Biến tướng tục bắt chồng

Phạm Hưởng 18/02/2017 08:00

Khi một cô gái thích một chàng trai nào đó, nhà gái sẽ nhờ già làng hoặc người có uy tín đến nhà trai để đặt vấn đề hỏi cưới. Và theo luật tục, nhà trai sẽ thách cưới bằng lễ vật. Tuy nhiên, hiện nay tục “bắt chồng” có sự biến tướng, hà khắc khi lễ vật thách cưới được đẩy lên quá cao. Nhiều gia đình khi thực hiện thủ tục “bắt chồng” cho con xong, vô tình rơi vào thảm cảnh dở khóc, dở cười.

Hai chị em nhà Rơ Ô H’plut vẫn chấp nhận cảnh đơn thân trong căn nhà xập xệ.

Còng lưng trả nợ tiền thách cưới

Trời xế trưa, nắng vàng như rót mật xuống chảo lửa Krông Pa (Gia Lai) thế nhưng bà H’krunh vẫn một mình giữa đồng cắt cỏ nuôi bò. Thấy người lạ, bà giật thót, sau đó thanh minh “cứ tưởng người ta đến siết bò, trừ tiền vay chứ”.

Bà H’krunh kể, vào tháng 4/2015 có vay 35 triệu đồng của một đại lý thu mua mì để “bắt chồng” cho con gái Kpă Hpoal. Con gái mình ưng cái bụng thằng Rchăm Ypu ở tận huyện Sơn Hòa, Phú Yên, không có tiền, gia đình phải “vay nóng” để mua lễ vật thách cưới của nhà trai. “Năm nay giá mì xuống quá thấp, không đủ tiền để trả nợ, chủ nợ hết gọi điện lại đến nhà đe dọa siết nợ”, bà H’krunh gạt nước mắt lo lắng.

Căn nhà xập xệ của bà H’kunh nằm sâu trong buôn Thim, xã Phú Cần, chẳng một vật dụng đáng giá. Bà bảo gia đình giờ 6 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào có 8 sào đất mì, 8 con dê và nuôi rẽ 2 con bò (nuôi rẽ là nhận nuôi bò của người ta, khi bò đẻ thì chia người nuôi 1 con, chủ bò 1 con), nhiều lúc còn chẳng đủ ăn. Hết hạn hán lại đến lũ lụt, mất mùa triền miên, giờ không biết lấy tiền đâu mà trả, hẹn người ta trả góp dần.

Cách nhà bà H’krunh không xa, vợ chồng bà Nay H’ly, buôn Thim, xã Phú Cần cũng đang nai lưng ra trả lãi hàng tháng cho khoản vay 60 triệu đồng mà gia đình đã vay để “bắt chồng” cho cô con gái Nay Du.

Đám cưới của Nay Du diễn ra linh đình theo phong tục của người Kinh khiến cả làng phải trầm trồ, đố kị nhưng đằng sau câu chuyện cưới chồng cho con, gia đình bà Nay H’ly lại đang rơi vào thảm cảnh “dở khóc, dở cười”. Vui vì con mình đã thoát được cảnh đơn thân nhưng đổi lại họ đang phải nhận cái giá quá “chát” từ luật tục có phần biến tướng và khắc nghiệt.

Bà H’ly tâm sự, hồi ấy nhà trai thách cưới 60 triệu đồng cùng 1 con bò và 1 con heo. Họ thách cao vì nghĩ con họ là giáo viên. Mà thách càng cao thì gia đình mình càng khổ. “Hiện mình còn 3 cô con gái chưa có chồng. Nếu sau này bắt chồng mà bị thách cưới cao nữa thì không biết phải lấy tiền đâu”, bà Nay H’ly than trách.

Nghèo nên không dám bắt chồng

Cũng chỉ vì lễ vật thách cưới quá cao mà nhiều thôn nữ nhà nghèo không dám đánh đổi hạnh phúc để gánh nợ lần cho gia đình. Mồ côi cha mẹ, phải nhờ cậy sự giúp đỡ của ông bà, hàng xóm, bốn chị em nhà Rơ Ô H’plút buôn Blắk (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) lớn lên trong sự thiếu thốn về vật chất, tinh thần, hằng ngày dắt díu nhau đi làm thuê, làm mướn.

Nghèo quá nên chỉ có hai cậu em trai út về nhà vợ ở, không một lời thách cưới. Riêng hai chị đầu là Rơ Ô H’plút và Rơ Ô H’choet (30 tuổi) vẫn không dám “bắt chồng”.

Rơ Ô H’plút kể, nhiều năm trước, mình cũng có thích một người đàn ông. “Thích nhưng không dám nói với người ta và càng không dám bắt về làm chồng. Mình quá nghèo. Bò, heo không có, đất sản xuất cũng ít thì làm sao mà bắt chồng”.

Nói rồi, H’plút buồn rầu đưa mắt nhìn sang cô em gái H’choét như vẻ trách phận: “Mình sống đơn thân đã đành. Bây giờ thấy con Rơ Ô H’choét nó cũng giống mình, sợ không bắt được chồng. Nó cũng ngại chuyện nghèo”.

Hay như chuyện tình của chị Ksor H’sướt, thôn Blăk, xã Ia Rmok đem lòng yêu thương Nay Trung, buôn Djông, xã Ia Dreh, họ đã về nấu cơm chung. Nhưng để chính thức trở thành vợ chồng lại phải vượt qua một thách thức bằng lễ vật. 60 triệu đồng cùng 6 con bò, quần áo thổ cẩm khiến gia đình nhà gái phát hoảng, đành chấp nhận bỏ cuộc.

H’sướt tâm sự, giờ mình sống với mẹ. Hằng ngày đi làm thuê lấy tiền nuôi con. “Chồng “hụt” của mình bây giờ đã bị cô gái khác bắt làm chồng rồi. Anh ta giờ đã có cuộc sống riêng, cũng chẳng hỏi han đến hai mẹ con mình nữa”, H’sướt ấm ức thổ lộ.

Tập tục bị biến tướng

Tục “bắt chồng” được xem như một tập tục của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, thế nhưng nét đẹp ấy nay đã bị biến tướng. Nếu như nhiều năm trước, nhà trai chỉ thách cưới con bò hoặc vòng tay, áo thổ cẩm thì nay họ thách cưới cao bằng tiền mặt với hàng chục, trăm triệu đồng.

Những lễ vật thách cưới như một sợi dây gắn kết cho một mối tình thủy chung, nếu một trong hai người lỡ có thay lòng đổi dạ thì sẽ bị “phạt vạ” bằng chính số lễ vật thách cưới. Ngày nay, sự giao thoa văn hóa, tục bắt chồng đã có sự biến tướng, khiến nhiều gia đình chỉ vì bị thách cưới cao buộc phải đi vay mượn, nợ nần chồng chất, cuộc sống nghèo càng lại gặp thêm eo.

Ông Alê Drơng, Trưởng thôn Blăk, xã Ia Rmok nhìn nhận, rõ ràng tục “bắt chồng” ngày nay đã biến tướng hà khắc hơn, nhiều gia đình nghèo mà chạy theo trào lưu kinh tế đã vô tình khiến tình yêu trong sáng của các cháu tan vỡ. Làm sao để hài hòa giữa nét đẹp văn hóa với hiện đại, nghi lễ thách cưới phù hợp hoàn cảnh. Đừng để thách cưới cao mà làm khó dễ nhà gái, trở thành rào cản ngăn cách tình cảm lứa đôi”, ông Alê Drơng cho biết.

Hơn 70 mùa rẫy, già làng Nay Gher, buôn Blăk, xã Ia Rmok đã làm luật cho hơn 500 cặpđôi nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy khó xử như hiện nay. Ông bảo, “phép vua thua lệ làng” nhưng lệ làng xưa nghiêm và khuôn phép, chỉ cần cái uy của già làng tạo tác là họ nên duyên vợ chồng. Nay, chứng kiến nhiều đôi trai gái mến nhau mà chia lìa đôi ngả thì già cũng buồn và đau cái đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến tướng tục bắt chồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO