Bất thường hay bình thường?

Lam Nhi 01/08/2017 09:45

Mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường ĐH cao kỷ lục năm nay đặt ra nhiều câu hỏi về một kỳ thi “hai trong một” với đề thi được Bộ GD&ĐT khẳng định là chuẩn hóa? Nhất là khi thông tin về điểm chuẩn dành cho nữ thí sinh của ngành ngôn ngữ Anh, Học viện An ninh nhân dân năm nay là 30,5 điểm thì liệu có nghịch lý nào xảy ra với thí sinh đạt điểm tuyệt đối 30 điểm vẫn trượt ĐH?

Đầu tháng 7 năm nay, khi điểm thi THPT Quốc gia được công bố với cơn mưa điểm 10, nhiều dự đoán về việc các trường ĐH top trên sẽ đau đầu khi lựa chọn thí sinh trúng tuyển. Nhiều dự báo về điểm chuẩn sẽ tăng từ 1-2 điểm so với năm 2016 ở một số trường ĐH top trên, đặc biệt là các ngành hot.

Thực tế diễn ra cho thấy, không chỉ là 1-2 điểm mà có những ngành tăng đến 4-5 điểm nên thống kê từ phần mềm lọc ảo của các trường ĐH nhóm xét tuyển phía Nam cho thấy, việc một lượng lớn thí sinh không đỗ NV1 mà chủ yếu đỗ NV 2, 3 khiến các trường không dám chắc chắn về số lượng thí sinh sẽ nhập học thực tế.

Đặc biệt, câu chuyện đau xót đã từng xảy ra cách đây vài năm khi có nhiều thí sinh 27 điểm vẫn trượt ĐH lại đang tái diễn. Đó là trường hợp của những thí sinh đăng ký vào các ngành y đa khoa hay một số ngành của trường công an, quân đội. Mặc dù năm nay với chính sách không giới hạn NV và xét tuyển theo điểm, khó có thí sinh nào trượt ĐH nhưng việc đạt 29,2 điểm (không tính điểm ưu tiên) vẫn không đỗ được vào trường ĐH yêu thích thì thực sự đáng tiếc.

Vẫn biết thi cử không thể tránh được phần trăm may rủi nhưng trước tâm thư của một học sinh ở Hà Nội thi đạt 29,15 điểm nhưng không đỗ vào ĐH Y vì không có điểm ưu tiên khu vực, GS Nguyễn Hữu Tú- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, rất đáng tiếc nhưng phải chấp nhận. Các em không đỗ ngành này có thể chuyển sang ngành khác, không đỗ trường này chuyển sang trường khác. “Chỉ tiếc là nhiều thí sinh đạt điểm cao không đăng ký vào ĐH Y Hà Nội (phân hiệu ở Thanh Hóa), những năm sau, thí sinh nên tìm hiểu kỹ thông tin này” - ông Tú nói.

Ông Tú cũng cho rằng việc điểm chuẩn của ngành Y đa khoa lên tới mức 29,25, cao nhất từ trước tới nay là do cách thức thay đổi trong thi cử, không phải do năng lực của học sinh giỏi vượt bậc sau một năm. Và nếu không có tiêu chí phụ, trường top cao như ĐH Y Hà Nội không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao.

Một mùa tuyển sinh ĐH lại sắp trôi qua, nhưng câu hỏi đặt ra đối với nền giáo dục nước nhà vẫn còn đó, chưa bao giờ thôi trăn trở, đó là làm sao để chất lượng dạy và học trong nhà trường được tốt lên? Những đổi mới giáo dục không có nghĩa là đổi mới thi cử với những kết quả cao bất thường khiến người mừng, người lo, vui buồn lẫn lộn? Để sau mỗi kỳ thi không còn những tiếng thở dài vì hối tiếc cho những thí sinh đã nỗ lực cả 12 năm học lại bị đánh trượt chỉ vì thiếu 0,5 điểm cộng ưu tiên…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất thường hay bình thường?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO