Bảo vệ người yếu thế

Hữu Nguyên 25/03/2017 08:35

Dân gian có câu “Người ta là hoa đất”, cho thấy từ xa xưa con người đã được coi là vốn quý của xã hội. Do vậy, con người cần được chăm sóc và bảo vệ tối đa để có thể phát triển hết mức năng lực và giá trị của mình. Trong xã hội phát triển, nguồn lực con người ngày càng được coi trọng. Tuy nhiên trong quá trình đó sự phân hóa xã hội đã mang tới những điều không mong muốn.

Sau giờ tan ca, công nhân Khu chế xuất Linh Trung, TP HCM mua vội thực phẩm
chuẩn bị bữa ăn tối. (Ảnh: Như Lịch).

Một bộ phận nắm giữ của cải xã hội và các tư liệu sản xuất, trở thành những người chủ. Một bộ phận khác phải đi bán sức lao động để kiếm sống – đó là những người làm thuê. Trong hai bộ phận ấy, những người làm thuê luôn ở thế yếu hơn. Vì vậy, họ cần được pháp luật và cộng đồng quan tâm, bảo vệ thường xuyên, đầy đủ hơn.

Luật pháp về lao động, các tổ chức nghiệp đoàn của người lao động trong xã hội tiến bộ được lập ra để đảm bảo các giá trị nhân văn cũng như sự ổn định xã hội luôn được cân bằng và bền vững. Đó là nguyên tắc pháp lý và đạo lý tất yếu ở bất kỳ xã hội văn minh nào. Xuất phát từ đạo lý chung, tất yếu đó, pháp luật của các quốc gia phát triển luôn chú ý tập trung bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm thuê. Với tôn chỉ, mục đích là “Nhà nước của dân, do dân và vì dân”, Nhà nước ta ngay từ những ngày đầu tiên đã đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong đó, Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là một trong những công cụ đặc thù. Vì vậy ngay từ rất sớm pháp luật Việt Nam đã quy định về vấn đề này và đã được các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động áp dụng và thực hiện.

Theo quy định của luật pháp hiện hành, TƯLĐTT là văn bản thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động. Nội dung của thỏa ước lao động căn cứ vào sự thỏa thuận của tập thể lao động, người sử dụng lao động thông qua trong quyền được nêu nội dung thương lượng mà pháp luật quy định cho các bên chủ thể. Nội dung này phải không trái với quy định của pháp luật và không trái với với đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, quy trình xây dựng TƯLĐTT ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, chưa đi sâu vào bản chất thương lượng, chất lượng chưa được cải thiện, kỹ năng thương lượng của đa số cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế. Trong khá nhiều đơn vị, bộ phận nhân sự chủ động xây dựng nội dung thỏa ước, còn công đoàn cơ sở không thực hiện đầy đủ vai trò của mình trong quá trình thương lượng tập thể mà chỉ tham gia ý kiến mang tính hình thức.

Mặc dù luôn xác định tầm quan trọng của TƯLĐTT chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn từ trung ương tới địa phương cũng luôn chú ý có những biện pháp, giải pháp để nâng cao số lượng cũng như chất lượng các bản TƯLĐTT. Thế nhưng hiệu quả trên thực tế vẫn còn đang là vấn đề, do nhiều nguyên nhân.

Trao đổi tại nhiều hội thảo chuyên đề, các cán bộ công đoàn cơ sở phản ánh, nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu xuất phát từ nhận thức của người sử dụng lao động, lo sợ khi đưa vào thỏa ước nhiều điểm có lợi cho người lao động. Trong bối cảnh cảnh đó, chính những người lãnh đạo công đoàn cơ sở cũng chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của TƯLĐTT. Mặt khác, kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ công đoàn cơ sở còn nhiều hạn chế. Nhiều chủ doanh nghiệp chỉ chú trọng tìm kiếm lợi nhuận, chưa quan tâm đến người lao động.

Từ thực trạng này, thời gian qua phần lớn TƯLĐTT có chất lượng thấp, nội dung chủ yếu sao chép Luật, ít nội dung có lợi hơn cho người lao động. Các nội dung có lợi cho người lao động chủ yếu chỉ là các khoản thăm hỏi, hiếu, hỉ, ốm đau, trợ cấp khó khăn. Những nội dung cốt lõi khác như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, định mức công việc, cải thiện điều kiện lao động, an toàn vệ sinh lao động, chế độ thai sản ... hầu như chưa được đưa vào văn bản thỏa ước.

Bên cạnh đó, quy trình xây dựng TƯLĐTT ở rất nhiều đơn vị vẫn còn hình thức, chưa đi sâu vào bản chất thương lượng, chất lượng thương lượng chưa được cải thiện, kỹ năng thương lượng của đa số cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế. Thậm chí, bộ phận nhân sự của đơn vị lại là nhân tố chủ động xây dựng nội dung Thỏa ước, còn công đoàn cơ sở không thực hiện quá trình thương lượng tập thể mà chỉ tham gia ý kiến cho đầy đủ quy trình. Chưa nói tới việc, nhiều nơi đã không hề quan tâm tới việc tổ chức lấy ý kiến tập thể lao động, tổ chức các cuộc thương lượng tập thể một cách nghiêm túc và đầy đủ.

Thương lượng, ký kết TƯLĐTT với những điều khoản có lợi cho người lao động luôn là vấn đề được tổ chức công đoàn và pháp luật nhà nước quan tâm. Bởi trên thực tế, đơn vị nào xây dựng được TƯLĐTT tốt, thì ở nơi đó quyền lợi người lao động được đảm bảo, quan hệ lao động được hài hòa, kết quả công việc do vậy mà phát triển bền vững. Đề án “Thư viện thỏa ước lao động tập thể” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo thí điểm với nhiều điểm có lợi hơn cho người lao động được triển khai trên tinh thần đó.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đồng thời triển khai các chủ trương, các quy định pháp luật của về thực hiện đối thoại tại nơi làm việc. Chú trọng việc thương lượng tập thể để xây dựng TƯLĐTT đạt yêu cầu, nhằm ổn định quan hệ lao động giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động thông qua cơ chế đối thoại tại nơi làm việc, khuyến khích các bên có sự đồng thuận để có thỏa ước thực chất.

Đối thoại tại nơi làm việc là nội dung mới, trong đó quy định rõ mục đích, hình thức đối thoại mà hạt nhân là việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc được pháp luật quy định.Đối thoại là xu hướng được khuyến khích trong thời kỳ hội nhập, là điều kiện cần để ổn định quan hệ lao động tại đơn vị một cách căn cơ, giúp người lao động mạnh dạn đưa ra chính kiến. Việc cùng trao đổi và đưa ra hướng giải quyết trên cơ sở đồng thuận sẽ giúp người sử dụng lao động và người lao động xây dựng niềm tin, từ đó cùng nhau hợp tác vì sự phát triển bền vững của đơn vị, tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích là mục tiêu mà đối thoại hướng đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ người yếu thế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO