Biến sóng gió thành động lực

Lan Hương 13/10/2021 06:15

Trong 9 tháng năm 2021, đã có hơn 90.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, song giới chuyên gia bày tỏ tin tưởng, với quan điểm chống dịch của Chính phủ về thích ứng an toàn với dịch Covid-19, khi nền kinh tế mở cửa trở lại tình hình sẽ sớm được cải thiện.

Quãng thời gian nhiều sóng gió

Gồng mình, căng sức để duy trì hoạt động, thậm chí phải chấp nhận hy sinh, mất mát và thiệt hại to lớn… đó là thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong suốt thời gian qua, kể từ khi khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Hơn 20 năm làm lĩnh vực xuất khẩu lao động, lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm dao động từ 5.000 đến 7.000 lao động ở các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… chưa chưa khi nào bà Nguyễn Thị Vân (Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế TMC) rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Theo đó, công ty của bà đã “bất động” suốt 6 tháng qua. Theo bà Vân, từ năm 2020, lĩnh vực xuất khẩu lao động dù có những khó khăn nhất định, nhưng ở một vài thị trường truyền thống, công ty vẫn đưa lao động đi xuất cảnh được. Nhưng bước sang quý II năm 2021 thì tê liệt hoàn toàn.

“9 tháng qua chưa thực hiện một đơn hàng nào nhưng mọi chi phí hoạt động từ đào tạo trực tuyến, chi phí giữ hồ sơ cho người lao động với đối tác công ty vẫn phải chi trả. Trung bình mỗi tháng công ty phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để vận hành, nếu dịch bệnh kéo dài không biết có cầm cự được không” – bà Vân chia sẻ.

Báo cáo “Kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TP HCM giai đoạn Covid-19 lần thứ của Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học quốc gia TP HCM) đã dự báo số lượng DN thua lỗ, ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản sẽ tăng mạnh trong quý IV/2021. Báo cáo chỉ rõ, các đợt giãn cách liên tục và kéo dài ở TP HCM đã bẻ gãy liên kết kinh tế giữa TP HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, làm ảnh hưởng đến năng lực sản xuất của DN và gây tổn thất cho nông dân và các cơ sở sơ chế trung gian. Các tổn thất này đã đẩy DN vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và vay nợ đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản.

Nói về những khó khăn mà cộng đồng DN phải trải qua, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cuộc chiến chống Covid-19 khiến nhiều DN kiệt sức, nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi Covid -19 phổ biến tình trạng DN mất hợp đồng, mất dòng tiền, nguy cơ tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã... Theo Chủ tịch VCCI, việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải; có nguy cơ nhiều DN đóng cửa; tình trạng việc làm sẽ không được khôi phục và an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Trong bối cảnh này, cộng đồng DN mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những DN khó khăn. Trong đó, rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những vấn đề còn là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, xử lý những chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế...” - ông Công đề xuất.

Rất cần những chính sách đột phá để vực dậy cộng đồng doanh nghiệp.

Tạo sức bật cho doanh nghiệp

Về những tổn thất mà DN phải đối mặt, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho biết, trong thời gian dịch bệnh, ước tính con số chi phí và thiệt hại của cộng đồng DN Việt Nam có thể lên tới 200 – 300 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do thiếu hụt dòng tiền. Do đó, điều các DN rất cần hiện nay là sự hỗ trợ các dòng tiền từ nhà nước để có thể duy trì hoạt động, cũng như đảm bảo công ăn việc làm cho lao động.

“Mặc dù việc giãn nợ có thể tạo ra những khoảng trống về tài chính cho ngân sách Nhà nước nhưng thiệt hại đó chắc chắn sẽ nhẹ hơn việc để nhiều DN buộc phải ngừng hoạt động vì thiếu hụt dòng tiền. Bởi đối với các DN đã phải ngừng hoạt động, thiệt hại về nguồn tiền, sụp đổ thương hiệu đã xây dựng lâu năm là vô cùng lớn. Do đó, tôi cho rằng nhà nước cần hỗ trợ DN và người lao động càng sớm càng tốt ” – ông Đoàn nêu quan điểm.

Chia sẻ về những “sóng gió” đã trải qua, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Tập đoàn EDX cho biết, EDX đã bị ảnh hưởng nặng nề tới mọi lĩnh vực hoạt động kinh doanh của DN như: Xưởng sản xuất tóc giả xuất khẩu bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, đơn hàng không giao kịp cho khách hàng quốc tế. Mảng nhập hàng qua Hệ sinh thái thương mại Alibaba cũng bị tạm ngưng do nhu cầu khách hàng giảm, công tác vận chuyển, hệ thống logistic bị gián đoạn, giá hàng hoá tăng cao. Đặc biệt mảng giáo dục đào tạo của của EDX bị ảnh hưởng lớn... Theo EDX, dịch bệnh không thể kết thúc trong thời gian gần, bởi vậy DN cần phải có giải pháp để thích nghi với diễn biến phức tạp.

Để khắc phục những khó khăn hiện tại và hỗ trợ DN nhanh chóng tái khởi động sản xuất kinh doanh và phục hồi, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cũng cho rằng, việc các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, áp lực trong lưu thông kéo theo tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu, từ đó đẩy chi phí của DN tăng cao, hàng hóa tồn đọng kéo dài và DN không bán được hàng. Kéo dài tình trạng này là sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng DN cũng như toàn nền kinh tế. Do vậy cần sớm có giải pháp để tạo điều kiện “đường thông hè thoáng”, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Đặc biệt, xem xét chi phí logistic, cảng biển để tránh tình trạng tăng giá quá cao, dồn gánh nặng lên DN.

“Một số cơ chế chính sách hỗ trợ DN cũng cần phải được nghiên cứu, xây dựng làm sao đảm bảo tính trước mắt, lâu dài song phải được công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong tình hình đặc biệt cần có giải pháp đột phá, khác biệt nhưng phù hợp thực tiễn của DN; nhất là DN nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh” – ông Tiền đề xuất.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công thương TP. Hà Nội): Hỗ trợ “nhỏ giọt” chỉ như muối bỏ biển

Bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều DN có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, các DN Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng những nỗ lực tự thân của DN là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để họ vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.

Phần lớn DN của ta hiện nay đang rất khó khăn do nợ xấu, không có tài sản đảm bảo. Điều đó cho thấy phải tiếp sức ngay để DN có sức bật. Không có vốn, thiếu lao động, DN sẽ rất khó vực dậy trong bối cảnh hiện nay. Để hỗ trợ cho các DN, nhiều nước trên thế giới đều có gói tài trợ lớn, hỗ trợ trực tiếp cho DN, người lao động. Chúng ta chưa có chính sách đặc biệt. Tôi cho rằng, Việt Nam không cần phát hành trái phiếu, chỉ cần hoán đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ là có nguồn lực rất lớn. Từ bài học của các nước trên thế giới, cần thực hiện gói kích thích về lăi suất nhanh, quy mô đủ rộng, còn hỗ trợ “nhỏ giọt” chỉ như muối bỏ biển. Biện pháp đưa ra cần đơn giản, tiện lợi để nhanh chóng hỗ trợ DN vực dậy thời điểm này.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ Tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme): Chính sách hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng đối tượng

Các chính sách hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận, quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa.

Song song với đó, giảm thuế thu nhập DN bảo đảm đúng mục tiêu, trúng đối tượng là những DN, hợp tác xã đang giảm lợi nhuận do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho những ngành, lĩnh vực mang tính “dẫn dắt”, đối tượng, khu vực đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Đồng thời tạo việc làm cho người lao động, từ đó kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm; hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

Lê Bảo

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến sóng gió thành động lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO