Bên cây đa lịch sử

Triết Giang 17/07/2016 05:58

Nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, ngày 17/ 7 tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia Cây đa và đền La Tiến (xã nguyên Hòa- huyện Phù Cừ), tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và tri ân những hy sinh mất mát của các thương binh, bệnh binh, đã đổ xương máu vì nền độc lập của đất nước.

Cây đa lịch sử và đền thờ La Tiến.

Theo như sử sách còn ghi lại, cùng những lời nhắc nhở về tội ác của thực dân Pháp trên tấm bia căm thù, cây đa La Tiến từ lâu đã được biết đến như một chứng nhân lịch sử bởi trong những năm kháng chiến chống Pháp đã chứng kiến bao cảnh “máu chảy đầu rơi”.

Thực dân Pháp đã dùng cực hình tra tấn cực kỳ dã man, giết hại 1145 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta dưới gốc đa, trong đó có 121 cán bộ và nhân dân xã Nguyên Hòa. Cây đa La Tiến cũng chính là nơi ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngược dòng lịch sử, trong thời gian thực dân Pháp thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ, La Tiến là nơi có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự. Hệ thống giao thông thuỷ, bộ rất thuận lợi cho việc chuyển quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm chi viện cho khu vực tả ngạn sông Luộc.

Mặt khác, đây là địa bàn trung tâm, có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, thực dân Pháp đã lấy La Tiến là vị trí chiếm đóng, lập bốt, án ngữ nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của, vũ khí, súng đạn, lương thực, thực phẩm... từ các vùng lân cận và đàn áp phong trào cách mạng của quân, dân Phù Cừ.

Ngày 24/12/1949, quân địch từ thị xã Hưng Yên đi bằng ca nô, tàu chiến theo đường sông Luộc đổ bộ lên chợ La Tiến, chiếm đóng vị trí quan trọng này. Ngay từ buổi đầu chiếm đóng, địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo. Chúng vào làng phá dỡ đình, chùa, miếu, trường học...

Đi đến đâu, cũng bắn giết, hãm hại dân lành, đốt phá nhà cửa, hòng khuất phục ý chí và tinh thần của nhân dân ta. Chúng bắt hàng trăm người dân trong vùng mà chúng cho là Việt Minh, du kích đem về bốt La Tiến tra tấn dã man và giết hại bằng những hình thức thời trung cổ.

Người dân La Tiến- Nguyên Hòa ngày nay vẫn kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện bên di tích lịch sử ấy. Từ năm 1949 đến 1954, thực dân Pháp càn quét và đóng bốt La Tiến. Kẻ địch đã khủng bố vô cùng tàn bạo, người dân La Tiến phải đối mặt trực tiếp với quân thù, chịu đựng bao đau thương tổn thất.

Trong thời gian chiếm đóng bốt La Tiến (1949 - 1954), thực dân Pháp đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta. Trong đó có 121 cán bộ và nhân dân xã Nguyên Hoà (riêng thôn La Tiến có 60 người, 40 người thôn Thị Giang, 19 người thôn Sỹ Quý, 1 người thôn Hạ Đồng), 12 người xã Tam Đa; 6 người xã Đoàn Đào huyện Phù Cừ... và rất nhiều người ở những xã khác của tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương…

Trước tội ác man rợ của kẻ thù, vào đêm 31/1/1954, bộ đội chủ lực đã phối hợp với quân dân Phù Cừ tiêu diệt bốt La Tiến, giải phóng quê hương. Ban chỉ huy Trung đoàn 42 đã sử dụng lực lượng gồm: Tiểu đoàn 664; Đại đội 200 trợ chiến, Đại đội 61 thuộc Tiểu đoàn 652 và Trung đội 20 thuộc Đại đội 24 huyện Phù Cừ dùng chiến thuật cường tập tiêu diệt vị trí La Tiến trong vòng 20 phút. Từ đó đến nay, cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Nguyên Hòa nói riêng và người dân Hưng Yên nói chung.

Bốt La Tiến bị san phẳng, năm 1956, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện và được sự nhất trí của các cấp có thẩm quyền, UBND xã Nguyên Hoà đã xây dựng “Bia căm thù” trên đúng vị trí của bốt La Tiến xưa để khắc ghi tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai; đồng thời ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng chí và đồng bào đã anh dũng hi sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Bốn mặt bia được ốp đá xẻ tự nhiên màu xám, nội dung bia được khắc chìm, chữ nhũ vàng bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.

Đền tưởng niệm là công trình mới được phục dựng năm 2010 để tưởng niệm vong linh các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng chí và đồng bào ta đã bị giết hại trong những năm thực dân Pháp chiếm đóng tại đây (từ năm 1949- 1954). Ngôi đền được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống với kết cấu kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế và một gian hậu cung vững chãi, kiên cố. Tại đây bài trí nhiều đồ thờ tự giá trị.

Ngày 25/4/2005, cây đa La Tiến đã được Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Hưng Yên xác nhận thuộc danh mục cây cổ thụ cần được chính quyền, nhân dân địa phương chăm sóc, bảo vệ như đối với di sản văn hoá - lịch sử.

Ngày 26/7/2010, đúng vào dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, công trình tu bổ tôn tạo di tích cây đa La Tiến và đền tưởng niệm được cắt băng khánh thành và tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Năm 2012, di tích này đã được công nhận là khu di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên. Trong nhiều năm qua, địa điểm cây đa và đền La Tiến đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, Khu di tích Cây đa và đền La Tiến đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia năm 2015. Di tích này đã trở thành địa chỉ đỏ nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng. Ngày nay, khi đến xã Nguyên Hòa, đến với cây đa và đền La Tiến, khách tham quan được sống trong khung cảnh của một làng quê bên bến sông yên bình.

Và tấm bia căm thù đứng đó sừng sững giữa đất trời, vừa nhắc nhở các thế hệ hôm nay về tội ác của kẻ thù, vừa như lời tri ân với những chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh anh dũng để bảo vệ quê hương.

Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của thời gian, cây đa cổ thụ bên bến nước xưa vẫn xum xuê tỏa bóng và sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử.

Lễ dâng hương và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia Cây đa và đền La Tiến diễn ra trong cả ngày 17/7. Trong đó phần Thánh lễ được cử hành theo nghi thức của Đạo Công giáo cầu nguyện cho các linh hồn anh hùng liệt sĩ (từ 7h30-9h).

Lễ dâng hương và tưởng niệm bắt đầu được tổ chức từ 14h- 20h cùng ngày với các nghi lễ tưởng niệm, cầu siêu, thả hoa đăng bên bến sông lịch sử. Nhân dịp này, tỉnh Hưng Yên và huyện Phù Cừ cũng tổ chức tri ân và tặng quà các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam anh hùng...; tặng quà 16 gia đình chính sách tiêu biểu của huyện Phù Cừ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bên cây đa lịch sử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO