Bệnh sợ trách nhiệm

Chu Ninh 08/01/2020 08:00

Sau hàng loạt cựu quan chức sai phạm ở một số địa phương bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật, dường như tâm lý e sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức càng thêm nặng nề. Hiện tượng tiêu cực này gây ám ảnh đối với người dân và doanh nghiệp khi tham gia các quan hệ pháp luật hành chính, dân sự.

Đầu năm mới 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã thừa nhận về những băn khoăn, tâm tư trước hiện tượng tâm lý “thủ thế” không dám làm, không dám quyết ở các cơ quan nhà nước trước đại hội. Và, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn hiện tượng cán bộ “thủ thế” một cách tiêu cực như vậy.

Trong năm 2019 vừa qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã phải chịu những áp lực, tồn tại rất lớn bởi các sai phạm của nhiều tập thể, cá nhân bị thanh tra, điều tra, truy tố trước pháp luật. Không ít cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước luôn có trạng thái sợ trách nhiệm, thậm chí không dám thực hiện những công việc đáng ra rất cần triển khai kịp thời theo yêu cầu quản lý nhà nước. Tình trạng này xuất hiện có cả nguyên nhân năng lực hạn chế của một số công chức, không tự tin để minh định đúng hay sai trong thực hiện chức trách của mình. Trước hiện tượng này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã từng quán triệt và khẳng định: “Trách nhiệm của đầu ngành phải nắm rõ luật pháp, không để tình trạng không biết làm thế nào, trả lời thế nào cho dân. Ngược lại, có giám đốc nói với doanh nghiệp là rất muốn giúp nhưng chuyên viên họ chưa trình lên! Không được nói như thế! Không thể để tình trạng chuyên viên không biết làm thế nào nên chưa trình lên.”. Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã phải thẳng thắn xin lỗi và nhận khuyết điểm về những chậm trễ của chính quyền, làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như khó khăn cho công việc kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, tại TP Đà Nẵng, tâm lý “rất e ngại, làm gì cũng sợ sai” cũng đã xuất hiện nặng nề sau những vụ khởi tố, bắt tạm giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ do sai phạm nghiêm trọng trong quản lý nhà nước, gây thất thoát tài sản công. Hiện tượng cán bộ, công chức không dám chủ động, thiếu động lực sáng tạo, sợ sai, sợ trách nhiệm không còn xa lạ ở nhiều cơ quan, đơn vị và cả các doanh nghiệp. Thực tế này phản ánh năng lực và đạo đức công vụ ở những nơi “cán bộ không dám làm vì sợ sai” chưa ngang tầm nhiệm vụ, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế.

Trước những băn khoăn, lo ngại về tâm lý “thủ thế” trước đại hội trong các cơ quan nhà nước, Văn phòng Chính phủ đã chủ động tham mưu với Thủ tướng khi xây dựng dự thảo các nghị quyết triển khai nhiệm vụ năm 2020 theo hướng tập trung các vấn đề thật sự cần thiết, cấp bách, cần sự theo dõi, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

Như vậy, với giải pháp này, những vấn đề, lĩnh vực bức thiết đặt ra đối lĩnh vực kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đã được công khai, minh bạch. Trách nhiệm giải quyết các vấn đề “nóng” luôn được đặt trong “tầm ngắm” đốc thúc, giám sát, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng. Phải khẳng định rằng, cán bộ, công chức có bổn phận phục vụ xã hội và công dân, dĩ nhiên họ phải chịu những ràng buộc liên quan đến chức trách đang đảm nhiệm. Người giữ trọng trách thậm chí có thể không được hưởng một số quyền lợi mà một người công dân bình thường được hưởng và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm không chỉ bởi hành vi vi phạm pháp luật mà còn do những thiếu sót, sai lầm hoặc chậm trễ trong việc thi hành công vụ. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, cán bộ, công chức phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp nhất định. Duy trì khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của cán bộ, công chức, trong đó xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như các điều kiện đảm bảo cho việc thực thi công vụ phù hợp với nền hành chính hiện đại, sẽ không thể tạo ra tình cảnh u u minh minh, không rõ đúng hay sai khi thực thi công vụ.

Vấn nạn cán bộ sợ trách nhiệm, trì trệ trong thực thi công vụ gây tác hại cho xã hội, cản trở sự phát triển đất nước. Thật khó chấp nhận trong bộ máy công quyền vẫn tồn tại các cán bộ là “công bộc” ăn lương của dân nhưng lại không muốn hoặc không dám làm việc vì sợ làm sai, bị xử lý kỷ luật. Rõ ràng, nhằm đề cao trách nhiệm “dám làm” của những người thực thi công quyền, đồng thời hạn chế những hành vi lạm quyền, lộng quyền, cần đòi hỏi công khai hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước và những người nắm giữ chức vụ, đặt các hoạt động đó dưới sự giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh sợ trách nhiệm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO