Bảo vệ người tố giác tham nhũng

Hoài Vũ 19/01/2019 09:00

Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị mới ban hành về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Một lần nữa Đảng đã cho thấy quyết tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) khi dựa vào dân để cùng với cả hệ thống chính trị quyết tâm dẹp “giặc nội xâm” thông qua cơ chế bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thời gian qua Ðảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai thực hiện một số chủ trương, quy định có liên quan đến bảo vệ người tố cáo và đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, dẫu đã có Luật Tố cáo nhưng công tác này vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đó là tình trạng để lộ lọt thông tin của người tố cáo, không ít trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập. Những hành vi này chưa được phát hiện, xử lý nghiêm phần nào cũng khiến người dân có phần “chùn tay” trong việc đấu tranh PCTN, với suy nghĩ được mạ thì “má đã sưng”.

Trong Chỉ thị 27, Bộ Chính trị đã chỉ rõ những bất cập, đó là việc biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; việc bảo vệ người tố cáo chưa được quan tâm. Cán bộ, đảng viên và người dân còn chưa an tâm, ngại đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên vi phạm. Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, bất cập được Chỉ thị nhắc đến nằm ở việc “chủ yếu là do cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu ở không ít nơi chưa quan tâm đến công tác này”.

Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn chưa hoàn thiện, thiếu cụ thể. Công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra phát hiện, xử lý hành vi trả thù, trù dập người tố cáo và những vi phạm quy định về bảo vệ người tố cáo chưa được coi trọng, trong khi những hành vi trả thù, trù dập người tố cáo ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cũng từng cho rằng, công tác bảo vệ người tố cáo nói chung, tố cáo tham nhũng nói riêng mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn có tình trạng ngăn cản, đe dọa người tố cáo làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, trật tự xã hội.

Thực tế thì thời gian qua công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che cho sai phạm, tham nhũng. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Việc vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa được khắc phục. Những bất cập đó càng đòi hỏi phải dựa vào dân để đấu tranh chống “giặc nội xâm”, chống tham nhũng ngay trong chính bộ máy hành chính vốn đông nhưng không mạnh.

Vì thế, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm PCTN. Thế nhưng để quyền lực được giám sát, kiểm soát không gì bằng phát huy sức mạnh của nhân dân, các cơ quan dân cử bằng đảm bảo một cơ chế để bảo vệ người tố giác, phát hiện tham nhũng.

Cũng xin được nhắc lại rằng, việc phát huy vai trò của người dân thông qua các tổ chức đại diện như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được nhấn mạnh trong thời gian qua thông qua Quyết định 217 về “Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218 “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, do Bộ Chính trị ban hành đã phát huy những kết quả tích cực trong thời gian qua.

Mới đây tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội Khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2019, về những thành công của năm 2018, một trong ba bài học kinh nghiệm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến chính là việc “nhờ có sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội”.

Thế nhưng chỉ khi nào các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, trước hết là người đứng đầu nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như xác định rõ việc bảo vệ người tố cáo thì mới bảo vệ được người tố cáo tránh được các hành vi trả thù, trù dập.

Muốn vậy, ngoài việc tạo ra khuôn khổ pháp lý bằng việc quy định rõ các cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với công tác bảo vệ người tố cáo, làm rõ và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập người tố cáo cũng như có một chế độ khen thưởng kịp thời mới góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người tố giác tham nhũng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO