Bất cập trong đầu tư PPP

P.Anh 30/08/2017 08:05

Cho rằng phản ứng của người dân về BOT thời gian qua là dễ hiểu, ông Lê Văn Tăng - Trưởng Khoa danh dự Khoa Đấu thầu, Học Viện Chính sách và Phát triển, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Điều này đặt ra một thách thức lớn và cái cần là phải thay đổi tư duy ban phát.


Trạm thu phí BOT xuất hiện ngày 1 nhiều.

Nhìn xa hơn, BOT chỉ là một trong những hình thức khác nhau của hợp tác công tư (PPP); vấn đề là ở chỗ, các hình thức thu hút đầu tư tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đã xuất hiện ở nước ta từ hàng chục năm nay, nhưng khung pháp lý vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dần. Lúc đầu mới chỉ có khái niệm BOT đối với đầu tư nước ngoài, sau một thời gian thì có khái niệm BOT đối với đầu tư trong nước, tiếp đó xuất hiện các hình thức BOT, BTO, BT đối với đầu tư nước ngoài... Đến Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) thì phương thức này có thể coi là đã được nhìn nhận và xem xét một cách cơ bản.

Dưới góc độ của mình, ông Tăng cho rằng, “bản thân BOT không có lỗi. Tôi thậm chí còn đang e ngại nếu chúng ta nói không trúng, không đúng, thì sắp tới đây, tất cả đổ dồn vào phương thức khác, trong đó rất đáng lưu ý là BT, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn”. Sau khi dẫn việc một số dự án luật liên quan đến đấu thầu, ông Tăng nêu nhận định: “Tôi thấy lúc này là thời điểm thích hợp để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Những va vấp vừa qua đã đủ để Chính phủ và các đại biểu Quốc hội có đủ dữ liệu để phân tích, lựa chọn và đưa ra các quy định vừa khắc phục được những tồn tại… Đồng thời tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân”.

Ông Lê Văn Tăng cũng lưu ý, có nhiều bất cập nảy sinh là do quá trình thực hiện đã không tuân thủ đúng hoặc tuân thủ không nghiêm túc các quy định đã ban hành. Còn sắp tới, tôi nghĩ, “trước hết chúng ta phải thay đổi nhận thức về PPP. Trong đó, thay đổi nhận thức lớn nhất là các bộ ngành, địa phương không nên thụ động chờ đợi vốn ngân sách. Thứ hai, quan trọng hơn, phải thay đổi quan niệm về trách nhiệm của Nhà nước và quyền hạn công chức. Nói một cách dễ hiểu nhất thì vai trò đã được chuyển từ ban phát, từ “cho” sang “lo”. Nhà nước phải thay đổi chức năng, từ Nhà nước chỉ huy, sở hữu sang Nhà nước kiến tạo phát triển để phục vụ người dân và doanh nghiệp.”, ông Tăng nêu quan điểm.

Về phía nhà đầu tư, có một thực tế đáng lưu ý là hầu hết các nhà đầu tư Việt Nam thực hiện các dự án BT, BOT vừa qua thực chất là các nhà thầu, lúc đầu vì công ăn việc làm mà bước sang làm nhà đầu tư, chứ không phải các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư có nguồn tài chính dồi dào, có kinh nghiệm phát triển dự án và có mối quan hệ lâu năm với các nhà thầu thi công, các nhà cung cấp.

Về phía người dân, cần phải hiểu trước đây là con đường, nhà máy nước… đầu tư bằng ngân sách thì đương nhiên dân được thụ hưởng, nhưng nay là tiền của nhà đầu tư bỏ ra thì dân muốn được hưởng cần đóng tiền, đóng phí. Tất nhiên là mức phí phải hợp lý và tương xứng với chất lượng dịch vụ được cung cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập trong đầu tư PPP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO