Bể ngầm chứa nước - 'Lá chắn' bảo vệ Tokyo khỏi lũ lụt

Minh Tuấn (Japan Times, Phys. Org) 01/06/2022 19:05

Công trình MAOUDC với các bể ngầm chứa nước khổng lồ được cho là đã giúp Tokyo giảm 90% thiệt hại về cơ sở hạ tầng do mưa lũ gây ra.

Với quỹ đất ngày càng eo hẹp, các đô thị trên thế giới đều đang có xu hướng hiện đại hóa và nâng cấp các công trình ngầm hay những tòa nhà chọc trời. Tokyo cũng không phải ngoại lệ.

Không chỉ thiếu quỹ đất xây dựng, các hệ thống ao hồ để thoát nước cũng không còn nhiều khiến chính phủ nước này quyết định xây dựng hệ thống thoát và trữ nước khổng lồ bên dưới thành phố.

Nằm tại ngoại ô thành phố Tokyo, hệ thống thoát nước khổng lồ được xây dựng bên dưới một sân bóng đá và công viên trượt băng với mục đích bảo vệ thành phố 13 triệu dân khỏi lụt lội do mưa lớn hoặc bão nhiệt đới.

Tên chính thức của công trình cống ngầm này là "Hệ thống cống thoát nước ngầm khu vực đô thị". Tuy nhiên, người ta hay gọi nó bằng cái tên ngắn gọn G-Cans.

Được xây dựng từ năm 1992 cho tới năm 2006 với mức chi phí 3 tỷ USD, hệ thống xử lý nước ngầm này bao gồm 5 hầm chứa bằng bê-tông với chiều cao 65 m và đường kính 32 m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4 km.

Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4 m, dài 177 m và rộng 78 m mang tên gọi riêng "The Temple"(Ngôi Đền). Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.

Tokyo là đô thị lớn bậc nhất thế giới, có truyền thống chống lũ từ lâu đời do nằm trên khu vực đồng bằng được bao quanh bởi 5 hệ thống sông và 100 con sông lớn nhỏ liên tục phình ra qua mỗi mùa.

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh và khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát đã khiến một số khu vực ở Tokyo bị sụt lún, thấp hơn mực nước biển.

Dù Nhật Bản trải qua hàng thế kỷ chống lũ, hệ thống chống ngập ở Tokyo hiện nay chỉ thực sự hình thành sau chiến tranh.

Năm 1947, cơn bão Kathleen đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng, khiến hàng nghìn người dân thành phố thiệt mạng. Một thập kỷ sau, bão Kanogawa tiếp tục tàn phá Tokyo, khiến đường phố, nhà cửa và các cơ sở kinh doanh bị ngập lụt.

Trước hậu quả nặng nề của bão lũ, chính phủ Nhật Bản quyết tâm hành động.

"Vào thời kỳ khôi phục sau chiến tranh những năm 1950-1960, chính phủ vẫn dành 6-7% ngân sách quốc gia cho nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai", Miki Inaoka, chuyên gia về thảm họa tại Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết.

Sau nhiều thập kỷ lên kế hoạch và xây dựng những công trình tương ứng, Tokyo hiện sở hữu hệ thống chống lũ với hàng chục con đập, hồ chứa và đê.

Điểm nhấn của hệ thống này là mê cung đường hầm dưới lòng đất Tokyo, hình thành bên cạnh các tuyến đường tàu điện ngầm và đường ống dẫn khí đốt.

Chính quyền Tokyo đã xây dựng 10 hồ ngầm và 3 đường hầm chống ngập. Hiện nay, Tokyo đang tiếp tục xây dựng thêm các hệ thống chống ngập khác để đối phó với tình trạng mưa ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Inaoka thừa nhận biến đổi khí hậu sẽ thách thức cơ sở hạ tầng chống ngập của Tokyo, khi thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên và khó lường hơn, khiến việc lên kế hoạch ứng phó với lũ lụt trở nên khó khăn.

Dựa theo dữ liệu lượng mưa trong lịch sử, chính quyền thành phố đã thiết kế để hệ thống phòng thủ của Tokyo chịu được lượng mưa 50 mm mỗi giờ. Tuy nhiên, một số chuyên gia ước tính trong thế kỷ 21, lượng mưa của Nhật Bản có thể tăng 10% và lên tới 19% vào mùa hè.

Tại những khu vực trũng thấp như Tokyo, khoảng 2,5 triệu người có thể bị ảnh hưởng bởi lũ lụt trong trường hợp thủy triều dâng cao kỷ lục.

Hồi đầu năm 2018, mưa lớn ở khu vực phía tây Nhật Bản đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và thiệt hại kinh tế hàng triệu USD, khi nhiều con sông bị vỡ bờ gây nên lũ lụt nghiêm trọng.

Nếu tình trạng trên xảy ra với Tokyo, thành phố sẽ bị ảnh hưởng nặng nề ngay cả với hệ thống chống lũ hiện nay, Tsuchiya cho hay.

Hệ thống thoát nước khổng lồ này nhận được sự ủng hộ lớn từ nhiều cơ quan, đơn vị tại Nhật Bản. Theo hội đồng quản lý thiên tai tại Tokyo, nếu lượng mưa hơn 550 m rơi xuống Tokyo trong ba ngày liên tiếp khiến nước tràn bờ sông Arakawa, 97% các ga tàu điện ngầm sẽ bị ngập. Sự kiện trên không xảy ra thường xuyên nhưng hệ thống G-Cans có thể giải quyết vấn đề này.

Sau khi đưa vào hoạt động, dự án G-Cans đã nhận được sự quan tâm từ nhiều nước. Rất nhiều quan chức Hàn Quốc hay Trung Quốc đã tới Nhật Bản để học hỏi kinh nghiệm xây dựng hệ thống thoát nước vĩ đại và hiệu quả như vậy.

Công trình gồm 5 hầm chứa bằng bê-tông với chiều cao 65 m và đường kính 32 m, nối với nhau bằng các đường hầm dài 6,4 km.
Bên cạnh đó là một bể nước lớn cao 25,4 m, dài 177 m và rộng 78 m mang tên gọi riêng "The Temple"(Ngôi Đền).
Nâng đỡ bể nước tối quan trọng này là 59 cột trụ lớn kết nối với 10 máy bơm công suất cao có thể bơm tới 200 tấn nước vào sông Edogawa mỗi giây.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bể ngầm chứa nước - 'Lá chắn' bảo vệ Tokyo khỏi lũ lụt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO