'Bí kíp vàng' để đỗ đại học như ý muốn

Hương Thu 28/04/2022 18:46

Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), chỉ cần đạt trên điểm sàn, nếu khéo léo các thí sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành gần hoặc ngành tương tự ngành mình mong muốn.

Nhiều thí sinh có lợi thể vì được cộng thêm điểm ưu tiên.

Năm nay thời gian để thí sinh suy nghĩ, cân nhắc điền nguyện vọng (NV) xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ dài hơn mọi năm do việc đăng ký NV sẽ diễn ra sau khi thi tốt nghiệp THPT thay vì đăng ký cùng đợt với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT vào tháng 5/2022.

Theo các chuyên gia tuyển sinh, đây là một thuận lợi để thí sinh có thêm thời gian cân nhắc về việc chọn ngành, chọn trường phù hợp với đam mê, năng lực của bản thân.

Chọn tổ hợp xét tuyển có điểm thi cao để xét tuyển

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cho biết hiện nay, tất cả các trường đều xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức này, có rất nhiều tổ hợp môn xét tuyển nên các em cần xem mình có thế mạnh ở tổ hợp nào, từ đó chọn đăng ký xét tuyển theo các tổ hợp đó thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì tổ hợp đó thí sinh đạt điểm cao nên chọn trường tương ứng để chắc suất vào ĐH mà không cân nhắc đến đam mê, năng lực của bản thân thì rất có thể, đỗ ĐH nhưng các em cũng không học hoặc học nhưng khó đạt kết quả tốt vì có những băn khoăn. Nhất là trong năm nay, việc đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ thực hiện sau khi biết điểm số có thể khiến một số thí sinh chọn trường chỉ căn cứ vào điểm số mà bỏ qua sự phù hợp của bản thân đối với ngành nghề đó. Thực tế năm 2021 đã ghi nhận rất nhiều thí sinh khi thay đổi, điều chỉnh NV xét tuyển ĐH đã thay đổi tổ hợp xét tuyển, thay đổi trường, ngành xét tuyển vì điểm thi của tổ hợp khác cao hơn so với tổ hợp đăng ký ban đầu.

NV1-2 nên để là những ngành mình yêu thích

Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), dự đoán điểm chuẩn ĐH là việc không đơn giản. Tuy nhiên, các thí sinh cũng có thể lưu ý việc tham khảo điểm chuẩn 1 - 2 năm gần đây của các ngành, các trường mình đăng ký.

Nếu điểm của các em chỉ thấp hơn một chút (tầm 0,25 - 1,0 điểm) so với điểm chuẩn năm trước của các ngành đã chọn thì NV 1 và 2 vẫn nên để là những ngành mình yêu thích. Các NV tiếp theo là những ngành có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của mình. Và để chắc chắn đỗ ĐH, nên đặt thêm 2 - 3 NV vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi của mình 1 - 3 điểm.

Trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung, thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành/trường mà các em đã đăng ký thì phải cân nhắc chọn NV phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự như trên.

Không nên chọn các ngành có dự báo điểm chuẩn cao hơn nhiều, ví dụ từ 3 - 5 điểm, so với điểm thi thực tế.

Dù điểm thế nào, chỉ cần đạt trên điểm sàn, nếu khéo léo các em vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành gần hoặc ngành tương tự ngành mình mong muốn.

Đừng để “bi kịch” điểm cao vẫn trượt ĐH

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chỉ ra thực tế những năm gần đây có tình trạng có những ngành mà thủ khoa cũng không đỗ nếu không có điểm ưu tiên. Đơn cử năm 2021, cả nước chỉ có 1 thủ khoa tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) đạt điểm tuyệt đối 30/30, nhưng có tới 2 ngành học lấy điểm chuẩn từ 30 đến 30,5 điểm đối với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) là ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội và ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa). Vì vậy, năm nay thí sinh khi đăng ký vào các ngành này cần hết sức cân nhắc.

Thứ hai, thí sinh không nên chủ quan, đăng ký ít nguyện vọng khi thấy điểm thi tốt nghiệp THPT cao. Thực tế năm 2021 ghi nhận phổ điểm thi tốt nghiệp cao đột biến khiến nhiều thí sinh chủ quan dẫn đến việc trượt ĐH rất đáng tiếc.

Một nguyên nhân nữa là điểm sàn các trường đưa ra vênh quá xa so với điểm chuẩn thực tế khiến thí sinh không lường hết được nên gặp rủi ro. Vì vậy, cần cân nhắc điểm chuẩn thực tế dự kiến (tham khảo các năm trước và phổ điểm năm nay) của các trường, nhất là các ngành hot để tránh bẫy điểm cao vẫn trượt ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bí kíp vàng' để đỗ đại học như ý muốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO