Biến thể Delta ‘lẩn tránh’ hệ miễn dịch?

Minh Thủy 12/07/2021 06:30

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature đã giải thích cho việc vaccine Covid-19 bị giảm hiệu quả khi chống lại biến thể virus Delta. Biến thể này xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ được cho là có khả năng lây lan cao hơn khoảng 60% so với biến thể Alpha và có thể lây lan nhanh gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.  Đáng chú ý, nghiên cứu cho rằng Delta “hình như còn né tránh được hệ miễn dịch”.

Tới nay, biến thể Delta đã xuất hiện tại gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm bùng phát dịch bệnh tại nhiều nước, đặc biệt trong nhóm những người chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thời điểm này, Delta là biến thể nghiêm trọng nhất ở Mỹ, cho dù tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao: 48% dân số đã tiêm chủng đủ liều và 55% đã tiêm ít nhất một liều.

Hình ảnh bên ngoài Trung tâm khoa học tại Oldham (Anh), minh họa một chủng virus. Ảnh: Reuters.

Mũi tiêm thứ hai là cần thiết

Nghiên cứu công bố trên Nature chỉ ra rằng Delta hầu như không phản ứng với một liều vaccine, đồng thời xác nhận các nghiên cứu trước đó cho rằng biến thể này có thể né tránh một phần hệ thống miễn dịch, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với Beta - biến thể xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi.

Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra mẫu máu của 103 người nhiễm virus và kết quả cho thấy Delta ít phản ứng với vaccine hơn Alpha rất nhiều. Một liều vaccine cũng làm tăng đáng kể độ phản ứng với virus. Điều này cho thấy những người đã khỏi Covid-19 vẫn cần tiêm vaccine để chống lại một số biến thể.

Nhóm nghiêm cứu cũng phân tích mẫu máu của 59 người sau khi tiêm mũi một và mũi hai của vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech. Kết quả, chỉ 10% số người được chủng ngừa một liều AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech có thể vô hiệu hóa các biến thể Delta và Beta trong thí nghiệm. Nhưng liều thứ hai đã tăng con số đó lên 95%.

“Như vậy, tiêm mũi thứ hai là rất cần thiết”, M.Camllo, thành viên Nhóm nghiên cứu nói. Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng cho rằng một liều vaccine vẫn đủ để ngăn ngừa người mắc phải nhập viện điều trị hoặc tử vong do Covid-19.

Trong một diễn biến khác, Hãng dược Pfizer cho biết đang phát triển một phiên bản vaccine khác chống lại biến thể Delta và dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 8. Pfizer cho biết, việc tiêm mũi bổ sung 6 tháng sau liều thứ hai làm tăng hiệu lực của kháng thể chống lại chủng virus gốc và biến thể Beta gấp 5 đến 10 lần.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho rằng khả năng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm chủng đầy đủ (hai mũi) có thể duy trì mạnh mẽ trong nhiều năm, thậm chí chống lại được các biến thể.

Đáng chú ý, giữa “cơn ác mộng Delta” thì tốc độ tiêm chủng ở châu Âu đã chậm lại. Trong khi đó, theo Bloomberg, Bộ trưởng Y tế Đức đã phải kêu gọi càng nhiều người dân đi tiêm vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt nhằm đề phòng làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Delta gây ra. “Có lẽ chúng ta cần ‘ngày cuối tuần tiêm chủng’ để người dân nào tại Đức cũng được tiêm phòng, từ đó chúng ta sẽ đạt được tỷ lệ cao”, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh.

Không chỉ Đức, các nước châu Âu khác gồm Pháp, Italy, Thụy Sĩ và Áo cũng đang chật vật để duy trì tốc độ tiêm chủng như trước kia. “Virus SARS-CoV-2 có thể giết chết bạn. Vaccine được sản xuất ra để cứu bạn, vì vậy đừng chần chừ”, ôngJean-Baptiste Lemoyne, Bộ trưởng Du lịch Pháp, phát biểu trên đài phát thanh Franceinfo. Còn Bộ trưởng Y tế nước này, ông Olivier Veran, cảnh báo nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ 4 “có thể đến vào cuối tháng 7” khi mà biến thể Delta lan rộng và chiến dịch tiêm chủng vaccine bị chững lại.

Lo ngại mới đến từ biến thể Lambda

Trong lúc biến thể Delta đang hoành hành, thì người ta lại lo ngại biến thể mới mang tên Lambda. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đây là việc cần phải được quan tâm và giám sát kỹ lưỡng vì biến thể này xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Biến thể này mang các đột biến có khả năng khiến nó có khả năng kháng các kháng thể trung hòa mạnh hơn.

Biến thể Lambda (biến thể C.37) được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2020 ở Peru. Tính đến nay đã được phát hiện ở 29 quốc gia, vùng lãnh thổ có số ca nhiễm Covid-19, tập trung ở khu vực Nam Mỹ. “Biến thể Lambda là nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng cao đáng kể ở một số quốc gia. Lambda mang một số đột biến có liên quan đến việc tăng khả năng truyền nhiễm hoặc tăng khả năng chống lại các kháng thể trung hòa”, WHO cảnh báo. Tuy nhiên WHO cũng cho biết vẫn có rất ít bằng chứng về tác động của đột biến này và cần có các nghiên cứu sâu để hiểu rõ hơn.

Theo nhà virus học của WHO Jairo Mendez-Rico, không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể Lambda dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn hoặc số bệnh nhân tử vong cao hơn. Tuy nhiên cũng không thể vì thế mà chủ quan. Trong khi đó, Pablo Tsukayama - một nhà virus học của Đại học Cayetano Heredia (Lima, Peru) cho rằng hơn 40% số trường hợp nhiễm bệnh mới kể từ tháng 4 ở nước này có liên quan đến biến thể Lambda. Tương tự là con số đó ở Chle.

Còn tại Anh, giới khoa học cho rằng biến thể Lambda là một “biến thể đang được điều tra”, sau khi khoảng 50% trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến thể này được ghi nhận trên toàn nước Anh. Cơ quan Y tế công cộng Anh cho biết, hiện tại “không có bằng chứng nào cho thấy biến thể này khiến bệnh Covid-19 diễn tiến nặng hơn hoặc làm cho các loại vaccine hiện đang được triển khai kém hiệu quả hơn”, tuy nhiên cũng không thể vì thế mà chủ quan vì thực tế cho thấy các biến thể của SARS-CoV-2 là rất khó lường.

Trong khi vẫn còn rất ít nghiên cứu về biến thể Lambda, các nhà khoa học ở Brazil đã viết trong một nghiên cứu rằng biến thể này chưa được đánh giá ngang hàng và họ tin rằng Lambda có “tiềm năng đáng kể để trở thành một biến thể đáng quan tâm”, vì rằng những chỉ dấu cho thấy nó dễ lây truyền hơn các biến thể Alpha và Gamma.

Trong khi biến thể Delta đang lây lan rộng thì giới khoa học đã lên tiếng cảnh báo một phiên bản mới được gọi là Delta Plus. Chính phủ Ấn Độ cho biết họ đã gửi thông tin biến thể mới lên Hệ thống Dữ liệu toàn cầu và gửi các mẫu để kiểm tra bộ gene. Theo đó, biến thể Delta Plus có một số đặc điểm đáng lo ngại như tăng khả năng lây nhiễm, liên kết mạnh hơn với các thực thể của tế bào phổi và khả năng làm giảm phản ứng kháng thể. Hiện vẫn chưa rõ đột biến có thể có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vaccine - nhưng Julian Tang - Giáo sư khoa học hô hấp tại Đại học Leicester, cảnh báo rằng nó có thể mang lại cho biến thể Delta Plus “những đặc tính kháng vaccine đáng kể”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến thể Delta ‘lẩn tránh’ hệ miễn dịch?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO