Bị kiểm tra, kinh doanh đa cấp hết tấp nập

Minh Phương 28/03/2016 09:30

Sau vụ Liên Kết Việt, hàng loạt công ty đa cấp tiếp tục được nhà quản lý “quan tâm” sát sao. Mới đây, lại có 7 công ty đa cấp được liệt vào danh sách kiểm soát của Bộ Công thương, trong đó có những tên tuổi đã có thương hiệu trên thị trường đa cấp như Amway, công ty CP Liên minh Tiêu dùng Việt Nam, Thiên Ngọc Minh Uy… Động thái này khiến cho thị trường đa cấp những ngày gần đây trở nên vắng lặng.

Trụ sở Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy vắng vẻ, chỉ có vài người đến lẻ tẻ, khác hẳn với không khí vài tháng trước. Ảnh: KD.

Ảm đạm

Khác với không khí trước đây, đi đâu người ta cũng gặp các nhân viên tự giới thiệu là bán hàng thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm gia dụng của một công ty đa cấp nào đó, thời điểm này, dường như hoạt động bán hàng đa cấp đã thu hẹp hơn.

Tại một quán cà phê trên đường Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội), chủ quán cho biết, mọi ngày, bất kể ngày thường hay ngày nghỉ cuối tuần, quán cà phê của ông lúc nào cũng đông nườm nượp khách, có nhóm đông tới hai chục người, ngồi từ sáng đến quá trưa, nhưng gần một tháng trở lại đây, quán thưa thớt dần, những gương mặt “quen thuộc” đã không còn thấy đến hàng ngày nữa. Lý giải nguyên nhân, ông chủ quán cà phê cho biết, từ ngày kinh doanh đa cấp bị siết chặt, Công ty Amway - DN bán hàng đa cấp “đóng đô” trên phố Vũ Trọng Phụng bỗng dưng yên ắng hẳn, không còn ồn ào tấp nập “kẻ vào người ra” như mọi khi nữa.

90% mặt hàng trong kinh doanh đa cấp là thực phẩm chức năng.

Theo vị chủ quán này, trước đây, bất kể ngày thường hay dịp cuối tuần, trước cửa DN nói trên ngày nào cũng đông đúc người tập trung rất sôi động, đến trưa thì họ kéo nhau vào quán cà phê bàn chuyện làm ăn… Thế nhưng, khoảng 2 tuần trở lại đây, không khí yên ắng hẳn, không còn cảnh tấp nập soi động như trước nữa. Thành ra, quán cà phê của ông cũng “lây” luôn cảnh “eo xèo”.

Tại nhiều khu phố tập trung các công ty kinh doanh đa cấp như khu vực Trung Hòa, Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội)… tình cảnh thưa thớt, ảm đạm cũng diễn ra tương tự. Không khí yên ắng bao trùm trước những công ty trước đây từng rầm rộ khí thế như Thiên Ngọc Minh Uy hay Aim Star Network… Thậm chí, một số công ty còn đóng cửa, không hoạt động hoặc nếu có hoạt động cũng chỉ theo kiểm “cầm hơi”. Tại một công ty đa cấp trên phố Duy Tân (Cầu Giấy), những cư dân sống ở gần đó cho biết, công ty này đã đóng cửa im ỉm từ khoảng hai tuần trở lại đây, không thấy bóng dáng người qua lại.

Dường như, sau vụ việc của Liên Kết Việt, với sự vào cuộc mạnh mẽ, sát sao hơn của nhà quản lý, các công ty đa cấp bắt đầu trở nên “thu mình” hơn, không còn tổ chức theo kiểu khoa trương, ồn ào như trước.

Liên Kết Việt một thời đình đám.

Không thể buông lỏng thêm…

Trước đó, việc công ty Liên Kết Việt lừa hàng chục ngàn người bị dư luận, báo chí phanh phui đã buộc nhà quản lý, ở đây là Bộ Công thương cấp bách vào cuộc. Ngay sau vụ việc của Liên Kết Việt, Cục Quản lý cạnh tranh – cơ quan trực tiếp được Bộ Công thương giao việc kiểm soát lĩnh vực kinh doanh đa cấp – đã tiếp tục tước giấy phép hoạt động của 4 công ty thuộc lĩnh vực này.

Và ngày 21/3 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Quốc Khánh tiếp tục ký quyết định quyết định số 1052/QĐ-BCT về việc thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp. Trong đó, 7 công ty kinh doanh đa cấp được đưa vào diện thanh tra bao gồm: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Unicity Maketing Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty Cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền Thăng Long. Đáng chú ý, trong số này có những công ty đa cấp đã từng có thương hiệu, hoạt động lâu năm trong lĩnh vực đa cấp như công ty Amway hay Công ty Cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam…

Quyết định thành lập đoàn kiểm tra của Bộ Công thương cũng nêu rõ, thẩm quyền và nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bán hàng đa cấp; Phát hiện, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm của doanh nghiệp. Và đặc biệt, kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về bán hàng đa cấp.

Cơ quan CSĐT đọc lệnh khởi tố bắt tạm giam nhiều nhân vật đứng đầu MB24 (năm 2012).

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), tính đến thời điểm này, đã có 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp bị rút giấy phép, bao gồm: Công ty Liên kết sản xuất-thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt), Công ty sản xuất thương mại Con đường Việt; Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 56B; Công ty New Power Việt Nam; Công ty xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế TNC.

Theo nhận định của giới chuyên gia, hoạt động kinh doanh đa cấp rơi vào tình trạng lộn xộn như thời gian vừa qua, một phần là bởi sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng. Chính sự buông lỏng ấy đã khiến cho nhiều DN, cá nhân lợi dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng. Bởi vậy, việc siết lại thị trường này là rất cần thiết bởi, không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp hoạt động chân chính tại Việt Nam cũng cần phải được bảo vệ, trước những ảnh hưởng và hệ lụy do những cá nhân, tổ chức hoạt động phi pháp gây ra trong suốt thời gian qua.

Tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 1,2 triệu người tham gia bán hàng đa cấp, gấp 6 lần 10 năm trước đó. Các doanh nghiệp đăng ký bán tổng cộng 7.000 mặt hàng, trong đó có 90% là thực phẩm chức năng. Trong nửa đầu năm 2015, doanh thu ngành kinh doanh đa cấp vào khoảng 3.200 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bị kiểm tra, kinh doanh đa cấp hết tấp nập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO