Bình đẳng là không cần ưu tiên

Thành Vĩnh 20/10/2017 08:05

Hôm nay, 20/10, Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ý nghĩa đúng đắn nhất của ngày này nên được hiểu giản dị là mốc son đánh dấu sự ra đời của tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Như vậy, trong điều kiện hiện nay, giai đoạn hiện nay, tổ chức Hội đang có vị trí như thế nào đối với phụ nữ và đối với sự phát triển chung của đất nước? Vai trò phản biện xã hội của Hội LHPN VN với tư cách là một đoàn thể xã hội, một thành viên quan trọng của MTTQ V

Phụ nữ ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong xã hội.

Nghị quyết về Phụ nữ vận động của Đảng, ra đời tháng 10/1930, là dấu mốc bắt đầu một trang sử của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội, mà ở đó nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu”. Với mục đích “mưu quyền cho phụ nữ, làm cho phụ nữ triệt để giải phóng”.

Chúng ta hiểu rằng, Hội phụ nữ vào thời điểm ra đời, là bởi yêu cầu của cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó bao gồm cả giải phóng phụ nữ. Như vậy, những tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và của tổ chức Hội, từ đó cho đến ngày nay, vừa riêng nhưng cũng vừa chung trong dòng chảy lịch sử của cách mạng, của xây dựng và phát triển đất nước.

Chúng ta không khó để liệt kê ra đây những “chỉ số” của phát triển, để chứng minh phụ nữ ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong xã hội.

Ví dụ như gần 50% các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tăng từ 20,8% năm 2009 lên 24,7% năm 2011. Hoặc tỷ lệ nữ giới là đại biểu Quốc hội giữ ở mức tương đối cao và Việt Nam được coi là một trong 5 nước đang phát triển ở Châu Á có đại diện nữ giới trong Quốc hội cao nhất…

Đối với tổ chức Hội cũng vậy, sẽ có nhiều con số thống kê về hoạt động đầy thuyết phục, cho những đóng góp của Hội trong những nỗ lực cải thiện đáng kể về bình đẳng giới và tỷ lệ phụ nữ tham chính, cũng như giúp phụ nữ thoát nghèo, bảo vệ phụ nữ yếu thế…

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận ra những khó khăn thách thức trong thời kỳ hiện nay đối với cả sự tiến bộ của phụ nữ, cả ở góc độ hoạt động Hội. Có rất nhiều vấn đề mới đang phát sinh đã tác động không nhỏ đến gia đình và đạo đức xã hội mà hoạt động Hội ngày nay khó “với” tới được.

Ví dụ có những miền quê giờ không còn phụ nữ đang tuổi lao động ở làng nữa, các cô gái thì kiếm việc làm dịch vụ, phụ nữ đứng tuổi đi làm ô sin, làm thuê, ở trọ… Ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động nữ đang ở độ tuổi thanh niên rất đông. Những chuyển dịch lao động trong xã hội này kéo theo việc phá vỡ kết cấu hoạt động của các đoàn thể xã hội.

Một mặt ở nông thôn, không còn người để sinh hoạt hội phụ nữ, đoàn thanh niên. Mặt khác, các đoàn thể này lại chưa thể “len” được vào các khu công nghiệp, khu chế xuất… Nữ thanh niên làm nghề dịch vụ ở quán ăn, nhà hàng, quán gội đầu, massage, karaoke… đương nhiên không “sinh hoạt hội”.

Phụ nữ lao động thời vụ tại các khu nhà trọ nhếch nhác tạm bợ đương nhiên không phải “hội viên” của phường… Có nghĩa là, hoạt động Hội, vai trò của Hội Phụ nữ thời nay không còn như thời chiến tranh, thời bao cấp với các phong trào vận động có thể huy động được hầu như tất cả phụ nữ tham gia.

Tất nhiên, phải hiểu rằng, xã hội ngày nay bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ bằng hệ thống pháp luật. Bình đẳng giới được thực thi khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đó vừa là mục tiêu của sự phát triển, vừa là yếu tố nâng cao khả năng tham gia đóng góp của phụ nữ chứ không đơn giản chỉ là mấy bà mấy chị làm công tác hội đến từng nhà tỉ tê, vận động như trước kia nữa.

Chính vì vậy, vai trò quan trọng của tổ chức Hội ngày nay là ở việc thể hiện tiếng nói của phụ nữ trong xã hội. Biểu hiện cụ thể ở đóng góp ý kiến vào cơ chế, chính sách, từ góc nhìn của một tổ chức đại diện cho một nửa lực lượng xã hội. Đây cũng là điều đã được hiến định trong Hiến pháp. Điều 9 Hiến pháp 2013 đã ghi rất rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong việc giám sát và phản biện xã hội, trong việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh.

Thay đổi phương thức hoạt động Hội cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc cần thiết. Trong đó, vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong xã hội không phải chỉ là những việc “tỉ mẩn” vốn trong mắt nhìn định kiến của xã hội, được coi là rất “đàn bà” như thi nấu ăn, cắm hoa…, mà phải có một vị thế cần thiết bằng tiếng nói mạnh mẽ trong rất nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Cũng như để bình đẳng giới thực sự mang tinh thần mà bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp 1946 - đã khẳng định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; thì phụ nữ và tổ chức Hội phải tự làm cho mình lớn lên, bằng sự bình đẳng trên mọi phương diện, không cần bất cứ sự ưu tiên chiếu cố nào. Mặt khác, cũng cần có cơ chế để mọi ý kiến từ phụ nữ và tổ chức Hội đối với các vấn đề trong xã hội đều phải được trân trọng lắng nghe.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình đẳng là không cần ưu tiên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO