Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ: Phạt không đủ sức ngăn chặn và răn đe

Dương Thanh Tùng 29/10/2015 10:07

Tại buổi tọa đàm “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) và vai trò của báo chí” tổ chức ngày 28/10 tại Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) cho biết, xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ: Phạt không đủ sức ngăn chặn và răn đe

Đại diện cục Sở hữu trí tuệ và Jica tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Dương Thanh Tùng).

Theo đại diện Cục Cảnh sát kinh tế, trên thị trường hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả. Hàng giả xâm phạm SHTT (đơn cử như tân dược, mỹ phẩm, bia rượu, nước giải khát, xăng dầu…) không chỉ được sản xuất ở trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài sau đó đưa vào tiêu thụ trong nước bằng nhiều đường (cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch). Cũng theo đại diện Cục Cảnh sát kinh tế, tân dược, thực phẩm chức năng giả thời ­gian qua được phát hiện tại nhiều tỉnh, TP như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh.

Đáng chú ý là ngoài việc làm giả thuốc chữa bệnh bằng hình thức mua thuốc nội thay bằng nhãn ngoại, mua thuốc thật pha trộn với các nguyên liệu theo tỷ lệ khác nhau để kiếm lời thì thuốc chữa bệnh giả còn được sản xuất từ bột khoai tây, bột gạo trộn với thức ăn gia súc, chất kích thích và phẩm màu. Cùng với việc làm giả rượu bia ngay tại các khu công nghiệp; các dòng rượu ngoại đắt tiền như Johnie Walker nhãn xanh, Hennessy XO, Remy Martin, Cordon Bleu…còn được đặt hàng làm giả từ nước ngoài rồi tìm cách chuyển vào Việt Nam. Năm 2014, lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện 665 vụ xâm phạm SHTT, sản xuất buôn bán hàng giả. Trong đó đã khởi tố 120 vụ với 196 bị can.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam) cho rằng Việt Nam đã có hệ thông văn bản pháp luật về bảo vệ quyền SHTT gồm luật và các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, hệ thống cơ quan bảo vệ quyền SHTT – đặc biệt là Tòa án chưa phát huy được vai trò chủ đạo vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Trong hàng loạt biện pháp bảo vệ quyền SHTT thì biện pháp dân sự được coi là chủ đạo ở nhiều nước nhưng ở Việt Nam lại chưa thể phát huy do năng lực thẩm phán, thủ tục phức tạp, kéo dài. Biện pháp hành chính bảo vệ quyền SHTT là biện pháp phổ biến nhất ở Việt Nam nhưng lại chưa đảm bảo quyền lợi chủ thể (quyền có ý kiến của các bên). Do nhiều hạn chế khách quan nên báo chí là kênh cung cấp thông tin hiệu quả nhất nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT và thực thi bảo vệ quyền SHTT trong hệ thống hành pháp.

Đại diện Dự án Jica bày tỏ quan ngại sâu sắc về thực trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam những năm qua đồng thời khẳng định nền kinh tế Nhật Bản không ngừng lớn mạnh với các thương hiệu lớn, vươn tầm ra khắp thế giới là nhờ quyền SHTT được bảo vệ.

Đại diện Jica dẫn chứng trường hợp ông Toyota Sakichi Toyoda người khai sinh ra hãng Toyota, khởi đầu chỉ là anh thợ mộc nghèo vùng Nagoya chuyên đóng các máy dệt bằng gỗ. Năm 1924 Toyota Sakichi Toyoda cùng với con trai là Kiichiro Toyoda nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy dệt tự động. Năm 1929, cha con ông đã bán bằng sáng chế chiếc máy dệt này cho công ty Platt Brothers (Anh quốc) để lấy 100.000 bảng Anh.

Toàn bộ số tiền này được 2 cha con đầu tư vào công nghiệp chế tạo, sản xuất ô tô với hàng loạt ô tô Toyota A1 được sản xuất kể từ năm 1935. Ngày 28/8/1937, Toyota Motor Corporation chính thức ra đời và không ngừng lớn mạnh khắp thế giới từ việc bán bản quyền chiếc máy dệt của cha con nhà Toyota Sakichi Toyoda.

Đồng tình với ý kiến này đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho rằng, mức tiền xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam tối đa là 500 triệu đồng. Với biện pháp hình sự, mức phạt cho các tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 170 b, Bộ Luật hình sự); tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 171, Bộ luật hình sự) quy định từ 50 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt tù 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên các mức phạt cùng biện pháp trừng phạt này đã đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm quyền SHTT chưa – khi mà để có một sản phẩm, một thương hiệu, người sáng chế hay nhà đầu tư có thể phải bỏ ra hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ, mất nhiều trí tuệ, thời gian, công sức? Vị đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam nêu câu hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ: Phạt không đủ sức ngăn chặn và răn đe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO