Bịt 'lỗ hổng' môi trường

Tuấn Việt 09/01/2017 22:24

Cần nâng cao năng lực quản lý, điều hành trong bối cảnh tình hình thiên tai bất thường, môi trường sống ngày càng nhiều hiểm họa- Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của ngành TN&MT, tổ chức tại Hà Nội, ngày 9/1.

Xử phạt vi phạm khai thác cát tại tỉnh Quảng Bình, để cho những dòng sông xanh trở lại. Ảnh: TL.

Suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của ngành TNMT. Đó là việc việc sử dụng các nguồn tài nguyên chưa hiệu quả, còn tình trạng lãng phí, nhất là trong quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Còn xảy ra tình trạng đất chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa tại nhiều địa phương.

Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp do đất đai phân tán manh mún. Đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả, để tranh chấp, lấn chiếm. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra ở nhiều địa phương gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước, ô nhiễm môi trường. Tài nguyên nước sử dụng lãng phí, thậm chí ở ngay cả những vùng khan hiếm nước.

Suy thoái tài nguyên, nhất là đất đai, nước, tài nguyên biển đang diễn ra nhanh dưới tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động sản xuất, sinh hoạt thiếu bền vững. Tình trạng sa mạc hóa ở các tỉnh Nam Trung Bộ. Sụt lún kết hợp với nước biển dâng làm ngập lụt Đồng bằng sông Cửu Long, lũ chồng lũ ở miền Trung… Tất cả là rất đáng lo ngại. Đây sẽ là những nguy cơ rất lớn đối với sự phát triển KT-XH ở Việt Nam”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương còn rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Vẫn còn một số lượng lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý. Tình trạng bùng phát các điểm nóng gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra bất thường.

Cùng đó là môi trường không khí, nước, đất, biển bị đe dọa. Diện tích các hệ sinh thái tự nhiên giảm mạnh, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái nhanh…. “Và con người sẽ phải lãnh chịu. Đây chính là những thách thức lớn đặt ra cho ngành TN&MT, cần có thêm các giải pháp trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn để giải quyết”.

Quang cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện nhiều địa phương cũng đã trao đổi những trở ngại đang phải đối mặt. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng hiện nay vấn đề nước biển dâng đã và đang rất phức tạp. Đâu sẽ là giải pháp ứng phó, vì kèm theo đó là các vấn đề thay đổi quy hoạch, xây dựng, đặc biệt là dân sinh. Hàng triệu người sẽ bị ảnh hưởng nên ngay từ lúc này cần những ứng phó kịp thời.

Cần môi trường sống ổn định, bền vững

Ông Hoàng Văn Thắng- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập đến mối quan hệ quản lý giữa ngành nông nghiệp và TNMT. Theo Thứ trưởng Thắng, nếu Bộ TN&MT làm tốt dự báo, Bộ NN-PTNT sẽ phòng chống tốt hơn. Ngoài ra, việc rà soát tốt các quy định chung giữa hai Bộ tiết giảm những “xung đột” phát sinh trong thực tiễn. Chung quy, tạo điều kiện cho công tác quản lý được chặt chẽ và liên thông…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, những vấn đề đặt ra trong Hội nghị sẽ được ngành TNMT quán triệt và thực hiện trong kế hoạch năm 2017, cụ thể nhìn thẳng vào những hạn chế về thể chế, chính sách, pháp luật, năng lực thực thi chính sách ở Trung ương, địa phương, xác định rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp đột phá để tạo bước chuyển mạnh mẽ, phát huy tối đa các nguồn lực TN&MT cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn lực tài nguyên đã được phát huy cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó riêng nguồn thu từ đất đai đóng góp 8,25% thu ngân sách nhà nước và 10,46% thu ngân sách nội địa. Thu từ khoáng sản đạt trên 5.500 tỷ đồng.

“Xác định những vấn đề thách thức từ thực tiễn địa phương, cơ sở và bàn các giải pháp để tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về TN&MT. Giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát của các ngành, các cấp để thanh tra, kiểm tra trở thành công cụ sắc bén phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực TN&MT… Đây là những nhiệm vụ cốt yếu trong thời gian tới”- Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận xét.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bên cạnh nhiều mặt đạt được vượt bậc trong thời gian qua, ngành TN&MT cần khắc phục sớm những tồn tại về bộ máy quản lý, giải quyết mối quan chồng chéo giữa các bộ ngành nảy sinh trong thực tiễn. Rà soát các văn bản pháp luật, bịt những “lỗ hổng” để tăng cường thêm nữa công tác quản lý tài nguyên đất, nước, biển, môi trường, khoáng sản. Thực hiện tốt công tác dự báo, để có thể làm chủ tình hình, ứng phó dù có là cực đoan thời tiết. Bên cạnh đó, không chỉ ngành môi trường, bất cứ dự án nào ảnh hưởng đến môi trường sống sẽ bị cấm bỏ.

“Xã hội phát triển, tồn tại, cần môi trường sống ổn định, bền vững. Giải quyết những câu hỏi vì sao ở mức nào chính là năng lực quản lý, điều hành của mỗi bộ, ngành. Nâng cao và khẳng định năng lực là định lượng cho sự phát triển của đất nước”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Năm 2016, ngành TN&MT đã tiến hành 1.816 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 60,86 tỷ đồng, thu hồi 5.348 ha đất và 59 tỷ đồng. Đã tổ chức tiếp gần 7.000 lượt công dân, tiếp nhận gần 11.500 lượt đơn thư (hơn 7.500 đủ điều kiện); có văn bản hướng dẫn hoặc chuyển cơ quan thẩm quyền giải quyết 5.600 đơn thư, đạt 75% số vụ việc thuộc thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bịt 'lỗ hổng' môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO