Bệnh đậu mùa khỉ - không thể chủ quan

Hà Anh 08/07/2022 09:14

Trong bối cảnh các ca bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có kế hoạch đánh giá lại về độ nguy hiểm của căn bệnh này. Câu hỏi được đặt ra là, liệu đợt bùng phát có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không?

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ngày càng nhiều ở những nước chưa từng ghi nhận trước đây. Ảnh: AFP

Cần thiết đánh giá lại

Hồi cuối tháng 6, Ủy ban Khẩn cấp của WHO đã xác định rằng, đợt bùng phát không đáp ứng các tiêu chí là một tình trạng khẩn cấp. Nhưng khi virus tiếp tục lây lan, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus muốn Ủy ban xử lý vấn đề một lần nữa, dựa trên dữ liệu mới nhất về dịch tễ học và diễn biến của đợt bùng phát. Ông Tedros cho biết, sẽ triệu tập Ủy ban vào ngày 18/7, hoặc sớm hơn nếu cần.

WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm là "một sự kiện bất thường" tạo thành "nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác do sự lây lan dịch bệnh quốc tế" và "có khả năng cần một phản ứng phối hợp quốc tế".

"Về bệnh đậu mùa khỉ, tôi tiếp tục lo ngại bởi quy mô và sự lây lan của virus. Trên thế giới, hiện đã có hơn 6.000 trường hợp được ghi nhận ở 58 quốc gia" - Tổng Giám đốc WHO nói và cho rằng: “Xét nghiệm vẫn là một thách thức trước căn bệnh này và có khả năng cao một số lượng đáng kể các trường hợp đã không được phát hiện. Châu Âu là tâm chấn hiện tại của đợt bùng phát, ghi nhận hơn 80% các trường hợp trên toàn cầu".

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra, xảy ra chủ yếu ở Trung và Tây Phi, nhưng trong những đợt bùng phát mới nhất, virus đậu mùa khỉ đã lây lan đến nhiều khu vực khác trên thế giới, cả những nơi nó thường chưa xuất hiện trước đây.

Ông Tedros cho biết, nhiều trường hợp cũng đang xuất hiện ở các nước châu Phi trước đây không bị ảnh hưởng bởi virus và ở những nơi có virus lưu hành, những con số kỷ lục đang được ghi nhận. Các nhóm của WHO đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu.

Theo ông Tedros, WHO đang làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất vaccine để phối hợp chia sẻ vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ vốn đang khan hiếm. Tổ chức này cũng đang làm việc với các nhóm để phá vỡ sự kỳ thị với virus và truyền bá thông tin để giúp bảo vệ mọi người.

"Tôi muốn đặc biệt khen ngợi những người đang chia sẻ video trực tuyến qua các kênh truyền thông xã hội, nói về các triệu chứng và kinh nghiệm của họ với bệnh đậu mùa khỉ. Đây là một cách tích cực để phá bỏ sự kỳ thị về một loại virus có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai" - Tổng Giám đốc WHO nói.

Virus đậu mùa khỉ có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể bị nhiễm trùng hoặc với phát ban, vảy và vết loét mà bệnh có thể gây ra. Sự lây lan cũng có thể xảy ra qua tiếp xúc gián tiếp, chẳng hạn như qua quần áo hoặc giường bị nhiễm virus. Nó cũng có thể lây lan qua dịch tiết đường hô hấp khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài hoặc khi tiếp xúc cơ thể thân mật, chẳng hạn như hôn, âu yếm hoặc quan hệ tình dục.

Tăng cường vaccine, đẩy mạnh xét nghiệm

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden tuần trước đã thông báo rằng, chiến lược phân phối vaccine đậu mùa khỉ sẽ tập trung vào các khu vực có tỷ lệ ca bệnh cao nhất và nguy cơ tổng thể. Việc phân phối vaccine cũng tập trung nhiều ở California, Illinois và New York, đặc biệt là 3 thành phố lớn nhất của Mỹ: New York, Los Angeles và Chicago.

Bên cạnh đó, việc tăng cường xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ cũng đang được nỗ lực thực hiện ở Mỹ. Theo CDC Mỹ, công ty phòng thí nghiệm thương mại Labcorp đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ vào ngày 7/7 tại cơ sở lớn nhất của họ ở Mỹ, tăng gấp đôi khả năng xét nghiệm virus này ở Mỹ. CDC Mỹ cũng đồng thời thông báo rằng, Labcorp có thể chấp nhận các mẫu vật để xét nghiệm từ bất kỳ nơi nào ở Mỹ và công ty dự kiến sẽ thực hiện tới 10.000 xét nghiệm mỗi tuần.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đã dẫn đến 605 trường hợp có thể xảy ra hoặc được xác nhận ở Mỹ tính đến tối ngày 6/7. Các trường hợp đã được báo cáo ở 34 tiểu bang, Đặc khu Columbia và Puerto Rico. Ba trong số các ca bệnh không phải là người Mỹ.

"Khả năng xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ của các phòng thí nghiệm thương mại là một trụ cột quan trọng trong chiến lược toàn diện của chúng tôi để chống lại căn bệnh này. Điều này sẽ không chỉ tăng năng lực xét nghiệm mà còn giúp nhà cung cấp dịch vụ và bệnh nhân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các xét nghiệm bằng cách sử dụng các mối liên quan hiện có giữa nhà cung cấp với phòng thí nghiệm" - Giám đốc CDC Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết.

“Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, nhà cung cấp dịch vụ phải yêu cầu xét nghiệm. Người dân không thể tự đến phòng thí nghiệm Labcorp” - CDC Mỹ cho biết trong tuyên bố của mình.

CDC Mỹ dự đoán, các phòng thí nghiệm thương mại bổ sung sẽ hoạt động trực tuyến và năng lực xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục tăng trong suốt tháng 7.

Bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, kêu gọi các chuyên gia y tế coi bệnh đậu mùa khỉ là một khả năng khi chẩn đoán các bệnh nhân bị phát ban đến thăm khám tại các phòng khám sức khỏe tình dục, khoa cấp cứu, phòng khám bệnh truyền nhiễm và phòng khám da liễu. Bà Kerkhove cho rằng, cần nâng cao nhận thức về căn bệnh này và đảm bảo rằng, các quốc gia có đủ năng lực để xét nghiệm và cung cấp thông tin phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh đậu mùa khỉ - không thể chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO