Bệnh viêm não mô cầu: Nguy hiểm nhưng không nên hoang mang

Trần Ngọc kha 08/03/2016 08:30

Sau 2 ca nhiễm viêm não mô cầu trên địa bàn Hà Nội được BV Bệnh nhiệt đới chính thức ghi nhận vào những ngày cuối tuần qua, (5 và 6/3), tại những điểm tiêm chủng đóng trên địa bàn này có rất đông các bậc phụ huynh đem con nhỏ đến tiêm phòng bệnh này nhưng đều phải thất vọng ra về vì hết vaccine. 

Bệnh viêm não mô cầu: Nguy hiểm nhưng không nên hoang mang

Sáng 7/3, còn rất ít người đến đề nghị tiêm phòng
viêm não mô cầu tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (Ảnh: Trần Ngọc Kha).

Các điểm tiêm chủng thông báo hết vaccine viêm não mô cầu phòng 2 típ vi khuẩn A và C cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, có tên thương mại là Meningo AC do Pháp sản xuất. Loại vaccine này đang được khuyến cáo tiêm bởi đây là chủng hay gặp nhất tại Việt Nam.

Sáng 7/3, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đến tháng 4 tới, loại vaccine này mới có thể được nhập về.

Ông Cảm cho hay, hiện tại ở đây, chỉ còn vaccine phòng bệnh viêm não mô cầu, cho trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Đó là vaccine phòng vi khuẩn viêm não mô cầu 2 típ B và C, có tên thương mại là VA-MENGOC-BC, do Cu Ba sản xuất.

Cũng theo ông Cảm, tuy nhà sản xuất hướng dẫn sử dụng tiêm vaccine này 2 mũi mỗi mũi cách nhau 6 đến 8 tuần cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên, theo hướng dẫn của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện nay chỉ được phép tiêm cho trẻ 6 đến 10 tuổi. “Có thể thời gian tới, vaccine này sẽ được cấp phép tiêm từ 3 tháng tuổi trở lên” - ông Cảm nhận định.

Trở lại 2 trường hợp bệnh nhân được ghi nhận mắc viêm não mô cầu đã được báo Đại Đoàn Kết phản ánh, sáng qua, TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, 2 bệnh nhân đã bình phục và sẽ được ra viện trong 1-2 ngày tới, sau khi theo dõi dứt cơn sốt ít nhất 3 ngày theo phác đồ điều trị.

“Mọi người không có gì phải quá hoang mang, lo lắng đối với căn bệnh này vì nó do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây ra và đã có thuốc chữa. Vấn đề là ở chỗ người bệnh phải được phát hiện sớm để có thể hồi phục nhanh và tránh những biến chứng như: Điếc, liệt, rối loạn tâm thần… hoặc tử vong (10%-20% các trường hợp mắc)”, theo ông Kính.

Để đối phó với nguy cơ do bệnh viêm não mô cầu đem lại, ngoài giải pháp tiêm phòng, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, làm việc, học tập, thể dục thể thao điều độ, tránh làm việc quá sức, súc họng nước muối hoặc các dung dịch sát khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và tránh tiếp xúc với người nghi mắc bệnh sẽ giúp bạn phòng bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viêm não mô cầu: Nguy hiểm nhưng không nên hoang mang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO