Bất ngờ thành phố hoa sưa

Vương Tâm 25/06/2021 19:00

Trước đây mỗi khi nói đến thanh phố Tam Kỳ là mọi người đều ví như một cô gái làng chài luôn ngái ngủ trên cồn cát. Một thời thành phố Đà Nẵng cùng tỉnh càng tráng lệ sấm uất bao nhiêu thì thị xã Tam Kỳ càng loi thoi ngơ ngác bấy nhiêu bên sông Tam Kỳ. Mãi tới năm 1996, Đà Nẵng tách riêng trực thuộc trung ương, Tam Kỳ mới trở thành thủ phủ Quảng Nam. Những hàng cây sưa bất ngờ vụt lớn lung linh với những búp hoa cười.

Góc phố hoa sưa.

Những ngã ba phố và hoa

Khởi thảo dự án trồng hoa sưa cho thành phố Tam Kỳ không biết bắt đầu từ bao giờ. Vậy mà sau 35 năm xây dựng đến đâu đường phố cũng tràn ngập hoa sưa vàng rực. Khác hẳn với loại hoa sưa trắng ngoài Bắc, ở đây họ trồng giống hoa vàng tuy gỗ kém giá trị hơn. Chừng mươi mùa xuân qua thành phố luôn mở lễ hội hoa sưa vào thời đoạn cuối xuân đầu hạ hàng năm. Đó là thời điểm hoa nở rộ nhất và lễ hội bên sông Tam Kỳ luôn rộn ràng lời ca tiếng hát. Họ thi hát bài chòi, thi làm bánh, thi tay nghề cắm hoa. Ngã ba nào cũng rạo rực cờ hoa. Điều kỳ diệu cùa thành phố Tam Kỳ chính là những ngã ba trăm ngàn lối rẽ về muôn phương. Theo các cụ nói Tam Kỳ chính là những lối rẽ ngã ba (giải nghĩa theo chiết tự Hán-Nôm).

Đầu tiên là con sông Trường Giang nối với cửa biển Tam Hải. Khi chảy tới thành phố Tam Kỳ rẽ thanh ba nhánh sông. Trong đó hai nhánh rẽ được gọi là Tam Kỳ và Bàn Thạch. Chúng ôm gọn thành phố như dải lụa êm đềm mỗi khi bình minh lên. Triều dâng và con sông mênh mang nhấp nhô con sóng bạc làm cho thành phố bồng bềnh thơ mộng. Từ đó những ngã ba đường phố mọc ra hai bên sông Tam Kỳ. Cánh rừng hoa sưa cũng rực vàng khắp chốn dẫn lối dập dìu trên con đường vạn lý ngược xuôi bắc nam. Tam Kỳ chính là điểm dừng chân thú vị ở những ngã ba chờ đợi, hẹn hò. Ga xe lửa Tam Kỳ ở ngay bên cây số cách Hà Nội (820 km) và TP.HCM (900 km). Ai đến đây cũng nhắn nhủ rằng: "Tam Kỳ có món cơm gà/ Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon".

Điều kỳ lạ nhất của thành phố Tam Kỳ, sau những đường phố lớn với những dãy nhà cao tầng chính là Công viên tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (trên núi Cấm). Nói kỳ lạ bởi lẽ đây là dự án văn hóa khổng lồ với diện tích rộng nhất nước (15 ha). Hơn nữa tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng với biểu tượng lớn và rộng dài cũng nhất nước (cao 18,5m - rộng 84,7 m - dài 117 m). Nhà điêu khắc Đinh Gia Thắng là người con của Quảng Nam đã dành 10 năm tập trung sáng tác và thiết kế cho dự án công viên văn hóa và lịch sử này. Bên trong lòng tượng đài đã dành hàng ngàn mét vuông lưu trữ tư liệu hình ảnh để tưởng nhớ đến hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp đất nước. Nhà điêu khắc tâm sự: "Mẹ là suối nguồn bao la vô tận. Mẹ là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng và sẽ hóa thân vào đất, vào hồn thiêng sông núi Việt Nam..."

Hình tượng mẹ mang dáng dấp gương mặt hiền từ và khắc khổ nguyên mẫu chân dung mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Bà có tới 9 người con ruột, cùng với cháu ngoại và con rể đã hy sinh cho Tổ quốc. Mẹ Thứ trở thành biểu tượng vĩ đại cho hàng chục triệu người mẹ trên đất nước này. Việc xây dựng công viên mẹ Việt Nam anh hùng ở thành phố Tam Kỳ tạo nên ấn tượng kiến trúc nghệ thuật có một không hai ở nước ta. Tượng đài "Mẹ Việt Nam anh hùng" của Đinh Gia Thắng đã được trao "Giải Vàng mỹ thuật", năm 2015 và trở thành Di tích Văn hóa cấp Quốc gia. Công viên văn hóa lịch sử này còn diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ. Trong một bia đá dựng bên tượng đài đã được trích khắc bài thơ "Mẹ Tơm" của cố nhà thơ Tố Hữu: "Con đã về đây ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con cho Đảng ngày xưa ấy/ Không sợ cùm gông chấp súng gươm".

Một góc làng bích họa Tam Thanh.

Kỳ thú làng bích họa Tam Thanh

Quả là thành phố Tam Kỳ lãng mạn hơn ta tưởng. Vẻ lãng mạn ẩn nấp sau cái vỏ xù xì bị lãng quên bấy lâu nay. Không những gây ấn tượng về một thành phố hoa sưa, mà Tam Kỳ còn tạo dựng một làng bích họa Tam Thanh bên bờ biển (cách trung tâm thành phố chừng 7 km). Khởi thảo từ năm 2016, những bức tranh khá gần gũi của những họa sĩ Hàn Quốc đã làm dậy sóng của những bức tường rêu nghiêng đổ ở nơi đây. Hàng trăm bức vẽ đúng chân dung những người dân làng biển. Theo sự mô tả cực thực dân làng đều nhận ra nhau trong từng hình ảnh và nét vẽ thân thuộc. Người thực hòa nhập với người ảo trong tranh tạo nên một nhịp điệu tâm hồn. Đó là nét độc đáo của làng tranh Tam Thanh mà không nơi nào có được.

Một số địa phương khác cũng tạo dựng tranh tường nhưng sự tương tác không hòa nhập. Họ để lại những hình ảnh khô cứng và thuần túy như cổ động và đậm chất khẩu hiệu. Riêng làng bích họa Tam Thanh ở Tam Kỳ luôn giữ được không khí tươi vui nhộn nhịp và tràn đầy nụ cười trên mỗi bờ tường và hàng rào bên đường quê. Thậm chí năm nào các họa sĩ từ khắp nơi đều về đây dự trại sáng tác bích họa với mọi hình thức khác nhau. Họ vẽ trên những cái thuyền thúng đã cũ. Họ vẽ và sắp đặt trước những con sóng biển tỏ thiện chí hòa nhập với môi trường và bảo vệ thiên nhiên trên bến cá. Tính đến nay các họa sĩ đã về làng sáng tác bốn lần và gây được sự mới lạ cho du khách mỗi khi đến đây. Họa sĩ Nguyễn Trọng Hỷ (Đà Nẵng) là người tham gia cả bốn trại vẽ có nhiều cảm xúc về làng bích họa này. Anh cho biết Tam Thanh có chiều dài chạy dọc biển và con sông Trường Giang tới mươi cây số nên phù hợp tạo nên con đường hội họa độc đáo. Cùng với đó Tam Thanh lại có bãi biển cát trắng mịn khá dài rất thu hút du khách. Con đường tranh tạo nên sắc màu kỳ thú cho mỗi góc làng chài.

Hàng năm các họa sĩ luôn về đây để củng cố và vẽ bổ sung những bức tranh mới. Trại sáng tác hồi tháng 6/2020 đã để lại khá nhiều tác phẩm đặc sắc. Trong đó có nhiều bức tranh lớn và 100 tranh thuyến thúng được sắp đặt khá lạ mắt. Đáng chú ý đó là bức tranh mang màu sắc Chăm đậm dấu ấn Quảng Nam của nhóm họa sĩ Phan Cẩm Thượng thực hiện. Sau đó là bức tranh dài 17m, cao 6m của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ mô tả sức mạnh của thanh niên làng chài nâng một con cá khổng lồ lên cao. Biểu tượng như một dũng sĩ đất Quảng một thuở đang xông pha chiến trận bảo vệ non sông gấm vóc đất nước ta. Hoặc còn đó là hình vẽ "Nàng công chúa ngủ quên" trên một bức tường lớn gây sự ngạc nhiên cho mọi người. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ cho biết mọi người đang âm thầm chuẩn bị cho một trại sáng tác bích họa mới cho năm 2021 khi nạn dịch bị đẩy lui.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng.

Khúc bài chòi bên sông quê

Tam Kỳ còn được mệnh danh là thành phố của lễ hội bài chòi quanh năm. Đây là trò chơi bài mang đậm yếu tố văn học dân gian. Dường như tuần nào những trò hát bài chòi đều được diễn ra ở đâu đó trong mỗi làng mỗi trấn thôn. Nhất là tại các công viên và thành phố du lịch của Quảng Nam. Riêng thành phố Tam Kỳ hội bài chòi thường được tổ chức hát ở các làng chài du lịch như Tam Thanh, Tam Hải và Công viên Mẹ Việt Nam anh hùng.

Khắp nơi luôn vang lên những bài ca lao động, về lẽ sống và tình yêu. Lời bài hát của con bài "Bảy Liễu" đâu đó ngân vang: "Em nghe anh tỏ lời này/ Em đòi để bỏ chuyện rày sao nên/ Tao khang nghĩa ở cho bền/ Liễu mai hòa hợp đôi bên thuận hòa". Chả thế người Quảng Nam là mảnh đất xa xưa luôn ấm áp và trở thành khúc ruột miền trung. Điểm ngời sáng của nguồn mạch tâm cảm đó chính là thành phố Tam Kỳ xinh đẹp bên dòng sông êm đềm trôi ra biển Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất ngờ thành phố hoa sưa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO