Bộ Công thương: Đồng ý bãi bỏ Thông tư 20 nếu...

Minh Phương 22/08/2016 09:10

Bộ Công thương mới đây đã có báo cáo gửi Chính phủ nêu ra những kiến nghị về Thông tư 20 – một chính sách cho ngành ô tô gây nhiều tranh cãi suốt thời gian qua. Theo đó, Bộ Công thương vẫn bảo vệ quan điểm: Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014, và Bộ này chỉ đồng ý bỏ Thông tư 20 khi có một chính sách tương đương thay thế.

Thông tư 20 khiến các doanh nghiệp ngành ô tô “dở sống dở chết”.

Chỉ bỏ Thông tư 20 khi có Thông tư khác thay thế

Như Đại Đoàn Kết đã đưa tin, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công thương khẳng định: Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh nên không phải tự động bãi bỏ theo quy định của Luật Đầu tư 2014.

Tuy nhiên, vì chưa phải là giải pháp toàn diện nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông (Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi của NTD của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước… - báo cáo của Bộ Công thương phân tích).

Bởi vậy, tại báo cáo lên Chính phủ, Bộ Công thương vẫn bảo vệ quan điểm rằng: Không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô” khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014. Bên cạnh đó, mặc dù chấp thuận bãi bỏ Thông tư 20 nhưng Bộ này đưa ra điều kiện rằng, chỉ khi có một chính sách khác tương đương Thông tư 20 do Bộ Giao thông vận tải ban hành (áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam) chính thức có hiệu lực.

Nói như vậy có nghĩa, Bộ Công thương vẫn tiếp tục muốn giữ Thông tư 20 khi chưa có một Thông tư khác tương tự thay thế. Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Công thương vẫn “khăng khăng” Thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh và “đá quả bóng” sang cho Bộ Giao thông vận tải là hết sức bất hợp lý, có phần “bảo thủ”.

Vì theo khẳng định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), quy định tại Thông tư 20 rõ ràng có tính chất là một điều kiện kinh doanh chứ không chỉ là thủ tục hành chính, vì đã trao quyền cho một số DN nhất định đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các DN khác thì không được.

Theo đó, chỉ có một số doanh nghiệp đáp ứng điều kiện (có giấy uỷ quyền chính hãng) thì được kinh doanh nhập khẩu ô tô còn chủ thế khác thì không và điều kiện có giấy uỷ quyền chính hãng này tác động trực tiếp tới thương quyền, quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh kinh doanh ô tô cho rằng, việc đưa ra những quy định tại Thông tư 20 chỉ nhằm phục vụ cho một nhóm DN lớn mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng cũng như các DN vừa và nhỏ.

Bảo đảm quyền lợi cho ai?

Dư luận đặt câu hỏi: Kể cả khi có một chính sách khác tương đương Thông tư 20 được ban hành (từ Bộ Giao thông vận tải) thì hình hình có khác đi hay không? Hay vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”? Bởi trước thời điểm Bộ Công thương có bản báo cáo cụ thể về Thông tư 20 lên Chính phủ thì phía Bộ Giao thông vận tải cũng đã cho xây dựng một chính sách không khác gì Thông tư 20, nhằm vào việc hạn chế nhập khẩu xe chính hãng.

Theo đó, dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, do Bộ GTVT soạn thảo, trong phần hố sơ đăng ký kiểm tra xe, có quy định xe cơ giới nhập khẩu phải nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

Và theo nhận định của các DN kinh doanh ô tô, quy định này không khác gì đánh đố DN và người tiêu dùng còn khó được sử dụng xe chính hãng hơn là đối với những quy định trong Thông tư 20.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh: Khi các DN nhập khẩu xe chính hãng là họ đã phải tuân thủ các quy định về yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, đảm bảo mọi yếu tố theo tiêu chuẩn, quy định của cơ quan đăng kiểm đưa ra thì mới được nhập khẩu.

Vì vậy, Thông tư 20 của Bộ Công thương hay dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ GTVT dường như chỉ nhằm mục đích gây khó dễ cho một bộ phận DN chứ không hề mang tính chất bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay đảm bảo an toàn giao thông như lập luận của nhà quản lý đưa ra.

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong các hội nghị gần đây, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh cần tạo môi trường tốt nhất cho DN, cần tạo hành lang đủ rộng cho DN hoạt động. Bởi vậy, GS. Mại cho rằng, nhà quản lý khi xây dựng chính sách gì cần quan tâm tới các loại lợi ích, chứ không nên tập trung cho một lợi ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Công thương: Đồng ý bãi bỏ Thông tư 20 nếu...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO