Bảo vệ trẻ em trước Covid-19

H.Vũ (thực hiện) 20/09/2021 08:00

Trẻ em là đối tượng yếu thế trong dịch Covid-19. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, kể từ đầu đại dịch đến nay, đã có hơn 15.000 trẻ em Việt Nam mắc Covid-19, chủ yếu tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam trẻ em lại chưa thuộc đối tượng được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, cần có các biện pháp triển khai sớm tiêm phòng cho trẻ em.

Ông Nguyễn Trọng An.

PV: Thưa ông, các nước trên thế giới đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em, nhưng ở nước ta, trẻ em vẫn chưa nằm trong đối tượng được tiêm phòng. Hiện tỉnh Bình Dương đang khảo sát và sẽ xin ý kiến Bộ Y tế về việc tổ chức tiêm vaccine cho đối tượng từ 12-18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Trọng An: Hiện chúng tôi đang tư vấn Bộ Y tế soạn thảo Chiến lược Bảo vệ trẻ em đến năm 2030 hướng đến để trẻ em có thể sống chung với Covid-19. Vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em cũng đã được đưa ra nhưng thực tế hiện chúng ta chưa có vaccine cho trẻ em, vẫn đang phải chờ đợi vaccine. Tại cuộc họp hôm 18/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận, sẽ có nghiên cứu để sớm tiêm vaccine cho trẻ em.

Như chúng ta biết, hiện vaccine phòng Covid-19 trên thế giới rất khan hiếm. Vaccine cho trẻ em lại càng hiếm, chỉ có một vài nước có. Đã có một số nước tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trong khu vực có Thái Lan, Singapore và từ ngày 17/9, Campuchia bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 6-12 tuổi nhằm mở rộng chương trình tiêm chủng và phục hồi nền kinh tế. Chúng ta cũng có quan điểm ưu tiên tiêm vaccine để trẻ em được sớm đến trường học. Nhất là trẻ từ mẫu giáo lên lớp 1 khi việc học trực tuyến không nhiều hiệu quả.

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn, tại TP HCM có tới hơn 1.500 trẻ em mồ côi cha mẹ. Có lẽ chúng ta nên có chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19?

Hiện Nhà nước đang giải quyết hỗ trợ 1.500 trẻ em tại TP HCM và còn 1.500 bà mẹ đang mang thai nhưng chồng đã mất vì Covid-19. Theo tôi, chính sách bảo vệ trẻ em phải được coi là khẩn cấp, nhất là diễn ra trong thời điểm dịch bệnh; để hạn chế thấp nhất nguy cơ trẻ em bị nhiễm Covid-19. Nếu bị mắc Covid-19, trẻ em phải được chăm sóc và điều trị tại nhà, hoặc hộ gia đình thay thế, không thể đưa trẻ em vào các trung tâm cách ly như thời gian qua.

Nếu điều trị tại cộng đồng, hoặc gia đình thay thế thì phải là người có kỹ năng làm việc với trẻ em, đảm bảo trẻ không bị cô đơn. Thứ hai, các trẻ mồ côi và phụ nữ mang thai cần được can thiệp hỗ trợ ngay, vì thực tế có những em không chỉ mất cha, mất mẹ mà còn mất cả nhà. Tôi đề nghị cần phải phân loại đối tượng, trẻ em bị mất bố hoặc mất mẹ, hoặc trẻ bị mất cả bố và mẹ phải có biện pháp hỗ trợ ngay. Tiếp đó là tính đến vấn đề học tập. Và thứ nữa là quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội với hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Vậy theo ông, chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cần được quan tâm như thế nào?

Việc hỗ trợ cho trẻ em cần tùy theo lứa tuổi. Nếu trẻ còn nhỏ tuổi phải hỗ trợ khẩn cấp về dinh dưỡng, thức ăn, khám chữa bệnh. Trẻ ở độ tuổi đi học cần hỗ trợ về việc học tập, sách vở và chăm sóc thay thế. Tôi cho rằng, trẻ em mồ côi cha mẹ do Covid-19 phải có gia đình thay thế, không nên đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội. Nhất thiết phải tìm gia đình mới cho trẻ và hỗ trợ tài chính cho các gia đình đó để họ chăm sóc trẻ.

Sau đó, như tôi nói, chiến lược và kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ là vấn đề quan trọng. Vấn đề tiêm vaccine cho trẻ không chỉ để đạt mục đích cho trẻ có thể đi học mà còn đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã ký ban hành quyết định về việc hỗ trợ trẻ em ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.Theo quyết định, trẻ em mồ côi cha mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 từ ngày 27/4 đến ngày 31/12 được hỗ trợ 2 triệu đồng/trẻ. Đồng thời, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm Covid-19 được sinh ra trong khoảng thời gian từ ngày 27/4 đến 31/12/2021 cũng được hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/trẻ. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo vệ trẻ em trước Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO