Biến sức mạnh sáng tạo thành sức mạnh phát triển đất nước

Dạ Yến - Vũ Mạnh (thực hiện) 17/11/2015 09:10

Trong suốt dòng chảy của lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất, dù với các hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau nhưng luôn thể hiện vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2015), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí về những đóng góp của MTTQ Việt Nam trong 85 năm qua cũng như phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân
trao đổi với báo chí
về những đóng góp của MTTQ Việt Nam trong 85
năm qua cũng như phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong tình hình mới.

Mặt trận - sự sáng tạo của Đảng

PV: Thưa Chủ tịch, ngày 18-11 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xin Chủ tịch cho biết, 85 năm qua, trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện vai trò đoàn kết và tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc như thế nào?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Đặc điểm cách mạng nước ta xuất phát từ lý luận chủ nghĩa Mác - Lê nin nhưng trong chủ nghĩa Mác Lê nin không có Mặt trận. Tuy nhiên, từ khi thành lập Đảng, chúng ta đã thấy rõ, ở một nước thuộc địa, khi 90% người dân không biết chữ, cuộc sống rất khó khăn, muốn có một sức mạnh để thắng được chế độ thực dân, áp bức của một đế quốc lớn, không cách nào khác là tạo nên một sức mạnh của tất cả người dân để làm cách mạng. Vì thế, chưa đầy một năm khi Đảng thành lập là thành lập Mặt trận, đó là đặc điểm của cách mạng nước ta.

Với mỗi tên gọi khác nhau ở từng giai đoạn của Mặt trận thể hiện sự huy động lực lượng vào nhiệm vụ cụ thể, ở địa bàn cụ thể. Như giai đoạn 1936-1939 khi phong trào dân chủ lên thì Mặt trận Dân chủ, rồi khi chiến tranh thế giới nổ ra Nhật tham chiến, chúng ta thấy cần có một phương thức tập hợp hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc trong bối cảnh chiến tranh thế giới diễn ra thì năm 1941 Mặt trận Việt Minh ra đời tập hợp lực lượng tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc trong bối cảnh đã hình thành hai phe đồng minh và phát xít.

Chính sự chuyển hướng kịp thời, chuẩn bị lực lượng với sự tham gia của nông dân, sinh viên, học sinh, trí thức, những người trong bộ máy chính quyền cũ, các nhà tư sản đã làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chúng ta lại thực hiện cuộc kháng chiến chống Pháp khi Pháp không thực hiện cam kết tiếp tục trở lại xâm chiến nước ta. Trong bối cảnh đó, vào năm 1951, Mặt trận Liên Việt ra đời để tập trung lực lượng đi đến chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Cũng như vậy, trong chống Mỹ, chúng ta có 3 hình thức Mặt trận với tên gọi khác nhau và nhằm vào các đối tượng khác nhau, nhưng đều hướng tới mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Với phương thức đa dạng, tập hợp các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã giành thắng lợi thống nhất đất nước năm 1975. Và hai năm sau đã diễn ra hội nghị thống nhất 3 tổ chức lại thành MTTQ Việt Nam.

Trong thế kỷ vừa qua, con đường giải phóng dân tộc, Mặt trận chính là sự sáng tạo của Đảng ta để thực hiện sứ mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây là sứ mạng rất đặc biệt của Mặt trận nhưng sau khi giành thắng lợi thì Mặt trận vẫn còn để huy động lòng yêu nước của người Việt Nam, huy động sáng kiến của hàng triệu người và tạo sự đồng thuận cho con đường phát triển của đất nước.

Hay nói cách khác, MTTQ Việt Nam chính là một sự sáng tạo của thể chế chính trị nước ta nó làm cho kinh tế thị trường hoạt động hoàn thiện hơn, góp phần phát huy thế mạnh của kinh tế thị trường nhưng cũng góp phần khắc phục những hạn chế bởi vì MTTQ không hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Chúng ta làm kinh tế thị trường có cạnh tranh nhưng MTTQ hoạt động trên nguyên tắc phát huy lòng yêu nước, tạo sự đồng thuận đường lối phát triển và phát huy sáng kiến của hàng chục triệu người cho đất nước đi lên.

Lòng yêu nước chính là nền tảng chung, là yếu tố gắn bó những phát huy sáng kiến của hàng triệu người và sáng kiến đó được phối hợp với nhau, tích hợp với nhau tạo nên sức mạnh mới của dân tộc. Bài học đó còn có giá trị lâu dài.

Ngày nay với mục tiêu xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước, Mặt trận vận động, triển khai 5 hoạt động. Hoạt động thứ nhất là tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước hiểu biết về đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước tạo sự đồng thuận xã hội, thông qua các tổ chức thành viên (46 tổ chức - PV) vận động hội viên góp phần đưa đất nước phát triển. Hoạt động thứ hai là phương thức tự quản để người dân tự lo cho cuộc sống của mình. Ở địa bàn dân cư có rất nhiều việc và chỉ những người quan tâm đến lợi ích của cộng đồng, đất nước mới đồng thuận tập hợp nhau lại cùng bàn bạc với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, trách nhiệm để đảm bảo trật tự trị an hay bàn bạc với nhau để giám sát góp phần tạo môi trường sống tốt hơn. Hoạt động thứ ba ngày càng rõ nét hơn đó là Mặt trận phát huy ý kiến, vai trò của nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh như việc đóng góp vào hoạt động của Đảng chính quyền ở cơ sở, đóng góp kế hoạch, văn kiện phát triển 5 năm của địa phương và cả nước, phát huy dân chủ ở địa phương, giám sát và phản biện xã hội. Hoạt động thứ tư đó là huy động quan hệ quốc tế, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng và các nước trên thế giới. Hoạt động thứ năm là hoàn thiện cơ chế hoạt động phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên với Đảng, chính quyền địa phương thực hiện sự lãnh đạo của Đảng để đưa đất nước phát triển.

Từ một mục tiêu giải phóng dân tộc, sau 85 năm, Mặt trận có 5 hoạt động nhằm xây dựng tổ chức mạnh hơn. Đó chính là phương thức trí tuệ đóng góp của Mặt trận để huy động lòng yêu nước và đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hội nghị hiệp thương giữa Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và
Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam, năm 1969.

Cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân

PV:Trong những năm gần đây, Mặt trận đã có nhiều hoạt động cụ thể và mạnh mẽ nhằm thể hiện rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, được dư luận nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Chủ tịch có thể cho biết trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động này, đáp ứng lòng mong mỏi và sự tin cậy của nhân dân?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Mặt trận có vị trí rất quan trọng là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong vai trò cầu nối đó bên cạnh thông tin hai chiều thì giám sát và phản biện xã hội là một nội dung mà Mặt trận đã làm và ngày nay làm càng nhiều hơn.

Giám sát hiểu đơn giản là kiểm tra xem việc tuân thủ pháp luật của Nhà nước, tuân thủ quy định của Đảng, địa phương như thế nào? Để đảm bảo cho các cơ quan và người dân tuân thủ luật pháp thì Mặt trận ở giữa sẽ giám sát. Bộ máy nhà nước rất ít người với một phường xã có vài chục người, hay ở huyện trên 100 người thì không thể làm giám sát được chỉ có người dân với hàng chục triệu người mới làm giám sát được nhưng phải có tổ chức. Trước kia Mặt trận làm giám sát đơn giản nhất là giám sát cán bộ đảng viên ở khu dân cư, tham gia bỏ phiếu tín nhiệm với những người được HĐND bầu ra ở cấp xã bây giờ giám sát cao hơn theo chủ đề có chương trình phối hợp. Và sau giám sát kết quả phải được chính quyền lắng nghe và trả lời theo quy định của pháp luật.

Từ đầu năm 2014 thực hiện Hiến pháp 2013 ở cấp Trung ương, MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên và các bộ ngành Trung ương với sự thống nhất chỉ đạo của Chính phủ đã triển khai 8 chương trình giám sát nhằm rút kinh nghiệm tạo cơ chế để từ năm 2016 trở đi chuyển giao phương thức hoạt động, cơ chế cho các địa phương làm là chính còn ở Trung ương tập trung một số việc.

Qua thực hiện ở Trung ương đã triển khai 8 chương trình là giám sát việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp; giám sát tuân thủ pháp luật trong cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân; tuân thủ pháp luật ở các cơ sở y tế tư nhân; giải quyết khiếu nại tố cáo của nhân dân; giám sát ngành thuế hải quan cải cách thủ tục hành chính để hội nhập rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện Luật Khoa học công nghệ và Nghị quyết Trung ương khóa XI về phát triển khoa học công nghệ; giám sát đánh giá sự hài lòng của nhân dân với 6 dịch vụ công ở 20 tỉnh thành phố cả nước.

Đặc biệt đã triển khai giám sát ở 11 nghìn phường xã cả nước trong hai năm 2014- 2015 việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Đây là hoạt động lớn nhất, dài nhất mà Mặt trận phối hợp cùng với ngành Lao động thương binh và xã hội cùng 6 tổ chức thành viên triển khai, đến nay đã kết thúc và tổng kết.

Lần đầu tiên từ năm 1954 đến giờ chúng ta rà soát hơn 2 triệu người có công trong danh sách đang hưởng thì 95,75% là hưởng đúng hưởng đủ; 4,16% hưởng đúng nhưng chưa đủ; 0,09% hưởng sai. Số hưởng chưa đúng này ở các địa phương đã cho rà soát và chấm dứt không được hưởng đồng thời sắp tới sẽ bàn về việc họ chịu trách nhiệm gì khi nhận chính sách không đúng trong thời gian qua.

Cũng qua giám sát lần này có một phát hiện, ngoài những người trong danh sách còn lập được danh sách hơn 63 nghìn người cho rằng họ đủ tiêu chuẩn mà chưa được hưởng. Hiện các địa phương đang tiếp tục giải quyết.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa khi chúng ta kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm thành lập nước, để con em những người có công thấy được sự ghi nhận xứng đáng của đất nước, của nhân dân với những công lao của các anh hùng liệt sĩ.

Trên cơ sở này sắp tới Mặt trận sẽ kiến nghị sửa một số văn bản, hoàn thiện văn bản liên quan đến giám định nạn nhân da cam, xác định cựu TNXP thiếu hồ sơ để thúc đẩy quá trình công nhận này.

Cũng qua cuộc giám sát này chúng tôi đã rút ra một bài học. Bài học ở đây là thông qua Mặt trận và các tổ chức thành viên chúng ta huy động được 200 ngàn người tham gia. Từ bài học này, Mặt trận sẽ kiến nghị Chính phủ, trong năm 2016 chọn một vấn đề mà toàn dân rất quan tâm nhưng không thể giám sát qua hệ thống chính quyền để Mặt trận tham gia và huy động người dân như đã làm trong việc giám sát thực hiện chính sách với người có công.

Bước đầu Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số đồng chí lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề Mặt trận nên giám sát đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì đây là một vấn đề khó, nhức nhối đối với xã hội. Nhiều năm qua, những vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm rất công khai, không hề giấu giếm.

Ngoài ra từ nay đến cuối năm sẽ sơ kết các chương trình giám sát để hướng dẫn các địa phương thực hiện vào năm 2016. Ở Trung ương sẽ tập trung giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc tiếp tục theo dõi sự đánh giá hài lòng của người dân. Hội nghị Trung ương vừa qua cũng cho rằng, việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng hiệu quả phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp.

Năm nay Mặt trận mới làm thí điểm, chọn một số đơn vị của 20 tỉnh thành chứ chưa đủ 63 tỉnh thành. Dự kiến qua sơ kết sẽ kiến nghị với Chính phủ để tham gia đánh giá sự hài lòng của người dân tại 63 tỉnh thành trong năm tới.

Về công tác phản biện xã hội, sau khi góp ý Hiến pháp những năm trước, bây giờ MTTQ góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp. Hai tháng vừa qua, bên cạnh ý kiến của MTTQ cùng các Hội đồng tư vấn, MTTQ đã huy động các nhà khoa học cũng như những người liên quan đến từng lĩnh vực đã tổ chức ba cuộc góp ý lớn: về phát triển kinh tế gắn với khoa học công nghệ. Cuộc góp ý đã thu hút sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Công thương, các nhà khoa học ở hai Viện Hàn lâm, các doanh nghiệp và đã nhận được nhiều ý kiến ở nhiều lĩnh vực.

Chủ đề góp ý thứ hai là Phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và hun đúc ý chí, hoài bão của thế hệ trẻ để xây dựng và phát triển đất nước. Trong đó MTTQ nhấn mạnh, với truyền thống văn hóa mấy nghìn năm, với các nghị quyết của Đảng về văn hóa, chúng ta phải xem việc xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng.

Chúng tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ đã tiếp thu di sản văn hóa của dân tộc, tiếp thu thành tựu phát triển đất nước trong thế kỷ vừa qua, với điều kiện và trí tuệ hơn hẳn các thế hệ đi trước. Chắc chắn, thế hệ trẻ sẽ nắm được vận mệnh đất nước trong tương lai trên nền tảng văn hóa và hội nhập trong thể chế kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chủ đề thứ ba là dân chủ trong thời đại Internet và giám sát phản biện chống tham nhũng. Hiện nay chúng tôi đang tập hợp các ý kiến góp ý này. Đặc biệt, thanh niên đã có một cuộc gặp riêng với MTTQ và các nhà khoa học để góp ý. Chúng tôi nhận thấy sự đồng thuận cao với Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng và mong muốn đào sâu, làm rõ hơn nữa những vấn đề phát triển.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của MTTQ, các giới, các địa phương, trong tháng 11, Bộ Chính trị sẽ lắng nghe tập hợp các ý kiến nói trên và tháng 12 sẽ trình Hội nghị Trung ương.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Văn Dân.

Yêu nước thì phải hành động

PV: Phát huy tinh thần sáng tạo và tự quản của nhân dân, hàng chục năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước một cách toàn dân, toàn diện và có sức sống lâu bền. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng, đặc biệt là chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước này có vai trò như thế nào trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Yêu nước thì phải hành động để góp phần phát triển đất nước. Mỗi thời kỳ, MTTQ có những cuộc vận động khác nhau. Trong khoảng 20 năm gần đây, MTTQ có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và vận động “Ngày vì người nghèo”. Từ thành quả các cuộc vận động này, Mặt trận nhận thấy phải phối hợp với các tổ chức thành viên để tổ chức các cuộc vận động khác như cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Từng đoàn thể của Mặt trận sẽ nhận những nhiệm vụ cụ thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Qua trao đổi tại các cuộc góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII, chúng tôi nhận thấy cần phải có cuộc vận động thành lập đội ngũ doanh nhân trẻ của đất nước. Suy cho cùng, làm kinh tế thì phải có doanh nhân dẫn dắt. Chúng ta có cơ chế, chính sách, nhưng doanh nhân mới là người tổ chức sản xuất, làm kinh tế. Cho nên, doanh nhân chính là những người vừa yêu nước, nhưng lại vừa phải có trí tuệ ngang tầm thời đại, có năng lực hội nhập và biết tổ chức hoạt động kinh doanh của mình.

Hiện nay, cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp, nhưng các nhà chuyên môn cho rằng, với quy mô khoảng 100 triệu dân hiện nay, Việt Nam cần phải có 1 triệu doanh nghiệp mới tương xứng với quy mô dân số. Như vậy, Việt Nam vẫn còn thiếu nửa triệu doanh nhân. MTTQ đang có kế hoạch với Đoàn thanh niên và các cơ quan liên quan vận động phát triển đội ngũ doanh nhân đạt 1 triệu doanh nghiệp trong 10-15 năm tới để dẫn dắt đất nước tiến lên.

Lợi thế lớn của Việt Nam hiện nay là con người. Lao động dồi dào trong thời kỳ dân số vàng. Lực lượng lao động hiện nay sẽ đáp ứng được sản xuất trong vòng 20 năm tới. Nhưng nếu chúng ta không có cách vận động để thanh niên Việt Nam lớn lên, xây dựng gia đình, sinh con và hạnh phúc thì có thể Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng như nhiều nước là càng giàu thì càng ít con, càng ít con thì đất nước sẽ khó khăn do thiếu lao động. Như ở Nhật Bản, Đức, ngay cả người già cũng thiếu người chăm sóc.

Lịch sử thế giới 50 năm qua cho thấy, nếu không hình thành một xã hội mà trong đó những người đến tuổi lập gia đình nên lấy vợ, lấy chồng, sống hạnh phúc, có con để tự tái tạo gia đình thì khó phát triển bền vững. Cho nên, đất nước muốn phát triển bền vững, thì ngoài đường lối, chính sách đúng, cần phải có sự bền vững về con người, trong đó bền vững về nhân lực để tái tạo lực lượng lao động, tái tạo văn hóa.

Hiện nay, ở các đô thị lớn của Việt Nam và một số vùng miền, tỷ lệ sinh của các gia đình đang giảm. Ở các đô thị tỷ lệ sinh là trên dưới 1,7 ở TP. Hồ Chí Minh có 1,4. Tình trạng này, nếu tiếp tục diễn ra, sẽ đẩy Việt Nam đến chỗ không bền vững về lao động, về dân số.

Tôi cho rằng, cần phải có một cuộc vận động xã hội xây dựng gia đình hạnh phúc, mỗi gia đình nên có hai con, vừa vì mình, vừa vì đất nước. Khi đó, đất nước mới phát triển ổn định, lâu dài.

Ngoài ra, để phát triển đất nước và hội nhập thắng lợi, chúng tôi nghĩ cần phải có cuộc vận động về sáng tạo. Người Việt Nam có khả năng sáng tạo, thì phải để những sản phẩm sáng tạo đi vào cuộc sống. Việt Nam còn 30 năm để kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng tôi mong muốn mỗi người Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng suy nghĩ, biến sức mạnh sáng tạo của 55 triệu người lao động trong số 92 triệu người Việt Nam trở thành sức mạnh quan trọng nhất để phát triển đất nước.

Tôi rất mong, bên cạnh những cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, cần phát triển doanh nhân, phát triển nhân lực, phát triển sức sáng tạo để sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn của 100 triệu người Việt Nam cùng phát triển trong giai đoạn mới.

Ngày hội đại đoàn kết - ngày mong đợi của nhân dân

PV: Thưa Chủ tịch, Ngày truyền thống của Mặt trận giờ đã trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở hơn 100 ngàn khu dân cư trên cả nước. Chủ tịch có thể cho biết cảm xúc của mình khi được dự ngày hội đặc biệt này?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Chúng ta đã biết từ năm 1983 có tổ chức Mặt trận ở khu dân cư đó chính là các Ban công tác Mặt trận. Hiện nay cả nước có hơn 100 ngàn khu dân cư, hoạt động định kỳ ngày hội đại đoàn kết vào dịp 18/11 hàng năm là hoạt động đặc thù. Đây là dịp để người dân ở khu dân cư gặp nhau cùng trao đổi, ôn lại và khẳng định sự quan trọng, tự hào với truyền thống đoàn kết yêu nước của người Việt Nam. Cùng với đó đánh giá công tác Mặt trận ở khu dân cư sau 1 năm để nêu lên những mặt làm được và cần làm tốt hơn, biểu dương những cá nhân, tập thể đóng góp vào công tác Mặt trận ở khu dân cư, cùng giao lưu văn hóa qua các hoạt động văn nghệ, thể thao và ăn một bữa cơm đại đoàn kết.

Có lần dự Ngày hội Đại đoàn kết tại một thôn ở Tuyên Quang, chúng tôi được ăn một bữa cơm đại đoàn kết rất đầm ấm. Nhiều người lâu ngày không gặp nhau thì được dịp thăm hỏi, cựu chiến binh ôn lại chuyện ngày xưa… Những hoạt động đó nên tiếp tục, là dịp để khẳng định vị trí của khối đại đoàn kết. Đặc biệt nhiều năm nay việc các lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các địa phương đi dự Ngày hội Đại đoàn kết và đến thăm các hộ dân là một hoạt động ý nghĩa, là dịp để biết những người làm ăn tốt nhất họ làm như thế nào, họ sống thế nào, vì sao họ làm ăn được hay những người mới thoát nghèo họ sống như thế nào cũng như những hộ khó khăn còn đang vướng mắc gì?

Vì vậy, theo tôi, trong Ngày hội Đại đoàn kết ngoài phần lễ hội nên đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Nhà nước trực tiếp gặp các hộ dân, trao đổi, lắng nghe và chia sẻ. Đặc biệt các địa phương cần phát huy sáng kiến hơn nữa để Ngày hội Đại đoàn kết thực sự sâu sắc trở thành ngày mong đợi của nhân dân.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến sức mạnh sáng tạo thành sức mạnh phát triển đất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO