Những công trình cao tầng nghìn tỷ 'phơi sương'

Thành Luân 24/09/2018 08:00

Ngoài cao ốc 5.000 tỷ đồng nhìn ra Bến cảng Nhà Rồng, một loại các công trình cao tầng nằm ngay trung tâm TP HCM vì nhiều lý do khác nhau đang phải đình trệ thi công kéo dài.

Những công trình cao tầng nghìn tỷ 'phơi sương'

Tòa nhà Saigon One Tower nằm ngay vị trí đắc địa nhìn ra Bến Nhà Rồng, nhưng thi công dang dở suốt nhiều năm. Ảnh: Hồng Phúc.

Thiếu vốn chính là vấn đề cốt yếu gây ra tình trạng này. Cao ốc Saigon One Tower tọa lạc tại vị trí đắc địa của Q.1, được dự kiến vốn đầu tư lên đến 256 triệu USD (tương đương hơn 5.000 tỷ đồng) khi hoàn thành đến 80% bỗng dưng “chết đứng”.

Tính từ thời điểm ngưng thi công vào cuối năm 2011 đến nay, những hạng mục còn lại của công trình cao tầng này, như lan kính bên ngoài, cơ điện, vách ngăn, lát sàn,... vẫn trơ trọi trong một khu vực rộng hơn 6.600 m2, làm méo mó hình ảnh mỹ quan đô thị thành phố.

Gần đây, khi những vấn đề tồn đọng được giải quyết, các nhà đầu tư bắt đầu đứng ra tiếp tục hoàn tất công trình. Thế nhưng, tiến độ theo chỉ đạo của UBND TP HCM được cho là rất chậm chạp. Đây cũng là công trình bị TP HCM liệt vào danh sách những công trình làm “xấu mặt” đô thị của thành phố.

Ngay trung tâm Q.1, TP HCM là dự án Khu Trung tâm Thương mại được UBND TP giao cho Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư từ năm 2000. Đơn vị này ra thông báo cho từng hộ dân về kế hoạch đền bù, nhưng rồi không thực hiện khiến gần 20 năm qua người dân mòn mỏi chờ giải phóng mặt bằng, nhà cửa hư hỏng nặng nhưng cũng không dám sửa chữa. Đến năm 2007, người dân được thông báo dự án được chuyển cho chủ đầu tư mới là Tập đoàn Bitexco.

Nhà đầu tư mới tiếp tục thông báo cho người dân về kế hoạch đền bù giải tỏa nhưng rồi một lần nữa lại “treo” cho đến nay chưa được triển khai xây dựng. Sau gần 20 năm quy hoạch treo, hiện nay lãnh đạo TP HCM đang chỉ đạo công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân trong khu vực bị ảnh hưởng để đo đạc, kiểm kê, phục vụ công tác đền bù giải tỏa.

Việc nhùng nhằng trong quản lý quỹ đất cũng khiến các khu đô thị nằm sát trung tâm thành phố rơi vào cảnh “phơi sương” bao nhiêu năm nay. Trong đó, ngoài khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh) đã quy hoạch từ hơn 20 năm trước thì Khu bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) cũng “treo” hơn 20 năm, khiến quá sức chịu đựng của người dân khu vực này.

Trước đây, dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc nhà đầu tư thực hiện dự án gồm một liên danh, nhưng sau đó nhà đầu tư nước ngoài rút đi, liên danh tan vỡ. Hiện UBND TP HCM vẫn tiếp tục phải chờ ý kiến của Chính phủ về dự án này, nên thủ tục và thời gian kéo dài.

Có thời điểm, do người dân Thanh Đa quá sức chịu đựng vì phải chờ đợi quy hoạch quá lâu, UBND TP HCM đã phải gỡ rối bằng cách chủ động mời chào đầu tư vào dự án đô thị Bình Quới - Thanh Đa nhưng kết quả vẫn chưa có chủ đầu tư nào chính thức. Quy hoạch treo vẫn tồn tại mấy chục năm nay, nhiều nhà cửa của dân không được cơi nới, sửa chữa, dẫn tới xuống cấp trầm trọng.

Các sai phạm kéo dài không được giải quyết ổn thỏa, cũng khiến danh sách những công trình đắc địa ngay trung tâm TP HCM bị đình trệ thi công. Chỉ thống kê trong 7 tháng đầu năm 2017, Sở Xây dựng TP đã thanh tra và phát hiện tới gần 2.000 các trường hợp vi phạm (35% sai phép, 50% không phép).

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng trong nhiều năm vệc phối hợp giữa Thanh tra xây dựng TP và các quận/huyện là chưa chặt chẽ dẫn đến việc xử lý chưa triệt để, dẫn đến những bất cập nêu trên. Bắt đầu năm 2018, TP HCM đi đến một quyết định dứt khoát để hạn chế những “xấu xí” trong bộ mặt đô thị thành phố.

Đó là quyết định của HĐND TP HCM thông qua tờ trình về chương trình phát triển nhà đến 2025 của UBND TP, trong đó không phát triển các dự án cao tầng mới tại hai quận trung tâm (Q.1, Q.3). Thay vào đó, tại khu vực trung tâm, thành phố chỉ ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch cho các dự án cải tạo, xây dựng mới thay thế chung cư cũ từ trước năm 1975, trong khi không phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2020.

Tại một số quận trung tâm khác, HĐND TP cũng chấp thuận việc hạn chế các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Những dự án, công trình “siêu cao”, “siêu rộng”, “siêu nghìn tỷ” của TP HCM những tưởng sẽ nâng tầm đô thị có tốc độ đô thị hóa hàng đầu cả nước này, thế nhưng lại đã và đang trở thành những hình ảnh “xấu xí”, làm méo mó mỹ quan đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những công trình cao tầng nghìn tỷ 'phơi sương'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO