Bình đẳng trong tiếp cận vốn

Thúy Hằng 23/04/2018 08:30

Các ngân hàng không được yêu cầu thêm thủ tục, nhưng ngược lại doanh nghiệp không thể yêu cầu ngân hàng cho vay ngoài quy định. Quan hệ hai bên hoàn toàn bình đẳng, giữa người cho vay và người đến vay vốn.

Bình đẳng trong tiếp cận vốn

Cần nỗ lực cải thiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DN.

Ông Nguyễn Du, Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng, dịch vụ và Lắp đặt Viễn thông cho biết, công ty của ông phải mất 2 năm mới được cấp hạn mức tín dụng, khiến DN mất nhiều cơ hội đầu tư và làm tăng chi phí. Do đó, ông Du kiến nghị, ngân hàng nên giảm thiểu thời gian phê duyệt phương án tín dụng cho DN. Ngoài ra, giảm bớt các thủ tục về phần cứng như giấy tờ, hồ sơ nhằm giảm chi phí và thời gian cho DN.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố Hà Nội nói, hạn chế về nguồn vốn cũng kéo theo nhiều vướng mắc khác về công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị... Khó khăn lớn nhất trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng là do thiếu tài sản thế chấp. Nhưng hiện nay, tình trạng này đã được cải thiện nhiều, tiếp cận vốn ngân hàng không còn khó khăn và vướng mắc như trước kia. Có được điều này phần lớn là nhờ những nỗ lực cải cách hành chính của ngành ngân hàng.

Ngoài ra, ông Mạc Quốc Anh cũng cho biết, nhiều tổ chức tín dụng có xu hướng ưu tiên hơn đối với những DN lớn, hoạt động ổn định. Còn đối với các DN nhỏ và vừa thì việc tiếp cận vốn đôi khi chịu thời gian thẩm định lâu hơn... Nguyên do cũng vì DN nhỏ và vừa thường có trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, trình độ lao động thấp, thông tin kém minh bạch, khả năng đáp ứng đủ điều kiện hồ sơ vay vốn ngân hàng còn hạn chế.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần có những nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khu vực DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.Dù đã có những thay đổi tích cực trong việc hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, song có một thực tế chỉ ra khó khăn vẫn còn. Giới chuyên gia cho rằng ngân hàng cần mở rộng sự đa dạng của tài sản thế chấp.

Theo khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, quan hệ tín dụng là bình đẳng giữa DN, hộ nông dân và ngân hàng. Các ngân hàng không được yêu cầu thêm thủ tục, nhưng ngược lại DN không thể yêu cầu ngân hàng cho vay ngoài quy định. Ông Tú cho rằng đi vay không hề khó khăn, quan hệ 2 bên hoàn toàn bình đẳng, giữa người cho vay và người đến vay vốn.

Để hỗ trợ DN, thời gian qua ngân hàng cũng đã tổ chức những buổi gặp gỡ, đối thoại để tìm điểm chung giữa ngân hàng và DN. DNNVV gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng mà nguyên nhân chủ yếu là do những vấn đề nội tại của chính DN như: Năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, phương án sản xuất kinh doanh; nợ phải trả tồn đọng lớn chưa có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó cũng do chính DN chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Bà Nguyễn Kim Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cũng cho biết chính Vietcombank cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc DN gặp khó khăn vay vốn khi không có tài sản đảm bảo. Và tài sản bảo đảm không phải là yếu tố điều kiện hàng đầu để ngân hàng cho vay. DN muốn vay vốn, trước hết là DN phải tạo được chữ tín, cho ngân hàng thấy được phương án quản trị kinh doanh của DN để đảm bảo an toàn cho ngân hàng khi cho vay vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình đẳng trong tiếp cận vốn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO