Bên bờ của sự tuyệt chủng

Lã Thế Tuấn (Nguồn tham khảo: Independen Daily Mail BioScience) 24/03/2017 14:49

Thật khó có thể hình dung một trong số loài thú đáng sợ nhất thời tiền sử đã tuyệt chủng vì... ăn rau. Với những gì thu thập được, có thể hình dung động vật thời tiền sử này nặng tới 500 cân, cao 1,7m, dài 3,5m, có móng vuốt và một bộ hàm cực khỏe. Đó là loài gấu hang động.

Cá voi xanh.

1.Khi được tự nhiên “trang bị” như vậy, một con gấu hang động không sợ bất cứ một loài thú nào, giả sử lúc bấy giờ đã có loài người với trí khôn vượt trội đi chăng nữa thì cũng không làm gì được chúng. Nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, lũ gấu khổng lồ này hóa ra lại khá hiền lành vì chế độ ăn của chúng chủ yếu là thực vật. Và có thể chính vì thế mà chúng đã tuyệt chủng khoảng 25.000 năm trước.

Loài gấu hiện nay đa phần là ăn tạp. Chúng ăn gần như tất cả mọi thứ: từ quả dại đến cá hồi, thậm chí còn săn cả hươu, nai. Trong khi đó, tổ tiên của chúng hoá ra lại ăn kiêng với một chế độ ăn toàn rau. Để có được kết quả này, các chuyên gia xét nghiệm những mẫu xương của gấu trong hang Goyet (Bỉ), qua đó xây dựng lại chế độ ăn của chúng. Kết quả phân tích cho thấy tổ tiên của gấu xưa kia đúng là chỉ ăn rau, ngay cả gấu con, tương tự, giống như gấu trúc còn sót lại đến ngày nay vậy.

Theo Giáo sư Hervé Bocherens (ĐH Tubingen - Đức) thì chế độ ăn thiếu cân bằng này, kết hợp cùng việc thảm thực vật bị tàn phá trong kỷ băng hà đã khiến loài gấu này tuyệt chủng. “Chúng tôi tin rằng việc chỉ ăn thực vật là lý do chính khiến loài gấu này tuyệt chủng”- GS Hervé nói với Tạp chí Quaternary Science.

Một con voi ở Ấn Độ được biết đã chết vì ăn cây có thuốc trừ sâu.

2. Theo giới nghiên cứu sinh vật học, đến năm 2020, số lượng động vật hoang dã có thể giảm tới 2/3. Người ta cũng cho rằng thế giới đang tiến gần đến sự tuyệt chủng động vật hàng loạt, sau lần khủng long bị quét sạch 65 triệu năm trước đây.

Một dự báo ảm đạm của Living Planet cho rằng đến năm 2020, số lượng động vật có vú, chim, cá, bò sát và các loài có xương sống khác dự đoán sẽ giảm đến độ “không tưởng”. Tỷ lệ tuyệt chủng của chúng nhanh hơn 100 lần so với mức bình thường, lớn hơn tỉ lệ của 5 lần tuyệt chủng hàng loạt trước đây trong lịch sử.

Báo cáo Living Planet được thực hiện bởi Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) và Hội động vật học London (ZSL), phân tích dữ liệu của 3.706 loài động vật. Đây được coi là nghiên cứu toàn diện nhất về tình trạng hiện tại của động vật hoang dã toàn cầu. Báo cáo cũng phát hiện từ năm 1970 đến năm 2012, các loài động vật đã suy giảm trung bình 58% số lượng. Nếu không có gì thay đổi, mức suy giảm này sẽ tăng lên 67% vào năm 2020, năm thế giới cam kết sẽ ngăn chặn sự biến mất của động vật hoang dã.

Hải tượng.

Theo Tiến sĩ Mike Barrett- Giám đốc khoa học và chính sách của WWF ở Anh thì lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt động vật hoang dã từ sau khi khủng long tuyệt chủng 65 triệu năm trước. “Việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên của nhân loại đã đe dọa môi trường sống, dồn ép các loài vật không thể thay thế đến bờ vực và đe dọa sự ổn định của khí hậu”- Tiến sĩ Mike nói và cho rằng, trong khi những con khủng long có thể đã chết vì một thiên thạch khổng lồ va vào Trái Đất, thì động vật hoang dã hiện nay chết là do con người, thông qua việc săn bắn theo cách tận diệt.

3. Một nghiên cứu khác cho rằng Trái Đất đang bước vào thời kỳ đại tận diệt lần thứ 6. Câu hỏi đặt ra là nếu điều đó xảy ra, sinh vật nào sẽ biến mất đầu tiên?

Trong lịch sử, Trái Đất đã từng trải qua 5 cuộc đại diệt, khiến các loài sinh vật tuyệt chủng hàng loạt. Trong đó, lần đại diệt gần nhất đã xảy ra từ 65 triệu năm trước.

Tại sao lại nói rằng Trái Đất đang bước vào thời kỳ đại tận diệt lần thứ 6? là bởi con người đã và đang đẩy quá nhiều loài động vật đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Cá voi xanh được cho là loài thú lớn nhất thế giới nhưng cũng sẽ là loài tuyệt chủng đầu tiên. Lý do thật đơn giản: Loài nào càng lớn, càng dễ diệt vong! Điều đó giống như khủng long- một loài thú vĩ đại đã bị quét sạch vào 65 triệu năm trước.

Tuy nhiên, tới nay, 86% những loài vật cỡ nhỏ cũng đã phải đưa vào Sách đỏ, đó là điều rất đáng báo động.

Báo gấm.

Tiến sĩ Boris Worm - nhà hải dương học thuộc ĐH Dalhousie (Canada) cho rằng một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học đang ngày một lớn dần. Ông nói: “Chúng ta đã từng có những vụ tuyệt chủng hàng loạt trong quá khứ. Nhưng lần này là một trải nghiệm hoàn toàn khác”. Theo ông, việc săn bắt, đánh cá quá mức cùng quá trình xâm thực và hủy hoại biển cả đã biến cuộc sống của các loài cá lớn thành địa ngục. “Còn trên đất liền thì khỏi phải nói”- Tiến sĩ Boris Worm nói.

Tuy nhiên, thiên nhiên cũng thật đặc biệt, khi chúng ta thấy rằng với loài hải tượng năm 1910 chúng còn sót lại trên thế giới chưa tới 100 con, thì nay đã là hơn 100.000 con. Chúng chính là một trường hợp hiếm hoi có số lượng cá thể hồi phục khi đang đứng trước ngưỡng tử. Chính vì thế chúng được coi là “ngoại lệ khó hiểu”, trong khi sư tử, hổ, voi, tê giác... có thể vĩnh viễn chỉ tồn tại trong sách vở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bên bờ của sự tuyệt chủng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO