Bên bờ vực tuyệt chủng

Phan Tùng (Nguồn tham khảo: Live Science) 21/11/2016 15:45

Báo cáo mới nhất vào cuối tháng 10/2016 của Hiệp hội Động vật học London (ZSL) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết, số lượng động vật hoang dã hiện đã giảm 58% so với năm 1970. Báo cáo cũng cảnh báo rằng, nếu không có những biện pháp quyết liệt thì nhiều động vật hoang dã sẽ tuyệt chủng.

Con voi này chết sau khi ăn nhầm cây trồng phun thuốc trừ sâu ở Ấn Độ. Ảnh: REUTERS.

1. Vẫn theo Báo cáo của ZSL và WWF, số lượng động vật hoang dã “biến mất” có thể lên đến 67% vào năm 2020 - thời điểm thế giới cam kết ngăn chặn sự biến mất của các loài động vật hoang dã.

Báo cáo được công bố 2 năm một lần và thật đáng buồn những lần công bố sau lại mang tính cảnh báo nhiều hơn lần công bố trước. Công bố dựa trên kết quả nghiên cứu nguồn dữ liệu thu thập từ 3.700 loài chim, cá, động vật có vú, động vật lưỡng cư và bò sát - chiếm khoảng 6% trong tổng số động vật có xương sống trên thế giới.

Theo TS Mike Barrett- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Chính sách thuộc WWF: Số lượng các loài sống trong môi trường nước ngọt giảm đến 81% kể từ năm 1970. Tình trạng này liên quan tới cách con người sử dụng nước cũng như sự phân tán các hệ thống nước ngọt do hoạt động xây đập.

Vẫn theo TS Mike, nhiều loài động vật đã rơi vào mức “bi thảm”. Chẳng hạn, số lượng voi châu Phi và cá mập giảm mạnh trong những năm gần đây do bị săn bắn và đánh bắt quá mức. Ngoài ra, ô nhiễm hóa chất còn ảnh hưởng đến nhiều loài sinh vật, từ cá kình đến gấu Bắc Cực.

Lần đầu tiên chúng ta phải đối mặt nguy cơ tuyệt chủng của hàng loạt động vật hoang dã kể từ sau khi khủng long tuyệt chủng 65 triệu năm trước. Việc lạm dụng tài nguyên thiên nhiên của nhân loại đã đe dọa môi trường sống, dồn ép các loài vật đến bờ vực tuyệt chủng và đe dọa sự ổn định của khí hậu- TS Mike Barrett cảnh báo.

Từ đó vị chuyên gia này cho rằng các chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần suy nghĩ lại về cách chúng ta sản xuất, tiêu dùng, sử dụng môi trường tự nhiên.

Bên bờ vực tuyệt chủng

Săn bắn tê giác lấy sừng đã đẩy loài vật này đến bờ vực tuyệt chủng.

2. Thế giới đã ghi nhận nhiều ý tưởng hồi sinh những loài tuyệt chủng. Tuy nhiên, như người ta nói, điều đó “khó như lên trời” với rất nhiều lí do. Nói như nhà nghiên cứu Axel Moehren thì “Bất cứ khi nào một loài bị tuyệt chủng quay lại, một loạt rủi ro cũng theo sau”. Tuy thế, khát vọng mang một loài đã tuyệt chủng quay lại tự nhiên vẫn không bị dập tắt.

Cách đây chưa lâu, một số nhóm nghiên cứu đã thử “làm sống dậy” 3 loài đã tuyệt chủng là cá heo nước ngọt sông Dương Tử (Trung Quốc), tuyệt chủng năm 2006; bướm xanh Xerces vùng bờ biển California (Mỹ), tuyệt chủng năm 1941; và chó sói Tasmania (Australia), tuyệt chủng năm 1936. Tuy nhiên, nghiên cứu bất thành.

Một nhóm nghiên cứu khác lại cố gắng làm voi ma-mút sống dậy. Đứng đầu nhóm nghiên cứu là Ross MacPhee- nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ.

Theo ông này, mang một con bướm quay lại là một chuyện, nhưng với voi ma-mút lại là một chuyện hoàn toàn khác. Có nghĩa là khó hơn nhiều. Và cho rằng với rất nhiều nỗ lực, tới nay nghiên cứu vẫn không đem lại kết quả.

Nhưng, cũng như những nhóm nghiên cứu khác, Ross MacPhee cho rằng công nghệ đang rất phát triển và việc hồi sinh các loài bị tuyệt chủng sẽ sớm diễn ra trong một nỗ lực khôi phục thiên nhiên, môi trường.

Bên bờ vực tuyệt chủng - 1

Do bị săn bắt dữ dội, tê tê trong tự nhiên ngày một khan hiếm.

3. Trong những bộ phim viễn tưởng, người ta đã làm sống lại thế giới khủng long nhiều triệu năm trước. Trong đó có rất nhiều loài khủng long khác nhau nhằm thỏa mãn trí tò mò của người xem.

Chỉ với một giọt máu đã hóa thạch còn sót lại (trong phim Công viên khủng long), những nhà làm phim đã đưa người xem ngày hôm nay lạc vào một thế giới kỳ lạ, với những con vật khổng lồ mang trong mình sức mạnh của sự hủy diệt.

Trở lại với câu hỏi: Có thể làm sống lại những động vật đã biến mất hay không? Những nhà khoa học Mỹ cho rằng đó là điều không thể. Những lí do được đưa ra là:

Thứ nhất, nếu hồi sinh các sinh vật cổ đại, chúng sẽ không thích nghi được với môi trường và hệ sinh thái hiện nay. Theo nhà sinh thái học Douglas McCauley thì cho dù chúng có được tạo ra chăng nữa từ một gene nào đó thì cũng lập tức “tắt thở” vì không khí, độ ẩm, nhiệt độ ngày hôm nay khác xa so với thân nhiệt của chúng.

Thứ hai, loài động vật được hồi sinh đóng vai trò gì trong hệ sinh thái hiện nay? Giả sử như voi ma-mút là loài động vật xâm lấn, sẽ gây nguy hiểm cho các động vật khác nếu sống ngoài thiên nhiên hoang dã, sẽ không có con vật nào “hoan nghênh” sự có mặt của voi ma-mút.

Thứ ba, đã hồi sinh động vật tuyệt chủng thì việc làm đó phải có ý nghĩa. Giả sử như chúng ta chỉ hồi sinh được 1 hoặc 2 con voi ma-mút, trước mắt thì nó sẽ được dùng để làm thú cảnh tham quan này nọ, nhưng lâu dần thì sao?

Nếu 2 con vật này không sống hòa thuận với nhau, không thể sinh sản để duy trì nòi giống, thì sau một thời gian nó cũng chết đi, vậy thì ý nghĩa của việc hồi sinh động vật từng tuyệt chủng là gì? Có thể kết luận ngay rằng đó là việc làm vô nghĩa.

Vì thế, kết luận đúng đắn nhất: không phải tìm cách khôi phục những gì đã mất mà hãy bảo vệ những gì chúng ta đang có, những gì đang đứng bên bờ của sự hủy diệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bên bờ vực tuyệt chủng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO