Trong khi đó, huyện Mê Linh còn gặp phải vấn đề ô nhiễm cục bộ ở khu công nghiệp Quang Minh. Hiện nay, huyện đã có kiến nghị với TP kiên quyết không chấp thuận các đơn vị có nguy cơ gây ô nhiễm chuyển về Quang Minh. Huyện cũng xác định chỉ chấp thuận những đơn vị có mô hình sản xuất đảm bảo thân thiện với môi trường.

Được biết lượng rác thải ở Mê Linh một năm khoảng 45 nghìn tấn. Trong khi đơn vị thu gom và xử lý hàng ngày chỉ đạt 90% số lượng rác thải ra, 10% còn lại tồn đọng khoảng một tuần có thể lấp đầy một cái ao. Vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.

Bà Phó Thị Thủy, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trung Hậu Đoài, xã Tiền Phong (huyện Mê Linh, Hà Nội) cũng phản ánh, hiện nay số lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt lại trên đồng ruộng tại thôn rất nhiều. Chính quyền và Ban Công tác Mặt trận thôn đã vận động, tuyên truyền rất nhiều nhưng vẫn còn một số hộ chưa có ý thức, không để vào nơi quy định. Bên cạnh đó, đặc thù ở có một số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm không đảm bảo vệ sinh môi trường. Do có hộ dân nuôi 30-40 con trâu ngay ở giữa thôn nên hàng ngày có rất nhiều phế thải gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường, cảnh quan của thôn...

Trong buổi khảo sát xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường của MTTQ TP Hà Nội vừa qua tại chùa Trung Hậu, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng khẳng định, ở góc độ nhà chùa, chắc chắn Thượng tọa sẽ có những bài thuyết giảng để thay đổi thói quen, ý thức để đóng góp vào công cuộc bảo vệ môi trường. Đồng thời, phát huy tinh thần giám sát của các tăng ni, Phật tử và nhân dân tại khu dân cư để tạo sức mạnh tiếng nói từ cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường ngay từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày tại cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ môi trường từ chùa Trung Hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO