'Bịt' Ngã Tư Sở để giảm ùn tắc?

Lê Khánh 16/02/2022 09:09

Trước tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nặng nề tại nút Ngã Tư Sở (Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều ý kiến cho rằng nên bịt hướng lưu thông trực tiếp từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn để giảm tải…

Ùn tắc tăng nặng

Tháng 11/2020, đoạn tuyến Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần giảm tải cho giao thông trên tuyến đường Trường Chinh.

Tuy nhiên, do chưa đồng bộ toàn tuyến vì vậy lại phát sinh ùn tắc ở hai đầu nút giao Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở. Sở dĩ xuất hiện tình trạng này là do, khi thông đường trên cao, phương tiện di chuyển tại đây lưu thoát nhanh về phía hai đầu, gây ùn ứ cục bộ cho 2 nút giao và các tuyến đường kết nối.

Mặc dù, nút giao Ngã Tư Sở đã được tổ chức lại giao thông, cấm một chiều trực thông từ hướng Tây Sơn - Nguyễn Trãi, biến ngã tư thành ngã ba, nhưng tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài vẫn diễn ra trong giờ cao điểm.

Tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Trường Chinh ngày càng tăng mạnh.

Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết Online, chiều 15/2 tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, các phương tiện phải nhích từng chút trên tuyến đường Trường Chinh qua nút giao Ngã Tư Sở để di chuyển sang đường Láng. Không những thế, lượng phương tiện đi từ Nguyễn Trãi - Láng cũng rất đông đúc, vì vậy, nút giao Ngã Tư Sở vào giờ cao điểm luôn trong tình trạng ùn tắc, nhiều người khá chật vật mới có thể di chuyển qua.

Do đó, lượng phương tiện di chuyển ngày càng tăng đổ dồn vào nút giao Ngã Tư Sở, cho nên, tình trạng ùn tắc ngày càng diễn ra nghiêm trọng. Trong khi, nút giao này đang phải chịu áp lực nhiều hơn nhưng khả năng đáp ứng vẫn như cũ.

Anh Lê Văn Hiếu (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên phải di chuyển trên tuyến đường Trường Chinh - Láng để đi làm. Tuy nhiên, việc di chuyển bằng đường trên cao khá thuận lợi. Song, nếu xuống đường dưới thấp, muốn qua được nút giao đến đường Láng nhiều lúc phải mất khoảng 25 phút vào giờ cao điểm, thông thường từ 10 - 15 phút”.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho biết: “Tình trạng ùn tắc giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở hiện ngày càng tăng nặng do năng lực thông hành của tuyến đường Trường Chinh, cả trên cao và dưới thấp tăng đột biến. Trong thời gian gần đây lượng phương tiện đổ về nhanh hơn trong khi nút giao không được mở rộng, nâng cấp, do vậy, sẽ gây ùn tắc giao thông nặng nề hơn”.

Tìm lời giải...

Các chuyên gia cho rằng, việc tổ chức giao thông tại Ngã Tư Sở thời điểm này là không hề đơn giản. Hiện toàn tuyến vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy chưa được đầu tư mở rộng, muốn đồng bộ nốt đoạn cuối cùng này ít nhất cũng phải chờ từ 5-10 năm nữa.

Song, nếu không có phương án tổ chức giao thông đặc thù, đây sẽ là một trong những điểm “đen” ùn tắc giao thông kéo dài, nhức nhối của Hà Nội trong nhiều năm tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh hạ tầng chưa đồng bộ, mà Ngã Tư Sở đang nằm tại vị trí trọng điểm, giữa hai tuyến giao thông trọng yếu như: Vành đai 2, Quốc lộ 6 cho nên rất cần phương án tổ chức tối ưu cho nút giao này.

Người dân phải rất chật vật mới có thể di chuyển qua nút giao Ngã Tư Sở.

Đại diện Đội CSGT số 3, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết, ngay từ khi đoạn tuyến trên cao Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng được thông xe đưa vào hoạt động, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng diễn biến phức tạp, đơn vị đã kiến nghị, đề xuất với Sở GTVT Hà Nội xem xét phương án tổ chức lại giao thông.

Cụ thể, đề xuất bịt cả hai hướng đường trực thông Nguyễn Trãi đi Tây Sơn và ngược lại. Mở rộng 2 điểm quay đầu trên đường Trường Chinh và Láng để điều tiết các phương tiện theo hướng này đi vòng tránh nút giao. Chỉ cho phép các phương tiện đi thẳng từ Trường Chinh sang Láng và ngược lại. Phương án này sẽ giảm thiểu được xung đột giao thông tại Ngã Tư Sở, dễ dàng điều tiết, tháo gỡ hơn khi ùn tắc.

Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho hay, hiện phía đường Láng đã có điểm mở quay đầu, đang được sử dụng cho hướng Tây Sơn đi Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, do mặt đường Láng nhỏ, hẹp vì vậy vị trí này cần phải nghiên cứu kỹ, có hệ thống tín hiệu phù hợp để đảm bảo thông suốt, giảm ùn tắc giao thông.

“Hiện tuyến đường Trường Chinh đã được mở rộng, vì vậy việc cho xe quay đầu đã dễ dàng hơn trước rất nhiều. Ngoài ra, nếu cần thiết có thể phân luồng giao thông từ Nguyễn Trãi đi Trường Chinh - Tôn Thất Tùng để tránh ùn tắc. Do vậy, phương án bịt hướng lưu thông Nguyễn Trãi - Tây Sơn qua Ngã Tư Sở rất đáng để xem xét, nghiên cứu” - Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Bịt' Ngã Tư Sở để giảm ùn tắc?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO