Biển Đông sau phán quyết của PCA

Lê Tùng 06/08/2016 09:35

Lần đầu tiên một nước nhỏ trong ASEAN khởi kiện Trung Quốc trong các vấn đề liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ban hành phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, nhưng khả năng hiện thực hóa các kết luận của PCA sẽ ra sao trong giai đoạn thực thi phán quyết thời gian tới.

Biển Đông sau phán quyết của PCA

Một góc đảo Sơn Ca.

Một nỗ lực tìm kiếm hòa bình

Sau 3 năm theo đuổi vụ kiện với nhiều phiên điều trần không công khai, nội dung phán quyết của PCA đã giúp Philippines giành lợi thế trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc. Quá trình thành lập vụ kiện, tiến trình tranh tụng từ năm 2013 khi Philippines nộp hồ sơ lên Tòa là hoàn toàn phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982). Theo đó, giá trị pháp lý của PCA đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận, mang tính ràng buộc đối với các đương sự trực tiếp của vụ kiện, cho dù đơn phương hay từ chối tham gia vụ kiện.

Lợi ích từ việc Philippines khởi kiện đối với quá trình giải quyết tranh chấp tại Biển Đông thể hiện ở nhiều góc độ. Thứ nhất, lần đầu tiên một nước nhỏ trong ASEAN từng nhiều lần hứng chịu các hành động gây hấn Trung Quốc đã chủ động khởi kiện một nước lớn. Nhiều ý kiến đánh giá đây là hành động được kỳ vọng có thể đối trọng lại phần nào đó với cường độ các hoạt động ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, quyết định khởi kiện của Philippines tạo một tiền lệ mang tính đột phá, có ý nghĩa mở đường cho các bên liên quan trực tiếp trong ASEAN khi bị Trung Quốc dồn ép trên thực địa. Do sự ràng buộc khá sâu về quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc mà nhiều nước ASEAN luôn trong thế “do dự”, thậm chí rơi vào trạng thái “lưỡng nan” trong tính toán cách hành xử với Trung Quốc. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc không nên coi đó là hành động cực đoan, mà nên được nhìn nhận là một nỗ lực tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng với tinh thần hòa bình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp quốc tế. Thứ ba, vụ kiện được kỳ vọng sẽ góp phần đề cao giá trị và ý nghĩa của luật pháp quốc tế. Hiệu quả của vụ kiện tới đâu sẽ minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng quốc tế và khu vực khi đã quyết định cùng nhau thảo luận và thống nhất để ban hành được một hệ thống quy chuẩn quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong các vấn đề liên quan tới phân định ranh giới trên biển.

Chính vì lẽ đó, cộng đồng quốc tế đều đánh giá rất cao phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines vừa qua. Với tư cách là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982, Trung Quốc, Philippines và cả các nước liên quan gián tiếp tới vụ kiện đều có nghĩa vụ phải tôn trọng các phán quyết của PCA. Một quốc gia đơn lẻ không thể thành công trong duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực, thậm chí còn thể hiện sự đối đầu với nỗ lực của cộng đồng quốc tế khi phủ quyết chính các điều khoản mà mình đã phê chuẩn.

Vụ kiện đã đẩy Trung Quốc vào tình thế khó khăn nhất trong lịch sử tranh chấp với các nước ASEAN tại Biển Đông. Lần đầu tiên một nước lớn như Trung Quốc bị chính cơ quan tài phán quốc tế phán xét về hành vi của mình. Nhiều nhà bình luận cho rằng Trung Quốc đã bị hổ thẹn trước cộng đồng quốc tế vì những hành động gây hấn của mình nhiều năm qua, ngược lại hoàn toàn với nỗ lực tuyên truyền về thuyết “phát triển hòa bình” mà lãnh đạo Trung Quốc từ nhiều nhiệm kỳ qua đều nói là luôn mong muốn theo đuổi.

Như vậy, dù PCA phán quyết thế nào đi chăng nữa, cách hành xử của Trung Quốc trên thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên truyền về nỗ lực xây dựng hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do và an toàn hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là khả năng thực thi phán quyết sẽ tới đâu? Ai sẽ là người thực thi trước và thực thi đầy đủ? Liệu tình trạng “đuôi voi” và “đầu gà” sẽ tiếp tục xảy ra trong quan hệ quốc tế?

Biển Đông, căng thẳng có giảm nhiệt?

Đến nay đã gần một tháng kể từ khi Tòa Trọng tài Thường trực công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện. Phản ứng của cộng đồng quốc tế, cách các bên đón nhận kết quả của vụ kiện trong gần 30 ngày qua cần được hiểu thế nào?

Ngay sau khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc là nước thể hiện thái độ phản đối rất gay gắt, biểu hiện ở việc ban hành ngay lập tức Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Sách Trắng về lập trường của Trung Quốc liên quan tới vụ kiện của Philippines. Giới phân tích cho rằng phản ứng tiêu cực của Trung Quốc ngay từ trước khi PCA được thành lập đến nay là không thay đổi.

Thái độ kiên quyết phản đối và phủ nhận giá trị của phiên tòa cho thấy rõ Trung Quốc suy nghĩ như thế nào về tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Nhìn lại tiến trình ứng phó của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines, nổi lên nhiều điểm đáng chú ý. Một là, không cần biết PCA ra phán quyết như thế nào, Trung Quốc kịch liệt phản đối trước đã. Vậy nếu phán quyết của Tòa có lợi cho Trung Quốc, dù ít nhiều ở mức độ nào đó thì sao Trung Quốc vẫn luôn duy trì thái độ phản đối? Liệu điều này có thể hiện thái độ của Trung Quốc hay cho thấy tính toán chiến lược của nước này trong quyết tâm sử dụng vũ lực để hiện thực hóa chủ quyền trên thực địa. Nếu thực sự cầu thị thì trong cả thời gian dài vừa qua, Trung Quốc chưa chắc đã đẩy mạnh các hoạt động chấp pháp phi lý, các chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn chưa từng có, và cũng sẽ không thực hiện các hoạt động trấn áp vô nhân đạo với ngư dân các nước ASEAN trên Biển Đông. Hai là, ngay trước thời điểm PCA ra phán quyết cuối cùng, tại sao Trung Quốc phải tổ chức một chiến dịch tuyên truyền, vận động quốc tế sâu rộng như vậy, thậm chí nhiều nước đã lên tiếng phủ nhận việc ủng hộ quan điểm phản đối PCA, trái với các thông tin phía Trung Quốc đưa ra trước thềm PCA ra phán quyết. Nếu thực sự có đủ lý lẽ và tính chính danh về chủ quyền tại Biển Đông, Trung Quốc hoàn toàn có thể tham gia vụ kiện ngay từ đầu để trình bày các chứng cứ chủ quyền của mình. Nhưng thực tế cho thấy Trung Quốc phản ứng khá cực đoan đối với vụ kiện. Ba là, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cách hành xử của Trung Quốc là gì? Trung Quốc muốn gì khi PCA phán quyết bất lợi cho mình? Liệu yếu tố chính trị nội bộ có tác động đáng kể tới quyết sách của Trung Quốc trong tranh chấp với các nước ASEAN thời gian dài vừa qua hay không?

Về phía ASEAN, Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN lần thứ 49 ra được Tuyên bố chung khẳng định lập trường thống nhất của các quốc gia thành viên về vấn đề Biển Đông. Tiếng nói chính nghĩa lại tiếp tục vang lên, buộc các tiếng nói đi ngược lại lợi ích của cả Cộng đồng ASEAN phải đồng thuận. Giới phân tích cho rằng vụ kiện của Philippines vừa qua cũng được coi là liều thuốc thử cho ASEAN, với tư cách một Cộng đồng sau thời gian dài nỗ lực hiện thực hóa.

***

Diễn biến tình hình thế giới, khu vực sau khi cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc ngã ngũ có nhiều điểm rất đáng quan tâm, tác động nhiều chiều tới các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông không trực tiếp tham gia vụ kiện. Sự kỳ vọng vào hiệu lực của phán quyết và tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế sau vụ kiện sẽ còn nhiều diễn biến. Nhưng khía cạnh tác động tới các bên liên quan trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông sẽ là điều tạo nên chú ý cho giới quan sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biển Đông sau phán quyết của PCA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO