Bỏ chứng chỉ, liệu có dễ?

Ngọc Hà 09/06/2021 08:05

Trước thông tin, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ, giảm quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của một số ngạch công chức, viên chức đã tạo ra những luồng ý kiến tích cực, đồng thuận của dư luận.

Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng việc này đụng chạm đến “lợi ích nhóm” của nhiều trường, nhiều cơ sở đào tạo nên không dễ thực hiện trơn tru.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh, đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu viên chức và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, để một mặt vừa giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn.

Thực tế những năm qua, câu chuyện chứng chỉ đã khiến cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức ngán ngại bởi để có được những chứng chỉ theo quy định thì họ phải bỏ ra một số tiền lớn và mất rất nhiều thời gian.

Nhìn con số mà Bộ Nội vụ đề xuất bỏ, giảm sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới thấy gánh nặng đến chừng nào: Đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Những con số ấy cho thấy nhiều năm qua những loại chứng chỉ này đã tạo ra áp lực rất lớn cho cán bộ, công chức, viên chức. Và điều đó cũng cho thấy lợi nhuận đối với những cơ sở được phép đào tạo, cấp chứng chỉ là rất lớn.

Học thật, thi thật, nhân tài thật là những gì mà xã hội đã bàn luận suốt bấy lâu này. Với riêng ngành Giáo dục - Đào tạo, trong câu chuyện này phải là nơi đi tiên phong thì mới mong xoay chuyển được tình hình.

Ông Nguyễn Kim Sơn sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đã trăn trở: “Học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức, tạo ra năng lực thực, tức những gì mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học”.

Nhưng, như đã nói, “rừng” chứng chỉ đem đến lợi nhuận cho nhiều cơ sở đào tạo và còn hơn thế nữa là khi xét tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm. Do đó, vẫn cần sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, để không nơi nào có thể nhu nhơ được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ chứng chỉ, liệu có dễ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO