Bộ Giao thông: Các dự án đường sắt đô thị phải điều chỉnh vốn đầu tư

Theo Vietnamplus 27/03/2019 09:53

Các dự án công trình trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn gấp 2-3 lần như dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Giao thông: Các dự án đường sắt đô thị phải điều chỉnh vốn đầu tư

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và chuẩn bị được đưa vào khai thác thương mại từ tháng Tư. (Ảnh: Vietnam+).

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hầu hết các dự án đường sắt đô thị hiện nay đang thực hiện đều phải điều chỉnh lại dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để xem xét, quyết định.

Đây là nội dung được Bộ Giao thông Vận tải mới đây có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng liên quan đến việc nhiều năm qua các dự án công trình trọng điểm chậm tiến độ, đội vốn gấp 2-3 lần như dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, một số dự án đường bộ Bắc-Nam được nâng cấp mới nghiệm thu hoặc chưa nghiệm thu đã hư hỏng…

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đối với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn trong việc kiểm soát kỹ thuật, công nghệ.

Hơn nữa, nhiều hạng mục công trình không có trong quy trình, quy phạm của Việt Nam nên phải xin thỏa thuận của các Bộ, ngành để sử dụng quy trình, công nghệ đường sắt đô thị của các nước tài trợ cho dự án. Các quy định về hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị giữa Việt Nam và các nước tài trợ cũng có nhiều khác biệt, nên Bộ Giao thông Vận tải phải rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Mặt khác, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, quá trình thực hiện dự án do nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình đã phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, công tác giải phóng mặt bằng trong các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rất phức tạp và thường kéo dài cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của dự án.

“Do các nguyên nhân nêu trên nên hầu hết các dự án đường sắt đô thị hiện nay đang thực hiện đều phải điều chỉnh lại dự án và điều chỉnh tổng mức đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội để xem xét, quyết định,” văn bản trả lời của Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

Đối với các dự án đang triển khai và chuẩn bị triển khai, trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan đến tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, tiến độ các dự án, nâng cao các giải pháp kỹ thuật-công nghệ, vật liệu và thiết bị đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông và các dự án trọng điểm quốc gia khác.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát, kiểm tra đối với các dự án, công trình trọng, điểm ngành giao thông vận tải, đồng thời nâng cao công tác truyền thông, thông tin đến xã hội, người dân được biết về tình hình thực hiện dự án để có được sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc tham gia giám sát, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo quản lý tốt tiến độ, chất lượng và giá thành công trình.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm định, Bộ Giao thông Vận tải đã phát hiện những sai phạm và có những biện pháp xử lý thích đáng, công khai trước dư luận. Cụ thể, từ năm 2015.đến nay đã kiểm điểm, phê bình 138 trường hợp do có vi phạm về tiến độ, chất lượng công trình giao thông (trong đó 64 trường hợp nhà thầu thi công; 25 trường hợp tư vấn thiết kế; 28 trường hợp tư vấn giám sát và 21 trường họp các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư/nhà đầu tư).

Cũng bắt đầu từ năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải hàng năm đều công bố bảng đánh giá và xếp hạng đối với các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án căn cứ trên kết quả thực hiện năm trước đó. Kết quả đánh giá xếp hạng đánh giá đúng thực trạng của đơn vị, được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đã có tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, đặc biệt là người đúng đầu các đơn vị trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Giao thông: Các dự án đường sắt đô thị phải điều chỉnh vốn đầu tư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO