Biểu tượng người thầy muôn đời: Tiết tháo

Từ Khôi 28/12/2015 11:21

Trong rừng thầy kim cổ xưa nay, duy chỉ thầy Chu Văn An hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt được suy tôn là vị thầy muôn đời, thờ tự ở Văn Miếu. Để làm nên biểu tượng muôn đời ấy, các triều đại nhà Trần, nhà Lê không chỉ căn cứ ở việc thầy đào tạo ra những bậc lương đống mà còn căn cứ vào tiết tháo cương trực, khẳng khái, dám lên tiếng trong thời điểm xã hội chờ một tiếng nói nhưng ai cũng nhìn nhau. Tiếng nói ấy là thất trảm sớ kinh động càn khôn. Đề cao tiết tháo của thầy Chu, chính triều đ

Biểu tượng người thầy muôn đời: Tiết tháo

Tượng Chu Văn An.

Đỗ đạt, làm thầy

Vị thầy của muôn đời Chu Văn An sinh ra khi đất nước vừa kinh qua ba cuộc kháng chiến chống quân cường bạo Nguyên Mông. Theo thần phả lưu tại đền thờ thầy tại Thanh Đàm, Quang Liệt, nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội thì thầy sinh ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292) – năm cuối của niên hiệu Trùng Hưng đời vua Trần Nhân Tông. Thân phụ thầy là Chu Công Thiện, giỏi thiên văn địa lý. Thân mẫu là Lê Thị Chiêm. Vùng địa linh Thanh Liệt nhiều đời đã sản sinh ra các bậc nhân tài kiệt hiệt. Bậc nhân tài xa xưa ở Thanh Liệt không thể không nhắc tới danh tướng Đô Hồ Đại vương Phạm Tu (476-545) là người lập công lao hiển hách phò giúp Lý Nam Đế đánh tan quân Lương xâm lược, lập nên nước Vạn Xuân. Hiện tại, trên địa bàn xã Thanh Liệt đang khởi động dự án tưởng niệm Chu Văn An sát với đền Đô Hồ Phạm Tu với diện tích trên 50ha.

Từ thủa thiếu thời, thầy Chu Văn An đã thể hiện tính cương nghị, thanh tú khổ tiết, không ham danh lợi, học thức uyên bác. Giống như nhiều sĩ tử đương thời, Chu Văn An cũng ứng thí. Đến nay, chưa thấy sử sách nào chép rõ Chu Văn An đã đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) ở kỳ thi nào. Tuy nhiên, căn cứ vào sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép về các kỳ thi Thái học sinh thời Trần thì người viết phỏng đoán: Chu Văn An đỗ Thái học sinh năm 22 tuổi ở kỳ thi tháng 10, năm Giáp Dần niên hiệu Hưng Long năm thứ 22 (1314) thời vua Trần Anh Tông.

Đỗ bảng vàng nhưng Chu Văn An không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Dấu tích trường xưa nay thuộc thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (giáp với thôn Văn). Tương truyền, học trò theo học rất đông, có giả thiết thầy đã dạy tới 3000 học trò. Học trò nghe danh thầy không quản các nơi xa xôi đều tới học như: Châu Hoan (Thanh Hóa), Châu Hồng (Hưng Yên, Hải Dương), Kinh Bắc (Bắc Giang, Bắc Ninh), Sơn Nam (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình)… Học trò nhiều nhưng người đời sau lưu truyền 3 người ưu tú. Đó là Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát và một học trò con vua thủy tề.

Cũng giống như thầy, Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát đều là những thi nhân. Qua thăng trầm, tới nay vẫn giữ được một số bài thơ của ba thầy trò.

Suy tôn tài dạy học của thầy Chu Văn An, người đời đã thêu dệt nên câu chuyện thần kỳ về người học trò con vua thủy tề. Vì trọng nghĩa thầy, thương dân hạn hán con vua thủy tề đã trộm phép vua, hòa mực làm mưa, nên bị trời đánh chết. Hiện nay, ở các xã Hoàng Liệt, Tam Hiệp vẫn còn đền thờ học trò thủy thần, được triều đình phong kiến gia phong là “Đức Thành Bảo Ninh Vương”. Và các địa danh vẫn còn như Đầm Mực, Mả Lốt, hay nơi cán bút của học trò thủy thần tung lên rơi xuống là làng Tả Thanh Oai – nơi sau này xuất hiện nhiều nhân tài, đặc biệt là dòng họ Ngô Thì.

Quan điểm của thầy Chu Văn An được coi là tiến bộ trong thời đại bấy giờ. Đó là: “Hữu giáo vô loại” – nghĩa là nền giáo dục không phân biệt loại người nào. Hoặc: “Học mới chỉ là mắt, hành mới có chân, mới tiến được. Có biết mới làm được, có làm mới biết. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết thiết thực, cái biết sâu sắc nhất”.

Bản sớ kinh nhân, động quỷ thần

Năm 1328, thầy Chu Văn An được vua Trần Minh Tông vời vào kinh dạy hoàng thái tử Trần Vượng. Sau khi thái tử Vượng được truyền ngôi (vua Trần Hiến Tông), thầy Chu Văn An được giao giữ chức vụ Tư nghiệp Quốc Tử giám (Hiệu trưởng). Tiếc rằng vua Trần Hiến Tông không kịp thi thố tài năng gì vì Thượng hoàng Trần Minh Tông vẫn giữ việc triều chính thì ngài đã mất khi mới 22 tuổi.

Vị học trò lên ngôi thứ hai của thầy Chu Văn An là vua Trần Dụ Tông. Trong thời vua Trần Dụ Tông, sử sách không chép thầy Chu Văn An làm chức quan gì ngoài chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Suốt trong quãng thời gian dài hàng chục năm ở chức vụ này, cũng không thấy sử sách ghi thêm tên tuổi của người học trò nào của thầy Chu Văn An. Phải chăng, những học trò con vua, quan đại thần tập ấm đã sớm hưởng vinh hoa phú quý, biết chắc cuộc đời quan lộ sẽ hanh thông nên không cần gắng gỏi?. hay những lời thầy Chu không lọt tai mà lời của những vị thầy khác mới làm họ tâm đắc?.

Vào kinh nhậm chức chưa đầy năm, thầy Chu Văn An tận mắt chứng kiến một vụ án động trời. Quốc phụ thượng tể Trần Quốc Chẩn – thân phụ của hoàng hậu Lệ Thánh bị vu âm mưu làm phản, giam trong chùa Tư Phúc rồi đánh thuốc độc cho chết. Đến năm Giáp Thân (1341), vụ án mới sáng tỏ hoàn toàn do vợ cả của Trần Phẫu vì ghen với vợ lẽ cáo giác. Nguyên do là Thiếu bảo Trần Khắc Chung và Văn Hiến Hầu (con của Chiêu văn vương Trần Nhật Duật) muốn lập hoàng tử Vượng lên thái tử rồi nối ngôi chứ không muốn chờ con của hoàng hậu Lệ Thánh là dòng đích (cháu ngoại của Trần Quốc Chẩn) sinh ra rồi lập làm thái tử. Họ liền đút cho Trần Phẫu – tên gia nhân của Thượng tể Trần Quốc Chẩn 100 lạng vàng để vu cáo chủ tội làm phản. Vua Trần Minh Tông không tra xét cẩn thận, vội vã tin lời xằng bậy mà hại luôn nhạc phụ. Sau này, khi thăm đền Quốc phụ thờ Trần Quốc Chẩn ở Chí Linh, Thượng hoàng Trần Minh Tông tự thán: “Ba mươi năm trước ta lầm lỗi; Ôm nỗi hận sầu lắng tiếng mưa”.

Sau khi Thượng hoàng Trần Minh Tông băng hà, vua Trần Dụ Tông ngày một càng lơi lỏng chính sự. Những lời can gián và đề đạt sáng kiến của đại thần tài ba chính trực như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát vua đều bỏ ngoài tai. Bọn gian thần kéo bè kết đảng dần lấn lướt công việc trong triều. Việc chính sự bê trễ, vua chỉ mải ăn chơi, trác táng, bày ra đủ mọi trò từ chơi chim thú lạ đến xây dựng nhiều cung điện. Vua còn mở những cuộc thi uống rượu, ai thắng thì thăng chức. Những nhà giàu thì được triệu vào cung đánh bạc… Và khi vận nước bắt đầu suy yếu, dân chúng đói khổ điêu linh mà vua chẳng có kế sách gì thì giặc Chiêm Thành liền nhân cơ hội liên tục tấn công cướp phá. Thậm chí còn yêu sách bắt Đại Việt triều cống, dâng đất Hóa Châu.

Vận nước suy, triều thần ai nấy đều biết nhưng không dám lên tiếng can gián. Vốn bản tính cương ngạch, Tư nghiệp Quốc tử giám Chu Văn An đã quả cảm đứng lên dâng “Thất trảm sớ”. Đến nay, bảy tên đại thần hại vua, hại nước có trong danh sách sớ trảm của thầy Chu không biết là những ai?. Nguyên cớ do vua hay những đại thần có tên đã hủy bỏ bản sớ này?. Hay đơn giản là các sử thần đều run sợ không dám biên chép?. Hay thời đó xuất hiện nhiều nịnh thần gian ác mà người đời sau không rõ là ai?. Đến cuối thế kỷ 20, khi nghiên cứu các nguồn sử liệu và viết tác phẩm “Bão táp triều trần” nhà văn Hoàng Quốc Hải mạnh dạn đưa ra danh sách bảy tên đại thần đó là: Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức luôn bày trò để vua ăn chơi thác loạn với cung tần mỹ nữ vô độ; quan Ngự y Trâu Canh giết trẻ làm thuốc, xúi vua loạn luân; Chính chưởng phụng ngự Bùi Khoan, bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy; Văn Hiến Hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau và gây ra vụ án hãm hại Trần Quốc Chẩn; Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương và Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có; Đồng bình chương sự Đoàn Nhữ Cẩu, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi.

Thất trảm sớ bị chối từ, thầy Chu Văn An liền treo mũ ở cửa Huyền Vũ cáo quan. Tương truyền, khi thầy về quê, nhiều người trong họ và láng giềng sợ liên quan không dám gần gũi. Khi tuổi ngoại lục tuần, thầy Chu chọn núi Phượng Hoàng, nơi vùng đất thiêng Chí Linh ở ẩn. Vua nhiều lần ban tặng phẩm vật nhưng thầy đều từ chối hoặc nhận rồi cho người dân. Kết cục của việc không nghe lời can gián của trung thần, xử lý kẻ nịnh thần nham hiểm đã khiến vua Trần Dụ Tông u mê truyền ngôi cho Dương Nhật Lễ - một kẻ bạo ngược, may có Trần Phủ cùng các vị tông thất khởi binh trấn áp giành lại chứ không nhà trần đã diệt vong. Và chỉ nhân dịp đó, thầy Chu mới từ núi Phượng Hoàng về kinh chúc mừng và căn dặn những điều ngay thẳng về đạo trị nước.

Thấu hiểu thế thái, nhân tình, vui với thiên nhiên, lòng sáng, tuệ trong và đạt đạo, cuộc đời của thầy Chu Văn An thật ứng nghiệm với tên chữ Linh Triệt (thiêng liêng và thấu suốt) vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biểu tượng người thầy muôn đời: Tiết tháo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO