Biện Tết ở Lam Kinh

Ghi chép của Nguyễn Chung 27/01/2019 09:00

Những ngày cuối năm, giữa tất bật lo toan thường nhật, những người làm công tác quản lý tại Khu di tích Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) cũng rộn ràng chuẩn bị biện lễ, dâng các vua trong 3 ngày Tết, với tất cả tình cảm, lòng thành kính ngưỡng vọng tri ân...

Biện Tết ở Lam Kinh

Hào khí Lam Sơn được tái hiện lại sống động qua các tiết mục văn nghệ.

Tết xưa của vua có gì khác lạ?

Thờ cúng trong dịp Tết Nguyên đán, phong tục tập quán có từ xa xưa của dân tộc, đó là nét đẹp truyền thống của nước Nam. Tuy nhiên, việc sửa lễ để thờ cúng vua chúa, hay thờ cúng ông bà tổ tiên, những nghi lễ và đồ thờ cúng trong suốt ba ngày Tết có những cách thức khác nhau.

Trở về Lam Kinh những ngày cuối năm, sự tôn nghiêm, linh thiêng bao trùm cả một không gian rộng lớn. Lắng đọng trong thẳm sâu tâm khảm của những người con xứ Thanh cùng triệu triệu người dân Việt Nam, Lam Kinh mãi là kinh đô kháng chiến một thời, nơi Lê Lợi dựng nên một triều đại thịnh trị, kéo dài vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Những dòng tư liệu ít ỏi, hiếm hoi ghi lại về nghi lễ cúng Tết thời Lê do tác giả Lê Thành Hữu, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng họ Lê Thanh Hóa dịch, còn lưu giữ: “Sáng mùng 1 theo lệnh vua, các công thần, quan văn, quan võ vào cung làm lễ. Trước đó ngày 30, tại Điện Kính Thiên đã bày biện, trang hoàng, cắm cờ tán vàng 2 bên vua ngồi, chuẩn bị đại nhạc… theo nghi thức. Khoảng 5h sáng ngày 1, đoàn rước bắt đầu khởi hành, đoàn nhạc đi trước, đội nghi vệ cầm tán vàng che, khiêng kiệu đến để rước vua đi. Khi đoàn rước đến Điện Kính Thiên (chỗ bàn thờ cúng Tết), các quan văn võ đứng ở hai bên, nhạc tấu lên, hoàng thượng làm lễ cúng bái tổ tiên xong, các quan dâng lễ kính chúc sức khỏe hoàng thượng.

Đồ cúng ngày Tết tại đền Thái Miếu (thờ vua) được chuẩn bị khá chu đáo và công phu. Lễ gồm có: 375 bát gạo nếp, 45 bát gạo tẻ, dầu, mật, mắm muối... Trong 3 ngày Tết, mỗi ngày dâng 20 mâm để cúng. Điện Chí Kính, nơi vua thiết triều lễ gồm: 240 bát gạo nếp, 36 bát gạo tẻ… các cung miếu khác ở trong triều mỗi ngày phải chuẩn bị 65 mâm để cúng”.

Trong bảy thập niên đầu của triều Lê (từ 1433-1505), các vua Lê trị vì đất nước, cũng là quãng thời gian Lam Kinh hưng thịnh nhất, các vua và triều thần về đây tổng 15 lần bái yết sơn lăng. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại những sự kiện diễn ra vào dịp Tết rất gắn gọn.

Chuyến về Lam Kinh năm 1456 của vua Lê Nhân Tông được ghi lại: “Vua và các đại thần thắp hương ở mộ vua Lê Thái Tổ cùng lăng mộ các vua và hoàng hậu. Đại tế diễn ra trong khu Chính điện và các tòa thái miếu. Cắt cử mỗi đại thần phụ trách chuẩn bị vật phẩm và nghi thức ở từng miếu điện. Biểu diễn hai điệu múa Bình Ngô phá trận và Chư hầu lai triều. Mỗi dịp vua nhà Lê về Lam Kinh là dịp dân chúng tổ chức hội hè tưng bừng để đón rước”.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về phong tục, tập quán thời nhà Lê, nhất là tục thờ cúng, ông Lê Thành Hữu cho biết: “Những tư liệu đó giúp chúng ta hình dung nghi lễ tôn nghiêm của các vua nhà Lê đối với tiên tổ. Di tích Lam Kinh với tổng thể nhiều công trình mang trong mình những giá trị vô giá, trải qua thời gian cùng với sự hưng thịnh của đất nước và địa vị vương triều Lê, di tích cũng trải qua nhiều thăng trầm, biến đổi. Bằng tấm lòng tri ân với những người có công với dân, với nước, di tích đang được đầu tư để tái hiện lại quy mô kinh đô xưa, gắn liền với việc bảo tồn và phục hồi hệ thống cảnh quan và bảo vệ môi trường tự nhiên tôn thêm giá trị của di tích. Những ngày đầu năm mới, dân chúng từ muôn nơi về Lam Kinh thắp hương, tưởng nhớ những vị vua anh minh, những hiền thần có công đã khai sơn, lập quốc. Việc thờ cúng các hoàng tộc triều Hậu Lê còn là sự tri ân, nhớ về nguồn cội. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp từ ngàn đời của người Việt”.

Biện Tết ở Lam Kinh - 1

Người dân đến dâng hương tại mộ vua Lê Thái Tổ, khu di tích Lam Kinh.

Biện Tết thời nay

Chào đón Tết Nguyên đán, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, tại Lam Kinh, Ban quản lý di tích lịch sử đã chuẩn bị chi tiết phương án để tổ chức thực hiện lễ đón Tết cho các vua tại khu trung tâm miếu điện Lam Kinh: thực hiện dọn dẹp sạch sẽ cảnh quan môi trường toàn bộ khu di tích, từ đường đi lối lại đến cảnh quan trong khuôn viên, bàn thờ cúng, treo cờ hội, cờ Tổ quốc, cờ phướn, băng rôn làm cho toàn bộ khu di tích nổi bật cảnh sắc mùa xuân. Việc sắm soạn những dụng cụ thờ cúng trên bàn thờ cũng được đặc biệt quan tâm như: mâm, bát đĩa, chén, nậm rượu, đèn nến, khăn phủ, vải che khám… Đồ lễ được chọn lựa là những sản vật đặc biệt của xứ Thanh.

Vào khoảng 27/12 âm, các nhân viên tại Khu di tích Lam Kinh bắt đầu việc bài trí các đồ thờ cúng theo nghi lễ. Các loại hoa có mầu vàng như hoa cúc, hoa lan, hoa ly… được bày trước các hương án thờ và toàn bộ phía ngoài như: từ Ngọ Môn, đền Sân Rồng, chính điện. Hoa huệ được chọn để dâng lễ ở các lăng mộ vua. Ngày Tết nơi thờ cúng các vua không thể thiếu cành đào. Các cán bộ di tích về tận vùng đào nổi tiếng Xuân Du, huyện Như Thanh để chọn. Tất cả các loại hoa và đào phải chọn lựa kỹ những cây thân to, khỏe vừa có hoa, có nụ và lộc biếc.

Ngày Tết dâng lên vua bao giờ cũng phải đủ 3 lễ, lựa chọn rất cầu kỳ: mâm cỗ mặn, mâm ngũ quả, mâm cỗ ngọt gồm các loại sản vật đặc trưng của xứ Thanh như bánh gai Tứ Trụ, chè lam Phủ Quảng và vàng hương, cau trầu. Lễ mặn gồm có xôi và lợn quay nguyên con. Xôi được đồ từ gạo nếp nương, nếp cái hoa vàng, hạt gạo trong đều, khi chín các hạt xôi cũng bóng, mùi thơm lừng. Lợn quay chín bằng than hồng, thường được chọn là giống lợn nuôi tự nhiên trên các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa, trọng lượng khoảng hơn 10 kg, khi chín lợn không bị nứt, không cháy, thơm ngậy. Gà được lựa chọn những giống gà ngon quanh khu vực Lam Kinh. Cùng với đó là các loại rượu nổi tiếng tại Thanh Hóa như rượu nếp nương được dâng lên các bàn thờ.

Đặc biệt, năm nào cũng vậy cứ mỗi dịp gần Tết, cán bộ Ban quản lý di tích lại quây quần tự gói và nấu bánh chưng. Tập quán văn hóa trong các gia đình Việt luôn được các cán bộ di tích giữ gìn, thể hiện tình cảm chân thành đối với các vị vua triều hậu Lê.

Ông Nguyễn Đức Long, 79 tuổi, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, là người hơn 20 năm phục vụ hương khói tại Lam Kinh cũng cho biết thêm: “Sau khi các đồ lễ được chuẩn bị xong, chiều 30 Tết, chúng tôi ra từng mộ phần thắp hương mời các vua về ăn Tết. Mâm cơm cúng chiều 30 Tết gồm lợn, xôi, gà, bánh chưng… được các thành viên trong Ban kính cẩn đặt lên bàn thờ, kính cáo với các vua tiễn đưa năm cũ. Đêm 30 cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới, cầu mong các vua phù hộ độ trì cho quốc thái dân an. Sau giao thừa, người dân trong vùng tấp nập dâng hương cho các vua, cầu khấn cho một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tiếp đến trong 3 ngày Tết, mỗi khi cúng, đồ lễ cũ trên các bàn thờ được hạ xuống và thay bằng đồ mới”.

Hào khí độ non sông

Là người trực tiếp chăm lo, sửa lễ tết cúng vua suốt gần 10 năm, ông Trịnh Đình Dương - nguyên Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh khá am hiểu về những luật định thờ cúng vua trong 3 ngày Tết. Theo ông Dương, việc lễ vua, sắm sanh đồ lễ cũng quan trọng nhưng điều quan trọng hơn vẫn là ở cái tâm của hậu thế. Sự thành tâm của người biện lễ gắn liền với những ước vọng lớn lao cho một năm mới. Thường sau khi biện lễ, lên hương, con cháu dòng tộc họ Lê nói riêng và con dân cả nước nói chung đều thành tâm cầu mong các bậc tiên đế độ trì cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an, trên dưới đoàn kết một lòng xây dựng non sông, đất nước ngày càng giàu mạnh!

Giữa Lam Kinh trầm mặc, nhìn những khói hương vẽ về thinh không, tôi cũng tin rằng: Đất nước đang trên đường vươn ra biển lớn, từng bước khẳng định vai trò, vị thế của mình với bạn bè năm châu, bốn biển. Trong sự thành công ấy, hẳn một phần cũng nhờ sự độ trì của tổ tiên linh thiêng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biện Tết ở Lam Kinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO