Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh

Đức Trân 10/11/2022 06:56

Theo Bộ Y tế, tuần qua cả nước ghi nhận hơn 10.000 ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có 2 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 292.439 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. Đây là những con số đáng báo động.

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành. Ảnh: TL.

So với tuần trước số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tuần này tăng khoảng hơn 10.000 ca, số tử vong tăng 2 ca, con số này tương đương với tuần trước đó. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số ca mắc SXH tăng 4,8 lần, số ca tử vong tăng 91 trường hợp.

Ca mắc tăng gần 5 lần so với cùng kỳ

Hà Nội là địa phương có số ca mắc SXH tăng mạnh của cả nước. Nếu như đầu tháng 9/2022, số ca mắc trong khoảng 500 - 700 ca/tuần thì đến cuối tháng 10/2022, ghi nhận 1.200 - 1.400 ca/tuần.

Cộng dồn năm 2022, đến nay số ca mắc SXH ghi nhận trên địa bàn Hà Nội khoảng gần 10.000 ca mắc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, bệnh nhân tập trung tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân ở các quận nội thành ít hơn so với các huyện ngoại thành. Với tốc độ số ca mắc SXH gia tăng như hiện nay, hiện tại một số bệnh viện điều trị các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội có rất đông bệnh nhân.

Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn, do bệnh nhân quá tải nên đội ngũ nhân viên y tế đang gặp áp lực không nhỏ. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bác sĩ Nguyễn Thu Hường - Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay: “Tháng 8, Bệnh viện Thanh Nhàn bắt đầu ghi nhận những ca SXH và từ đầu tháng 10 đến nay số ca nhập viện tăng đột biến. Cho đến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị khoảng 1.500 bệnh nhân mắc SXH, hiện còn khoảng 250 bệnh nhân đang điều trị. Tính riêng tại khoa Bệnh Nghề nghiệp, chúng tôi đang có gần 100 bệnh nhân”.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 11 ghi nhận 70.370 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số ca SXH nặng là 1.600 trường hợp. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Theo thống kê, hiện có khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện chậm khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Tăng cường công tác phun thuốc diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết.

Nhiều bệnh nhân diễn biến nặng

Theo dự báo, đỉnh dịch SXH ở Hà Nội sẽ là trung tuần tháng 11 đến tháng 12, nguy cơ có nhiều ca nặng. Hiện nay, nhiều ổ dịch còn tồn đọng, nhiều nơi có nguy cơ bùng phát thành dịch như công trường xây dựng, khu nhà trọ… nhưng người dân vẫn còn chủ quan.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, BS Nguyễn Thu Hường cho rằng, dịch SXH năm nay khác rất nhiều so với mọi năm: Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng rất nặng. Thông thường tại những năm trước, bệnh nhân mắc SXH hầu như chỉ sốt trong 3 ngày đầu mắc bệnh, các biến chứng nguy hiểm chỉ xuất hiện vào ngày thứ 4 trở đi nhưng năm nay, bệnh viện đã ghi nhận những bệnh nhân có diễn biến nặng ngay trong ngày sốt đầu tiên. Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, men gan tăng rất cao, suy thận.

“Có thể nhận định, so với những năm trước, diễn biến dịch năm nay phức tạp hơn với nhiều, số bệnh nhân nhập viện vì gặp biến chứng cũng tăng nhanh hơn, tình trạng biến chứng cũng nặng hơn. Đặc biệt, năm nay có nhiều bệnh nhân biến chứng suy thận trên nền bệnh SXH, khoảng 30-40% bệnh nhân nhập viện vì SXH rơi vào tình trạng này, có những bệnh nhân suy thận rất nặng.

Bên cạnh tình trạng dịch chồng dịch cũng là một trong mối lo khác của dịch năm nay, không ít bệnh nhân nhập viện mắc cả cúm A và SXH. Bệnh viện đã ghi nhận ca mắc đồng thời cúm, Covid-19 và SXH. Đối với những bệnh nhân đồng nhiễm này, tình trạng bệnh đều rất nặng, tiểu cầu của người bệnh giảm rất nhanh, tình trạng sốt cũng nặng hơn và khó hạ hơn khiến nguy cơ suy thận cũng cao hơn” - BS Hường nói.

Đáng lo ngại hơn, trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh nói trên, số người mắc SXH nhưng chủ quan, tự điều trị tại nhà và chỉ nhập viện khi đã rơi vào tình trạng nặng cũng không ít.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, bệnh viện mới tiếp nhận một nam thanh niên là sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa nhập viện trong tình trạng mắc SXH và men gan rất cao, lên tới hơn 3.000 Ul/L (ở người bình thường chỉ số này dưới 100 Ul/L), bắt đầu xuất hiện tình trạng suy thận.

Được biết, trước đó 5 ngày bệnh nhân đã bắt đầu có triệu chứng sốt nhưng không đi thăm khám mà tự ở nhà uống thuốc hạ sốt. Sau khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện thêm tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết não. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cũng không qua khỏi”.

Tuyên truyền phòng bệnh tới từng hộ gia đình

Trao đổi về nguyên nhân dịch SXH năm nay bùng phát mạnh, TS.BS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải: “Hiện nay thời tiết tại Hà Nội đang rất thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, chu kỳ của dịch SXH sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch SXH bùng phát mạnh nhất là vào năm 2017, vì vậy, theo chu kỳ thì năm 2022 SXH có thể lại bùng phát thành dịch.

Trong khi đó, tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch SXH phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc SXH tăng lên. Ngoài ra, người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Theo thống kê từ các bệnh viện, không ít bệnh nhân đến các cơ sở y tế muộn hoặc tự điều trị tại nhà nên diễn biến bệnh nặng”.

Nói về những giải pháp, bà Hà cho biết, quan trọng nhất là công tác tổng vệ sinh môi trường, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch và bệnh nhân mắc SXH để có những phương án xử lý kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống SXH bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú tới từng hộ gia đình, các trường học, tuyên truyền để người dân không chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, khi có những dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH thì cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Bệnh SXH có biểu hiện khá đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn nguy hiểm, thường xuất hiện vào ngày thứ 3 - thứ 7 sau khi phát bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Tuy nhiên nhiệt độ giảm không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục, ngược lại cần phải đặc biệt theo dõi biểu hiện của SXH để phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo bệnh trở nặng.

TS.BS Nguyễn Quốc Thái - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai:

Đừng quên lịch tái khám

Với sốt xuất huyết, việc phát hiện sớm và điều trị đúng rất quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được cơ sở y tế ngay lập tức nên để hạn chế tình trạng tử vong, nguy kịch do SXH thì công tác tuyên truyền là hết sức cần thiết.
Người bệnh cần lưu ý triệu chứng sốt cao đột ngột, kèm đau nhức 2 hốc mắt và có thể gặp tình trạng phát ban. Khi có những biểu hiện này thì cần phải nghĩ tới SXH và cần chủ động đi khám ở các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị theo đúng phác đồ của các bác sĩ. Ngoài ra, việc tuân thủ tái khám đúng hẹn khi hết sốt cũng rất quan trọng, bởi có trường hợp khi sốt giảm nhưng lại xuất hiện tình trạng thoát huyết tương gây cô đặc máu, có biến chứng. Việc tái khám để biết tình trạng máu cô đặc hay không, tiểu cầu tăng cao hay giảm… để được điều trị kịp thời.

TS.BS Bùi Thị Thu Hoài - Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E:

Không chủ quan khi nhiều bệnh nguy hiểm đang lây lan mạnh

Hiện nay không chỉ cúm B, SXH mà cả Covid-19 vẫn lưu hành song song với nhau. Các triệu chứng của những căn bệnh này đều có các biểu hiện gần giống nhau là sốt, viêm đường hô hấp (hắt hơi, sổ mũi, đau họng), cảm giác ớn lạnh, đau mỏi người… Do vậy với bệnh nhân thông thường rất khó nhận biết.
Với các bác sĩ có những trường hợp phải làm xét nghiệm mới nhận biết được. Tuy nhiên mỗi bệnh cũng có những biểu hiện riêng như SXH với người trẻ tuổi thường sốt cao 39-40 độ C, người già sốt có thể nhiệt độ thấp hơn. Thời gian sốt của bệnh SXH thường dài có trường hợp sốt 5-7 ngày. Với cúm thời gian sốt ngắn hơn từ 3-5 ngày, nhiệt độ có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C. Do vậy, khi có các dấu hiệu sốt, đau mỏi người, viêm long đường hô hấp, ớn lạnh người dân nên tới cơ sở y tế sớm. Một số bệnh nhân đợi 5,6 ngày xem có phát ban để biết chính xác là SXH hay không thì sẽ chẩn đoán và điều trị muộn
Việc thăm khám, phát hiện bệnh sớm rất quan trọng, giúp ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng. Có nhiều gia đình một người mắc sau đó lây lan cho nhiều người. Vì vậy việc thăm khám, phát hiện sớm để có thuốc điều trị và các biện pháp dự phòng sớm sẽ ngăn chặn được sự lây lan của mầm bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO