Bình đẳng

Hữu Nguyên 12/05/2017 08:35

Đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân là một trong những nội dung quan trọng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 5 mới đây. Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò và đóng góp to lớn của kinh tế tư nhân đối với mục tiêu “dân giàu nước mạnh”.

Có nhìn lại quá trình phát triển chông chênh, gập ghềnh của kinh tế tư nhân Việt Nam trong nhiều năm qua, mới có thể thấu hiểu được giá trị của lời khẳng định mạnh mẽ nói trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Kinh tế tư nhân từng một thời được xem là thành phần cần phải cải tạo, kiềm chế và ngăn cấm. Trong suốt 30 năm đổi mới vừa qua, vai trò của Chính phủ đối với nền kinh tế nói chung hầu như cũng chỉ tập trung “cởi trói” từng bước một cho kinh tế tư nhân.

Trong bối cảnh như vậy, kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn âm thầm phát triển, cứu nguy cho nền kinh tế trong nhiều giai đoạn khủng hoảng. Thống kê của Ban Kinh tế Trung ương gần đây cho biết số lượng các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng mạnh, năm 2002 chỉ có hơn 55.000 doanh nghiệp đã vượt lên con số hơn 495.000 năm 2015 với doanh thu tăng 4,4 lần.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm trong của nền kinh tế. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40% từ năm 2003 - 2015. Như vậy tỷ trọng đóng góp của kinh tế nhà nước vào GDP hiện không như trước mặc dù nhiều năm doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là nòng cốt của nền kinh tế với nhiều ưu đãi rất to lớn về nguồn lực cũng như về chính sách.

Ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN) bình luận: “Sự nghiệp kinh tế là của toàn dân thì kinh tế tư nhân phải là động lực chủ yếu, đảm bảo phát triển bền vững, tự chủ của Việt Nam. Còn vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi, làm trọng tài. Chính phủ kiến tạo là chính phủ không làm thay người dân và doanh nghiệp, mà tạo môi trường và khuyến khích huy động mọi nguồn lực trí tuệ của người dân để phát triển nền kinh tế. Chỉ khi nào sự nghiệp kinh tế là sự nghiệp của người dân, chỉ khi nào sự nghiệp kinh tế huy động được không chỉ nguồn lực tài chính, mà cả trí tuệ thì mới đạt mục tiêu”. Do vậy, không chỉ dừng lại ở chuyện “cởi trói”, từ bây giờ và những năm tới đây, Chính phủ cần kiến tạo, xây dựng những nền tảng cho khu vực kinh tế tư nhân thực sự phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn nữa.

Nhận định về sự thay đổi trong đánh giá về vai trò doanh nghiệp tư nhân, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: “Theo tôi bây giờ giới lãnh đạo đã nhận thấy rõ kinh tế tư nhân có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển. Trước đây người ta cứ dựa vào doanh nghiệp nhà nước và ưu đãi đầu tư nước ngoài. Thế nhưng đầu tư nước ngoài đâu có đến được vùng sâu vùng xa, rồi trên miền núi, nên phải dựa vào kinh tế tư nhân để tạo ra công ăn việc làm, sự chuyển biến trong kinh tế xã hội. Tôi hy vọng là sắp tới đây sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh để kinh tế tư nhân có thể phát triển và đóng góp một cách xứng đáng vào nền kinh tế Việt Nam”.

Từ Nghị quyết Đại hội Đảng đến Nghị quyết Trung ương 5 đều khẳng định vai trò kinh tế tư nhân. Điều đó phù hợp với kết quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Bởi doanh nghiệp tư nhân hy vọng sẽ có môi trường phát triển mạnh mẽ hơn, đóng vai trò thỏa đáng nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, sau những lời khẳng định này cần phải có sự chuyển biến tích cực của toàn bộ hệ thống, hiện thực hóa các chủ trương và đưa nghị quyết vào cuộc sống. Bởi nếu chỉ dừng lại ở nghị quyết, không có hành động quyết liệt, các cấp thi hành không tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực sự thì rất khó.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, điều quan trọng là cần thay đổi lại hệ thống chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhà nước, như trong lĩnh vực hầm mỏ, dầu khí, cao su... sang cho doanh nghiệp tư nhân. Cần tạo môi trường công bằng cho các tập đoàn tư nhân lớn lên, còn nếu để họ sợ lớn, không muốn lớn, hay lớn mà phải phạm tội, thì không ai muốn lớn cả. Giới chuyên gia cũng khuyến cáo, muốn cho khu vực kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển thì phải cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cải cách thật sự, bài bản, thực chất chứ không phải chỉ là hình thức, qua loa nặng phần trình diễn.

Để kinh tế tư nhân ở nước ta có điều kiện phát triển mạnh mẽ, cần tập trung giải quyết vấn đề bình đẳng thật sự giữa kinh tế tư nhân với kinh tế và doanh nghiệp nhà nước, giữa doanh nghiệp vốn trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và khởi nghiệp; luật pháp phải bảo vệ lâu dài quyền sở hữu tài sản cá nhân và sở hữu trí tuệ. Đặc biệt phải xây dựng cho bằng được bộ máy công quyền liêm chính, kiến tạo và phục vụ.

Bên cạnh đó, dứt khoát phải xóa bỏ cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực. Để đảm bảo an toàn trong kinh doanh thì phải cải cách hệ thống tư pháp và tòa án, tăng cường quyền hỗ trợ tư pháp cho doanh nghiệp tư nhân, để khi doanh nghiệp có tranh chấp thì họ sẽ nghĩ đến tòa án chứ không cần nghĩ đến quen ai, biết ai, chạy ai. Cần tăng quyền khởi kiện và vị thế của doanh nghiệp bình đẳng với các cơ quan công quyền.

Ngày nay kinh tế tư nhân không chỉ có tiếng nói quyết định đến sức mạnh kinh tế của hầu hết các quốc gia mà còn trở thành một lực lượng kinh tế có ý nghĩa chính trị toàn cầu. Sự giàu có và thịnh vượng của mỗi quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của toàn xã hội, đặc biệt là của giới lãnh đạo, đối với khu vực kinh tế trọng yếu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình đẳng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO