Bảo vệ sự liêm chính

Hải Phong 08/07/2015 11:10

Trong đề án cải cách tư pháp, xác định tòa án là trung tâm, công tác xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Vì thế, trình độ năng lực chuyên môn, sự liêm chính, công minh của đội ngũ thẩm phán, cán bộ tòa án là yếu tố quyết định đến chất lượng xét xử, tránh làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm.

Từ lý do trên, việc bổ nhiệm thẩm phán phải công tâm, chính xác, lựa chọn cho được những người được đào tạo, rèn luyện, có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm, bảo đảm có đủ ý chí, quyết tâm bảo vệ công lý, thực hiện quyền tư pháp và độc lập trong xét xử. Tuy nhiên, cũng cần phải có các thể chế để buộc các thẩm phán phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, buộc họ phải độc lập, công tâm, bảo vệ công lý, thực hiện đúng đắn quyền tư pháp.

Song, cũng cần phải có cơ chế (được quy định bằng luật) để bảo vệ sự liêm chính của cán bộ tòa án và các thẩm phán, giúp họ tự tin, độc lập trong xét xử. Theo đó, việc kỷ luật, bãi nhiệm thẩm phán cần được vận hành đúng quy trình sẽ đảm bảo sự liêm chính và độc lập tư pháp của họ. Nếu thẩm phán không bị ảnh hưởng bởi khả năng bị bãi nhiệm hoặc thuyên chuyển một cách tùy tiện do không thực hiện sự can thiệp thô bạo từ một tổ chức, cá nhân có quyền lực nào đó trong quá trình xét xử, thì khi ra phán quyết, họ sẽ thực sự chỉ làm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, luật và những văn bản dưới luật cũng cần có quy định chặt chẽ, cụ thể, chi tiết về chuẩn mực đạo đức, cũng như những hành vi thẩm phán không được làm hoặc phải tránh. Các quy định đó sẽ là cơ sở duy nhất để xử lý kỷ luật đối với thẩm phán và việc kỷ luật phải được xem xét minh bạch, độc lập.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao tính độc lập của thẩm phán trong khi thực hiện quyền tư pháp là việc tạo điều kiện cho họ an tâm làm việc, tập trung cho chuyên môn, nghiệp vụ, không phải vướng bận, suy nghĩ đến những tác động về vị thế, về nhiệm kỳ công tác và những vấn đề có liên quan đến chức danh tố tụng của họ. Khi đó, thẩm phán sẽ toàn tâm, toàn ý với công việc xét xử, cương quyết và độc lập hơn trong việc bảo vệ công lý, đưa ra phán quyết đúng đắn.

Theo Phó Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba, chế độ lương bổng cho thẩm phán cũng là yếu tố quyết định đến sự liêm chính, khách quan, công minh trong hoạt động xét xử.

Đó là những giải pháp nhằm giúp thẩm phán nói riêng, tòa án nói chung có thể độc lập trong xét xử. Chỉ khi thực sự có cơ chế bảo vệ sự liêm chính, thì mới có hy vọng hạn chế oan sai, tiến tới chấm dứt tình trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ sự liêm chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO