Bắt đầu mùa thủy đậu

Thủy Hương 21/01/2018 08:30

Bệnh thủy đậu thường bùng phát vào mùa Đông Xuân. Theo các chuyên gia y tế, bệnh này rất dễ lây lan, người lớn cũng có thể mắc. Nguy hiểm là bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí tử vong.

Bắt đầu mùa thủy đậu

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh thủy đậu hiệu quả nhất.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

PGS TS BS Cao Hữu Nghĩa (Viện Pasteur TPHCM) cho biết: Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện. Theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, 90% bệnh nhân thủy đậu là trẻ 2-7 tuổi.

Thủy đậu vốn là bệnh lành tính, song nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da, để lại các vết sẹo lõm.

Biến chứng khác có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu.

Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13-20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên khi mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…).

Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

TS Nguyễn Văn Lâm- trưởng khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương cho biết, hàng năm, vào thời điểm này khoa tiếp nhận hàng trăm ca mắc thủy đậu, trong đó nhiều ca có biến chứng viêm phổi.

Trẻ sơ sinh nếu mắc thủy đậu thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn trẻ khác; trẻ bị bội nhiễm cũng tương tự.

Theo BS Lâm, hàng năm, tháng 3-5 là mùa cao điểm của bệnh thủy đậu, do thời tiết nồm và ẩm ướt tạo điều kiện thuận lợi cho virus Varicella Zoster phát triển.

Virus này có khả năng lây lan trong không khí, khiến thủy đậu dễ bùng phát thành dịch. Người lành có thể bị nhiễm virus thủy đậu nếu tiếp xúc với dịch từ bóng nước bị vỡ của người nhiễm bệnh, hoặc hít phải những tia nước bọt khi bệnh nhân ho, hắt hơi.

Về các nguồn lây nhiễm, BS Nghĩa cho biết thêm ngay cả trong thời gian ủ bệnh, khi các mụn nước chưa xuất hiện, người bệnh không hề hay biết mình đã mắc bệnh thủy đậu, nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác.

Dễ bùng phát thành dịch

PGS Trần Đắc Phu- cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho hay, trong năm 2017, cả nước ghi nhận gần 40.000 ca bệnh, tăng gần 50% so với năm 2016.

Đáng lưu ý số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu bắt đầu có xu hướng tăng từ tháng 1, đạt đỉnh vào tháng 3 với số ca mắc bệnh khoảng 8.000 ca/tháng, trong khi trung bình các tháng khác dưới 3.000 người bệnh.

Vẫn theo ông Phu, virus Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu có thể tồn tại vài ngày trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan từ người này sang người khác qua đường hô hấp (do hít phải chất dịch chứa virus khi người bệnh ho, nói chuyện…), qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Do đó, khi một người trong gia đình mắc bệnh, các thành viên còn lại cũng cần cách ly.

Tỷ lệ lây truyền thủy đậu giữa các anh em cùng nhà có thể lên đến 87%, cao hơn cả các bệnh nhân nằm cùng khoa, cùng phòng trong bệnh viện (70%).

Trước tình trạng bệnh thủy đậu có tốc độ lây lan cao, theo PGS Trần Đắc Phu, phương pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine.

Vaccine phòng bệnh thủy đậu hiện nay vaccine chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, mới có vaccine dịch vụ, độ phủ vaccine không cao nên miễn dịch cộng đồng không nhiều.

Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo người dân đi tiêm phòng bệnh tại các điểm tiêm có vaccine này.

Biểu hiện của bệnh thủy đậu gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân.

Ở người khỏe mạnh, thủy đậu thường lành tính và ít để lại di chứng.

Phần lớn người bị thủy đậu thường tự khỏi và không để lại sẹo, tỷ lệ biến chứng chỉ 1% do nhiễm trùng huyết, viêm não...

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng bệnh thủy đậu đơn giản và hiệu quả nhất. Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi cần được tiêm một liều vaccine ngừa thủy đậu.

Thanh thiếu niên trên 13 tuổi cần tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vaccine ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng, để phòng bệnh hiệu quả và tránh lây truyền từ mẹ sang con. Vaccine ngừa thủy đậu có mặt tại hầu hết các cơ sở y tế công lẫn tư trên cả nước.

Vaccine ngừa thủy đậu hiện nay có khả năng phòng bệnh hiệu quả đến 90%. Khoảng 10% còn lại có thể mắc thủy đậu sau tiêm chủng, song các trường hợp này thường nhẹ và ít biến chứng.

Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau: Tiêm ngừa vaccine đủ liều, đúng lịch. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bắt đầu mùa thủy đậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO