Bất cập trong xét tuyển ĐH, CĐ đã được dự báo từ rất sớm

22/08/2015 22:58

* Bộ GD&ĐT cần khắc phục những bất cập trong đợt xét tuyển tiếp theo. Những bất cập được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đợt 1 ĐH, CĐ năm 2015 hoàn toàn trùng với những ý kiến lo ngại trước đó của đại diện nhiều trường ĐH, CĐ, của phụ huynh, học sinh. Đó là việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày.

Bất cập trong xét tuyển ĐH, CĐ đã được dự báo từ rất sớm

Một ngày sau khi kết thúc việc đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ đợt 1, chiều 21/8, trong buổi làm việc rút kinh nghiệm với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm về những bất cập của đợt xét tuyển khiến phiền hà, tốn kém cho người dân.

Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh có rất nhiều thông tin bức xúc về đợt xét tuyển xuất hiện trên các trang mạng xã hội và báo chí về một thực tế rất vất vả, bất lợi, khó khăn cho thí sinh và phụ huynh trong những ngày trước đó. Bởi thế, theo chúng tôi, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau bước nhận trách nhiệm cần khắc phục được ngay những bất cập đó trong đợt xét tuyển tiếp theo.

Những bất cập được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển đợt 1 ĐH, CĐ năm 2015 hoàn toàn trùng với những ý kiến lo ngại trước đó của đại diện nhiều trường ĐH, CĐ, của phụ huynh, học sinh. Đó là việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày.

Ngay từ khi bước vào những ngày đầu tiên đăng ký xét tuyển đợt 1, trên báo Đại Đoàn Kết và nhiều tờ báo khác đã đặt ra những vấn đề này. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi phỏng vấn với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, câu trả lời trấn an phụ huynh, học sinh là Bộ đã lường trước tất cả các khả năng và chuẩn bị các phương án để tạo thuận lợi tốt nhất cho thí sinh.

Công bằng mà nói, khi thấy bộc lộ vấn đề đi lại của thí sinh và phụ huynh khi phải lặn lội đến các trường để thay đổi nguyện vọng, Bộ đã kịp thời bổ sung phương án đăng ký thay đổi nguyện vọng tại các Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, đáng tiếc, những điều chỉnh ấy đã quá muộn cho một cuộc chạy đua vào cánh cửa trường đại học vốn đã nóng sẵn ở Việt Nam. Nay trong một thay đổi mới càng trở nên nóng bỏng hơn.

Đến nay, Bộ thừa nhận việc đăng ký tới 4 ngành trong một trường, được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là không hợp lý, tạo ra sự căng thẳng cho thí sinh, phụ huynh. Báo cáo của Bộ trong buổi làm việc cho thấy, có gần 43.000 thí sinh cả nước đã thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học. Một con số cho thấy tất yếu có sự cực kỳ lộn xộn, phức tạp, khó khăn cho cả chính các trường. Nhiều phụ huynh, học sinh phải đi lại, chờ trực tại các trường đại học gây nên sự tốn kém, phiền hà dường như là tất yếu.

Bất cập trong xét tuyển ĐH, CĐ đã được dự báo từ rất sớm - 1

Hàng dài thí sinh chờ đến lượt vào nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng đợt 1.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm về việc này: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp”. Có lẽ trong việc này, phải tính đến cả phần trách nhiệm của lãnh đạo Bộ trong việc chưa thực sự lắng nghe khi nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục đã dự báo trước tình hình này từ rất sớm.

Khi bước vào đợt xét tuyển, lại có phần chủ quan và tự tin khi ở phần đầu của kỳ thi năm nay rõ ràng có được dư luận ghi nhận sự đổi mới kịp thời trong việc tổ chức thành công một kỳ thi mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá là “về cơ bản đã đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả kỳ thi chưa tốt. Mục tiêu ban đầu là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh, nhưng vẫn còn để nhiều người dân và thí sinh phải vất vả”.

Từ đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo: “Qua đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ý kiến phát biểu của các cơ quan chức năng và người dân, Bộ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, bám sát tình hình trên tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến của chuyên gia, của dư luận để có ngay những giải pháp phù hợp, rõ ràng, dễ hiểu, khả thi”.

Đúng là hiện nay dư luận đang chờ xem Bộ Giáo dục và Đào tạo rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục trong đợt xét tuyển thứ 2. Theo đó đợt 2 sẽ không có việc điều chỉnh đăng ký xét tuyển nguyện vọng, thí sinh đăng ký bằng phiếu lấy từ trên mạng, gửi về trường đại học qua các trường THPT nơi các em theo học hoặc Sở Giáo dục.

Bộ cũng yêu cầu các trường đại học nhanh chóng công bố điểm chuẩn và chỉ tiêu còn lại cho nguyện vọng 2. Ngay sau khi các trường xét tuyển xong đợt 2 sẽ công bố kết quả tuyển sinh, không chờ thời hạn 20 ngày như đợt 1.

Đó là một sự điều chỉnh, nhưng cần một sự điều chỉnh lớn hơn nữa, sau kỳ thi năm nay, mà hiện lãnh đạo rất nhiều trường đại học, cao đẳng và các chuyên gia giáo dục đang nếu ý kiến, là giao hẳn cho các trường chủ động tuyển sinh. Hoặc một phương án thi cử khác mà ĐHQG Hà Nội đã thực hiện trong năm nay cần được Bộ quan tâm nghiên cứu.

Sau rất nhiều năm tổ chức tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức 3 chung, sau nhiều năm kiến nghị của các chuyên gia giáo dục về việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ làm một kỳ thi chung, đến năm 2015 này chúng ta mới thực hiện được. Nhưng đáng tiếc, chuẩn bị cho một Kỳ thi mất nhiều năm mà ở năm đầu tiên của chuyến tàu mang tên đổi mới thi cử, chúng ta đã đem đến cho xã hội một sự lo lắng, vất vả không cần thiết. Việc này là một bài học xương máu, không phải chỉ là rút kinh nghiệm, mà cần qui những trách nhiệm rất cụ thể.

Cẩm Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập trong xét tuyển ĐH, CĐ đã được dự báo từ rất sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO