Bến bờ xa lắc: Hồi quang bằng phiên bản Việt - Hàn

Thái Anh 06/11/2017 08:35

“Em phải sống để chúng ta quay về như xưa…”- Thúy đã lặng im ra đi mãi mãi trong khát khao tình yêu của riêng mình sau câu trả lời vô cảm ấy của Tùng - chồng cô. Và, dù cánh màn nhung vở kịch Bến bờ xa lắc đã từ từ khép lại nhưng vẫn gieo vào lòng khán giả bao bâng khuâng trước câu hỏi: Vì sao bến bờ hạnh phúc mãi… xa lắc?


Sau 20 năm NSND Lê Khanh tiếp tục thành công trong vai Thúy trong vở Bến bờ xa lắc.

Câu chuyện về người đàn bà tên Thúy

Nhà hát Tuổi trẻ vừa có hai suất diễn giới thiệu đến khán giả Hà Nội vở kịch tâm lý xã hội Bến bờ xa lắc dưới hai phiên bản: Việt - Hàn (ngày 3 và 4/11), tại rạp số 11 Ngô Thì Nhậm. Ở phiên bản tiếng Việt, thực ra, cách đây 22 năm, vở kịch của tác giả Lê Thu Hạnh được NSND Ngô Xuân Huyền dàn dựng đã nhận giải Vàng tại Liên hoan sân khấu toàn quốc năm 1996. Vở kịch này cũng đã từng “làm mưa, làm gió” trên sân khấu cả nước với hàng trăm đêm sáng đèn liên tục. Cũng vì câu chuyện được kể trong vở kịch đã không chỉ làm lay động cảm xúc của khán giả mà còn thực sự ám ảnh…

Bến bờ xa lắc kể về Thúy, người phụ nữ bao năm cứ ngỡ mình đã được sống trong hạnh phúc khi lấy thước đo niềm vui của chồng, con chính là niềm vui của chính mình. Nhưng, bỗng dưng Thúy nhận được bộ váy mới từ Phương- cô con dâu tương lai, nhận được lời mời cùng đi xem hòa nhạc của Trung- người bạn học năm xưa… Đón hai luồng gió mới mẻ ấy thổi đến, Thúy bỗng dưng nhận ra trong chị còn một người đàn bà rất khác, người đàn bà không phải chỉ suốt ngày nấp trong niềm vui của chồng, con mà còn là người đàn bà mang đầy khát khao được nâng niu, được yêu và được là chính mình. Bi kịch gia đình Thúy - Tùng cũng bắt đầu từ đó…

Vở kịch vốn dài hơn 2 giờ nhưng khi được dàn dựng để tham gia chương trình biểu diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt - Hàn, hợp tác với Đoàn kịch Jigeum Hàn Quốc thì chỉ còn hơn 1 tiếng trong vỏn vẹn 5 nhân vật. Dẫu vậy, người xem vẫn thấy được một Thúy (NSND Lê Khanh) vừa hồn hậu vừa luôn khắc khoải, sống chết vì muốn được yêu, muốn được là chính mình; một Tùng (NSƯT Đức Khuê) gia trưởng, tẻ nhạt, ích kỷ, coi hạnh phúc của vợ chỉ gói gọn trong bổn phận: phục dịch chồng, con; một Trung (Bá Anh) dám yêu nhưng đớn hèn; một Phương (Thu Quỳnh) trẻ trung dám sống là chính mình… Từ các nhân vật này, có lẽ mỗi người sẽ tự tìm cho mình một câu trả lời cho câu hỏi rất cần lời giải ở ngay chính cuộc sống hôm nay: Vì sao cuộc sống đã đủ đầy và theo đúng khuôn mẫu: Chồng kiếm tiền, vợ nội trợ mà bến bờ hạnh phúc vẫn mãi xa lắc?

Một vở diễn tươi mới

Trước một sân khấu tối giản khi không có hậu cảnh và đạo cụ chỉ có bộ salon bằng mây là thách thức lớn đối với mỗi vai diễn. Thế nhưng, các nghệ sĩ đã thể hiện khá tròn vai, nhất là NSND Lê Khanh. Đã từng vào vai Thúy từ bản dựng đầu tiên vào năm 1995, khi tuổi mới ngoài 30 và giành HCV cá nhân ở Liên hoan sân khấu toàn quốc nên NSND Lê Khanh dễ bị soi trong bản diễn sau đó hơn 20 năm này, nhất là giờ đây chị đã bước qua tuổi 50. Vậy mà, Lê Khanh đã tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng khán giả với một Thúy vẫn xinh đẹp, đài các, thậm chí còn mang khát khao dữ dội hơn xưa. Chỉ một động tác di chân thôi cũng đủ thấy Thúy của Lê Khanh muốn bày tỏ, muốn sẻ chia niềm khát khao mãnh liệt khi vừa bừng tỉnh giấc mộng về hạnh phúc. Chỉ một ánh mắt xa xăm thôi cũng đủ thấy Thúy của Lê Khanh quyết tâm yêu, quyết tâm được là chính mình… Hình ảnh của Thúy trên sân ga đợi chờ trong vô vọng một tình yêu mới thật ám ảnh khôn nguôi.

Một điều thú vị nữa là bản phục dựng Bến bờ xa lắc này còn được diễn bằng phiên bản tiếng Hàn do các nghệ sĩ Đoàn kịch Jigeum thể hiện. Vẫn là câu chuyện ấy nhưng bản dựng này lại mang màu sắc mới qua lời dẫn chuyện đầy ấm áp của nghệ sĩ ghi ta Shin Yong Nam; qua những sinh hoạt, cách ứng xử có phần khác của người đàn ông Hàn Quốc với vợ. Và, yếu tố khác biệt lớn nhất ở đây là cái kết của vở kịch.

Các nghệ sĩ Hàn Quốc đã chọn cho mình một cái kết khác hoàn toàn so với nguyên bản vở kịch, cũng đầy cảm động, gợi mở. “Bến bờ xa lắc là một kịch bản rất hay, rất thời sự. Tôi nghĩ, đây là câu chuyện không chỉ của riêng xã hội Việt Nam mà có thể xảy ra ở bất cứ xã hội nào, trong đó có Hàn Quốc. Vậy nên, chúng tôi muốn kể lại câu chuyện này theo cách của mình với mong muốn gợi ý thêm cho khán giả một cách tháo gỡ những bế tắc trong đời sống tình cảm có lẽ luôn diễn ra âm ỉ trong mỗi gia đình. Trước đó, vở diễn đã được biểu diễn ở Hàn Quốc tại Lễ hội giao lưu văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam năm 2017 tại thành phố Incheon - Hàn Quốc hồi tháng 9 vừa qua và nhận được sự yêu mến đặc biệt của đông đảo khán giả Hàn Quốc”- Đạo diễn Lee Eun Son nói.

Theo NSƯT Chí Trung- Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, sau những suất diễn giao lưu này, vở kịch Bến bờ xa lắc sẽ được Nhà hát Tuổi trẻ phục dựng nguyên bản và biểu diễn thường xuyên tại rạp 11 Ngô Thì Nhậm (Hà Nội). “Một vở diễn được cho là thành công không chỉ vì bản dựng hay mà còn phải đến được với khán giả. Bến bờ xa lắc đã đến được với khán giả của hơn 20 năm trước thì tới đây chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục được khán giả hôm nay yêu thích với một bản phục dựng tươi mới, gần gũi nhịp sống hiện đại này”- NSƯT Chí Trung bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bến bờ xa lắc: Hồi quang bằng phiên bản Việt - Hàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO