Bờ bãi trôi tuột xuống lòng sông

Nguyễn Chung 07/07/2021 06:40

Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, gần 10 ha đất bãi bồi màu mỡ của bà con nhân dân xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị trôi tuột vào lòng sông Mã. Nguyên nhân chính vẫn là do tình trạng khai thác, nạo hút cát vô tội vạ gây ra. Trong khi người dân và chính quyền địa phương rơi vào tình cảnh bất lực thì ngành chức năng cấp tỉnh vẫn chưa có giải pháp nào mang tính hiệu quả, tích cực để “cứu” số diện tích đất bồi còn sót lại.

Lời khẩn cầu của dòng sông!

Ông Lê Văn Đáp – trú tại thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) dẫn tôi ra tận bờ tả ngạn sông Mã – nơi tình trạng sạt lở đất nông nghiệp của người dân đang diễn ra hết sức phức tạp. Quệt những giọt mồ hôi đang chảy thành dòng trên khuôn mặt đen xạm, ông Đáp nói như mếu: “Đấy chú xem, 5 sào đất màu, nguồn thu chính hàng năm của cả gia đình tôi đang dần biến mất theo từng đợt sóng. Cứ tình trạng này thì chỉ hết mùa mưa lũ năm nay, cả khu bãi bồi màu mỡ này sẽ chả còn lại gì!”.

Theo hướng ông Đáp chỉ, phía sát bờ sông là một chiếc biển báo lớn “Khu vực sạt lở nguy hiểm!”, để cảnh báo cho người dân đi làm đồng qua lại hàng ngày. Theo quan sát của chúng tôi: Phía dưới, bờ sông đã tạo thành những ta – luy dựng đứng, có nhiều đoạn tạo thành hàm ếch sâu hoắm, cắm sâu vào bờ. Từng khối đất bồi pha cát màu vàng óng đổ ụp xuống lòng sông rồi biến mất dưới những con sóng nhờ nhờ màu cà phê sữa. Chúng mang theo từng mảng màu xanh mơn mởn của lạc, ngô, vừng… đang vào kỳ đơm hoa, kết trái.

“Chỉ dăm năm về trước, mọi sinh hoạt của người dân trong làng đều gắn với dòng sông. Bây giờ mọi sự đã biến đổi quá nhanh, trâu bò không thể xuống sông uống nước vì bờ sông dựng đứng. Nhiều bữa đang làm cỏ ngô phải giật bắn người vì tiếng đất ầm ầm lở xuống sông.”- vợ ông Đáp nói chen vào câu chuyện.

Nguyên nhân chính vẫn là do tình trạng nạo hút cát rầm rộ trên đoạn sông Mã chảy qua xã. Để đối phó với nạn cát tặc, chính quyền cũng như người dân trong xã đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên cùng với sự buông lỏng quản lý, nạn khai thác cát vô tội vạ không những không thuyên giảm mà còn tăng lên. Hết cách, người dân tại hai thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa đành phải kêu gọi nhau ra bờ sông gác cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi có thuyền vào hút cát xâm phạm thì nồi, niêu, mâm, bát, xô, chậu… được bà con huy động ra để gõ, xua đuổi cát tặc. Thậm chí, có người còn dùng cả súng cao su ra bắn vào thuyền cát để xua đuổi.

Ông Đáp bức xúc: “Mỗi ngày có từ 5 – 7 thuyền cát hoạt động liên tục. Có lúc, cùng thời điểm có tới 15 thuyền cát ồ ạt vào cắm vòi xuống sát bờ bãi bồi để hút cát. Sau khi bị lực lượng chức năng “nhắc nhở”, chúng chuyển vào khai thác lúc rạng sáng. Mọi hoạt động xua đuổi của người dân đều không đem lại hiệu quả”.

Bất lực trước cát tặc?

Đem những bức xúc của người dân lên UBND xã Vĩnh Hòa để tìm hiểu, được biết: Toàn xã Vĩnh Hòa có 63 ha đất bãi bồi ven sông. Số diện tích đất màu này được giao khoán lại cho người dân tại 2 thôn: Giang Đông và Nghĩa Kỳ canh tác. Tuy nhiên, số diện tích này đang nhanh chóng bị thu hẹp lại do tình trạng sạt lở bờ sông gây ra.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nêu trên, ông Lê Văn Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết: Tình trạng sạt lở đất bãi bồi tại Vĩnh Hòa đã diễn ra từ khoảng gần chục năm nay. Đặc biệt là từ khoảng năm 2017 đến nay, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng do bãi bồi bị mất chân, dòng chảy bị thay đổi. Chỉ tính riêng từ năm 2019 trở lại đây, bãi bồi đã bị mất khoảng 30m chiều sâu và kéo dài hơn 2km.

Nói về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tuyên - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa cũng cho biết: Trước tình trạng sạt lở đất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân tại 2 thôn Giang Đông và Nghĩa Kỳ, trong quý IV, năm 2020, UBND huyện Vĩnh Lộc đã làm tờ trình xin được làm kè sạt lở tại khu vực phía tả ngạn sông Mã, đoạn chạy qua xã Vĩnh Hòa dài 2,1 km. Tuy nhiên, do không có đủ kinh phí nên khi lập và triển khai dự án, chủ đầu tư chỉ làm được 400 m, đoạn bị sạt lở nặng nhất, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng (trích từ hỗ trợ khẩn cấp phòng chống thiên tai của tỉnh).

“Đối với số diện tích sạt lở còn lại hiện nay, trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân, chúng tôi đã cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở nguy hiểm, đồng thời dùng máy múc bạt ta – luy, đóng cọc tre để hạn chế sạt lở trong mùa mưa bão năm nay. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế”- ông Tuyên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bờ bãi trôi tuột xuống lòng sông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO