Bệnh sốt xuất huyết: Không được chủ quan

An Thái 25/03/2022 14:00

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cho đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương. Đây cũng là 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay.

Thăm khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh TL).

Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận gần 10.000 trường hợp sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết giảm 65,4% và số tử vong giảm 4 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, báo cáo của Sở Y tế cho biết tuần qua thành phố không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp mắc bệnh này, giảm 42 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm ở phía Nam, hoặc theo mùa ở phía Bắc, chính điều này khiến không ít người vẫn còn chủ quan. Song theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người dân cần phải có ý thức phòng, chống dịch bệnh để không xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19, ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp, như: Ho, khó thở, mất khứu giác..., nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng type, cho nên một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những type khác nhau.

Các chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng, như: Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, rối loạn đông máu...

Thông thường, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Nhưng có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong.

Để tích cực, chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước có thể chứa loăng quăng, bọ gậy như: bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, thùng, xô, chậu, các dụng cụ khác như lon, chai, lọ… để muỗi không vào đẻ trứng.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ như bát kê chân chạn, lọ hoa, khay nước của tủ lạnh hay điều hòa, máng thoát nước, máng gia súc/gia cầm, bể cây cảnh; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt lăng quăng/bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, các ổ nước đọng.

Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, hũ, mảnh chai, chum vại vỡ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, đối với người bệnh sốt xuất huyết được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng như đau bụng nhiều và liên tục; nôn ói nhiều, nôn ra máu; chảy máu chân răng; chân tay lạnh, bồn chồn, vật vã, lừ đừ, li bì… cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh sốt xuất huyết: Không được chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO