Bí mật xác ướp

Đức Thanh (Nguồn tham khảo: Wikipedia Sciences de lavie) 11/06/2018 10:00

Tới nay, giới khoa học vẫn băn khoăn về những phát hiện mới xung quanh những xác ướp ngàn năm tuổi. Đó cũng chính là “vật chứng” quan trọng để người sau phần nào đó hiểu về cuộc sống của người xưa. Cuối tháng 4/2018, một xác ướp hơn 4000 năm tuổi được các nhà khoa học thuộc FBI (Cục điều tra liên bang Mỹ) giải mã càng cho thấy sự bí ẩn của vấn đề.

Bí mật xác ướp

Bên trong lăng mộ Tutankhamun (Ai Cập).

1. Thông tin FBI đã giải mã được bí ẩn về nhân dạng của một xác ướp 4.000 năm tuổi nhờ trích xuất thành công ADN từ răng xác ướp, ngay lập tức gây chấn động giới khoa học. Người ta cho rằng, đây là một bước tiến lớn, hay nói đúng hơn là bước ngoặt trong việc tìm hiểu bí mật ướp xác của người cổ đại, để từ đó phát hiện thêm về cuộc sống con người cách chúng ta hàng ngàn năm. “Xác ướp biết nói”- đó là cách đặt vấn đề của giới khoa học trong quá trình nghiên cứu xác ướp mỗi khi phát hiện thêm một điều khác lạ nào đó.

Theo tập đoàn truyền thông CNN, kể từ năm 1915 khi một đầu xác ướp được phát hiện ở một hầm mộ bị cướp phá tại nghĩa địa Deir el-Bersha, Ai Cập, các nhà khảo cổ học đã tranh cãi về thân thế của xác ướp này. Ngôi mộ được xác định là nơi chôn cất một quan chức tên là Djehutynakht và vợ của ông, nhưng người ta không thể chắc chắn về chiếc đầu xác ướp.

Bí mật xác ướp - 1

Những món đồ còn sót lại bên trong mộ 10A.

“Chúng tôi chưa từng biết cái đầu xác ướp là của ông Djehutynakht hay bà Djehutynakht”- Tiến sĩ Rita Freed, người quản lý tại Bảo tàng Nghệ thuật Boston nói và cho biết thêm, bảo tàng này là nơi lưu giữ tất cả hiện vật được tìm thấy trong hầm mộ đó kể từ năm 1920 đến nay.

Giờ đây, gần 100 năm sau phát hiện trên, một nghiên cứu do FBI công bố trên chuyên san Genes đã xác nhận chiếc đầu xác ướp là nam giới, do đó nó thuộc về vị quan có tên Djehutynakht chứ không phải là đầu của vợ ông.

Ngôi mộ được ký hiệu10A là nơi các nhà khảo cổ người Mỹ phát hiện ra đầu xác ướp 4.000 tuổi cách đây 103 năm. Khi đó, người ta đã xác định hai xác ướp có niên đại khoảng 4.000 năm.

Với phát hiện mới này, nức tiến sĩ Freed cho rằng đã vén được bức màn bí ẩn tồn tại suốt 100 năm qua và cũng là bằng chứng cho bước tiến trong công nghệ xét nghiệm ADN. “Giờ đây chúng ta biết là FBI đã phát triển một công nghệ có thể tái tạo được những mẫu ADN đã xuống cấp. Nếu họ có thể tái tạo mẫu ADN từ một chiếc răng 4.000 năm tuổi, họ cũng có thể tái tạo nó từ mọi thứ”- bà Freed nói.

Theo chuyên gia giám định của FBI- tiến sĩ Odile Loreille thì ADN bị phân rã nhanh hơn trong nhiệt độ cao. Vì thế, người ta từng cho rằng không ai có thể tái tạo ADN từ các xác ướp, nhưng đến năm 2017 các nhà khoa học ở Đức lần đầu tiên giải mã được bộ gen của người Ai Cập cổ đại. Và nay, với việc tái tạo mẫu ADN thì bức màn bí mật đã được “vén lên rộng hơn rất nhiều”.

Bí mật xác ướp - 2

Đầu xác ướp 4.000 năm tuổi.

2. Xét nghiệm, phân tích, giải mã xác ướp là công việc thầm lặng của những nhà khảo cổ học, trong sự phối hợp với nhiều giới khoa học chuyên ngành liên quan khác.

Vào tháng 5/2016, các nhà khoa học Nga cũng đã tiến hành xét nghiệm ADN, để có thể tìm lại gia đình cho một xác ướp từ thời trung cổ. Và người ta cho rằng nếu thành công “thì đây sẽ là một cuộc đoàn tụ dài nhất trong lịch sử, khi được gặp lại người thân sau 800 năm xa cách”.

Xác ướp là một cậu bé chỉ khoảng 6 - 7 tuổi từ thời Trung cổ, được bảo quản trong quan tài làm bằng vỏ cây bạch dương và đồng từ thế kỷ 12 hoặc 13 sau công nguyên.

Người ta cho rằng, xác của cậu bé vô danh nọ được “ướp” một cách không chủ đích, có nghĩa là vô tình nó được bảo quản trong tự nhiên- một quá trình xảy ra rất tự nhiên. Cậu bé được chôn cất tại khu mộ Zeleny Yar, ở thị trấn Salekhard - nơi đây từng là một nền văn minh trung cổ bí ẩn có mối liên hệ với người Ba Tư.

Bí mật xác ướp - 3

Các nhà khoa học FBI trích xuất ADN từ răng của đầu xác ướp .

Giáo sư Petr Slominsky- trưởng phòng thí nghiệm bệnh di truyền phân tử, Viện Di truyền phân tử Matxcơva cho biết: “Chúng tôi sẽ cố tìm ra mối liên hệ di truyền giữa người dân trong vùng với người trung cổ qua xác ướp của cậu bé”. Ông cũng cho biết, đầu tiên sẽ xét nghiệm ADN để xác định huyết thống người mẹ. Sau đó phân tích hạt nhân của ADN để tìm nguồn gốc người cha. Vẫn theo giáo sư Petr Slominsky, công việc phục chế và đi tìm thân nhân qua ADN phải đối diện với vô vàn khó khăn và có thể không thể thực hiện được vì càng ngày càng có nhiều con lai. “Đây có lẽ hành trình đi tìm người thân khó khăn nhất thế giới”- giáo sư Petr nói.

Người ta cũng còn biết đến nhiều xác ướp khác. Cùng với những xác ướp được bảo quản trong những hầm mộ đồ sộ ở Ai Cập, thì rải rác đâu đó cũng có xác ướp. Vào mùa hè năm 2015, giới khoa học Peru đã thông tin rằng có khả năng phục dựng một nghi lễ khủng khiếp được thực hiện 1200 năm trước đây, thông qua phát hiện trong hàng chục ngôi mộ ở Cotahuasi Valley. Mỗi ngôi mộ được lấp đầy với xương của 60 xác ướp. Đáng chú ý là thi thể của trẻ sơ sinh được đặt trong các thùng nhỏ. Người ta cho rằng, đó là việc thực hiện một nghi lễ cổ xưa có tên gọi là Tenahaha.

Trở lại việc các nhà khoa học của FBI đã có thể giải mã được bí mật về nhân dạng của một xác ướp 4.000 năm tuổi nhờ trích xuất thành công ADN từ răng xác ướp, người ta hy vọng tới đây cuộc sống người xưa sẽ được phục dựng đầy đủ hơn, sợi dây kết nối con người ngày hôm nay với con người cách đây hàng ngàn năm sẽ được rút ngắn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí mật xác ướp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO