Bộ GTVT ‘hứa’ không đội vốn GPMB sân bay Long Thành

M. Loan - A. Tú 08/06/2017 12:54

Bộ GTVT khẳng định tổng mức khái toán trên 23 ngàn tỷ đồng cho thu hồi đất, giải phóng mặt bằng Dự án sân bay Long Thành là cơ bản phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và dự phòng cho các phát sinh. Vốn giải phóng mặt bằng chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước thềm phiên thảo luận toàn thể chiều 8/6 của Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án sân bay Long Thành, sáng 8/6, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã gửi đến các vị đại biểu báo cáo giải trình nhiều vấn đề đại biểu còn băn khoăn.

Giải phóng mặt bằng là một bước thực hiện Nghị quyết 94

Một trong những vấn đề được đại biểu đặt ra là cần đánh giá rủi ro trong trường hợp Quốc hội không thông qua nghiên cứu khả thi dự án này, sau khi thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng.

Bộ GTVT cho biết, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cuả dự án đã được Quốc hội khoá 13 thông qua tại Nghị quyết 94 đã khẳng định sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả kinh tế xã hội của dự án sân bay Long Thành.

Việc Chính phủ đề nghị tách công tác giải phóng mặt bằng chỉ là một bước để thực hiện Nghị quyết 94. Tại các bước tiếp theo, Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua nội dung dự án đầu tư bao gồm dự án thành phần thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tất cả các giai đoạn dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời theo định kỳ, Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát tình hình triển khai dự án.

Tờ trình cũng nêu rõ sự cần thiết của việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư thành dự án thành phần, nhất là tránh việc tăng chi phí giải phóng mặt bằng do giá đất khu vực dự án liên tục tăng.

Đồng thời, với phần diện tích đất giải phóng mặt bằng, trong quá trình chờ xây dựng sân bay, Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các giải pháp để sử dụng và khai thác có hiệu quả đất khu vực dự án.

Vốn giải phóng mặt bằng từ ngân sách Nhà nước

Về khoản vốn cho giải phóng mặt bằng từ 18 ngàn tỷ tăng lên 23 ngàn tỷ, báo cáo giải trình cho biết, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chưa có thông báo thu hồi đất nên kinh phí mới ở mức khái toán. Và tăng bởi biến động giá đất từ 2015 - 2017, tăng 1.843 tỷ.

Áp dụng theo khung chính sách và một số cơ chế đặc thù trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng 2.032 tỷ.

Các chi phí khác như kinh phí tổ chức thực hiện và dự phòng... được tính theo tỷ lệ tăng 470 đồng.

Đối với băn khoăn kinh phí giải phóng mặt bằng có tiếp tục phát sinh nữa hay không, Bộ GTVT cũng khẳng định tổng mức khái toán trên 23 ngàn tỷ đồng là cơ bản phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và dự phòng cho các phát sinh.

Vốn trung hạn mới bố trí 5.000 tỷ đồng, vậy phương án huy động và sử dụng nguồn vốn còn thiếu như thế nào cũng là vấn đề đại biểu yêu cầu làm rõ.

Vốn giải phóng mặt bằng chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước - Bộ GTVT khẳng định.

Thông tin từ báo cáo là một phần vốn này cũng có thể hoàn trả dần cho ngân sách nhà nước từ việc cho thuê quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình thương mại và dịch vụ với ước tính khoảng 4.000 tỷ đồng. Thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư và khai thác kinh doanh quỹ đất tái định cư ước tính khoảng 4.000 tỷ.

"Đặc biệt, sau khi phương án giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng cụ thể, sẽ xác định được tổng kinh phí chính thức làm căn cứ để Thủ tướng tiếp tục báo cáo Quốc hội việc xem xét, cân đối, bổ sung và bố trí vốn cho dự án” - Bộ GTVT nêu trong báo cáo giải trình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ GTVT ‘hứa’ không đội vốn GPMB sân bay Long Thành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO