Bộ Giáo dục phải công khai việc xét chuẩn GS, PGS

Nguyên Khánh 28/03/2018 10:03

“Thủ tướng không đi vào chi tiết, đừng đổ trách nhiệm cho Thủ tướng, Bộ phải giải quyết vấn đề này và công khai minh bạch chuyện đó để đánh giá cho đúng vấn đề”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về chuyện công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư mà dư luận quan tâm thời gian qua.

Bộ Giáo dục phải công khai việc xét chuẩn GS, PGS

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc kiểm tra.

Sáng nay 28/3, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã có cuộc kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Thủ tướng giao tại Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT).

Tại cuộc kiểm tra Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã chuyển tới Bộ GD-ĐT 5 nhiệm vụ của Thủ tướng, đây là những vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất, Bộ GD-ĐT nêu vấn đề tổ hợp lạ, tổ hợp đề trong tuyển sinh. “Vấn đề này xảy ra là do chúng ta đang giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Các nhóm vấn đề liên quan kĩ thuật, tài chính ngân hàng, văn sử địa dư luận phản ánh rằng có khác trước đây. Chúng ta phải xem xét kỹ vấn đề này”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, tuyển sinh phải tránh việc lấy tăng số lượng học sinh, nhưng chất lượng không đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ khi mà cả xã hội đang đẩy mạnh cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai, vấn đề biên chế giáo viên, sự kiện 500 giáo viên hợp đồng sắp mất việc ở Đắk Lắk, nhiều giáo viên hợp đồng cả 10 ở nhiều nơi, lương thấp nhưng người ta kỳ vọng gì đó vẫn bám trụ. Tất nhiên vấn đề này không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của Bộ, nhưng Bộ phải có kiểm soát chung thế nào?

Theo ông Mai Tiến Dũng vấn đề tuyển giáo viên thực sự là câu chuyện nói lại. “khi tôi ở Hà Nam, nhiều sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nam xin đi làm công nhân mà không dám ghi mình có bằng tốt nghiệp cao đẳng mới thấy câu chuyện khủng hoảng thừa trong đào tạo giáo viên thế nào”, ông Mai Tiến Dũng nói. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đào tạo phải có định hướng, để tránh lợi dụng cơ chế tự chủ để tuyển sinh thừa.

Thứ ba, vấn đề đạo đức, phẩm chất nhà giáo, vấn đề chạy điểm, chạy trường, ép học sinh học thêm đã và đang gây bức xúc trong dư luận. Có sự xúc phạm, hành hung giáo viên liên tục xảy ra. Phải truy rõ nguyên nhân tại sao? Bộ GD-ĐT phải có thái độ, lên tiếng thế nào đó để chấm dứt tình trạng này. Không thể để tình trạng buồn như việc học sinh lớp 8 lên bục giảng bóp cổ thầy. Phụ huynh bắt giáo viên quỳ. Từ cổ xưa không bao giờ có tình trạng như vậy dù trước đây giáo dục rất khắt khe. Vậy tại sao nghề giáo là nghề cao quý trong các nghề cao quý mà tại sao lại có chuyện coi thường nhà giáo như vậy?

Thứ tư, dư luận quan tâm công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Có 1.226 ứng viên, trong đó 94 ứng viên do có đơn thư Hội đồng chưa xem xét. Chưa xem xét không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng mà do Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, Bộ Giáo dục-Đào tạo quyết. Muốn xem xét các ứng viên này có đủ điều kiện chức danh giáo sư, phó giáo sư hay không chúng ta bám vào tiêu chí, nguyên tắc để thực hiện cho nghiêm. “Thủ tướng không đi vào chi tiết, đừng đổ trách nhiệm cho Thủ tướng, Bộ phải giải quyết vấn đề này và công khai minh bạch chuyện đó để đánh giá cho đúng vấn đề”.

Thứ năm, sau khi Thủ tướng làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các trường khác rất mong muốn xây trường thương hiệu mang tính nổi trội nhất, xứng tầm trong khu vực và quốc tế. Thế nhưng kể cả công tác giải phóng mặt bằng đến nay Thủ tướng vẫn chưa nhận được thông tin. Phải đẩy nhanh tiến độ, có cơ chế thúc đẩy thu hút đầu tư tạo ra trường đại học hình mẫu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Giáo dục phải công khai việc xét chuẩn GS, PGS

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO