Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả là lãng phí

Việt Thắng (thực hiện) 24/04/2017 08:00

Chính phủ vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2016. Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Đức Thụ - Phó Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH cho rằng: Việc quản lý sử dụng ngân sách vẫn còn nhiều khoản chi chưa hiệu quả. Biểu hiện rõ nhất là chi thường xuyên, trong đó chi cho bộ máy hành chính quá lớn, cồng kềnh chiếm 68% tổng chi thường xuyên. Một số hoạt động chi thường xuyên còn lãng phí, không tiết kiệm, không đúng quy định.

Ông Bùi Đức Thụ.

PV: Thưa ông, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Ông nhận định sao về việc trong năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng dịp thành lập tỉnh; hay việc in ấn Kỷ niệm chương Tập đoàn Than - Khoáng sản yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua, gây lãng phí và tốn kém?

Ông Bùi Đức Thụ: Hiện nay ngân sách của ta đang có nhiều áp lực, như áp lực trả nợ lớn, nợ công tăng cao, nợ công đã lên đến mức sát trần đe dọa an ninh tài chính quốc gia. Vì vậy quản lý sử dụng ngân sách một cách có hiệu quả, giảm bội chi ngân sách đang là vấn đề bức thiết.

Nhận thức rõ việc đó nên Quốc hội rất quan tâm, đặt ra vấn đề giảm bội chi, giảm nợ công, tăng chi trả nợ gắn liền với việc quản lý sử dụng có hiệu quả là nhiệm vụ trọng tâm.

Thời gian qua, Quốc hội ban hành nhiều luật, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định chỉ đạo quản lý sử dụng ngân sách nhà nước trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả đúng với quy định pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ định mức.

Tuy nhiên việc quản lý sử dụng ngân sách vẫn còn nhiều khoản chi chưa có hiệu quả. Biểu hiện rõ nhất là chi thường xuyên, trong đó chi cho bộ máy hành chính quá lớn, cồng kềnh chiếm 68% tổng chi thường xuyên.

Một số hoạt động chi trong chi thường xuyên còn lãng phí như lễ hội, mua sắm còn lãng phí như vừa qua chi để kỷ niệm tái lập tỉnh riêng quà chi đã 65 tỷ đồng, hay vài chục tỷ là biểu hiện không tiết kiệm và không đúng quy định.

Chi đầu tư dù đã có Luật Quản lý đầu tư công, quản lý kế hoạch đầu tư đã siết lại nhưng nhiều dự án đầu tư ở giai đoạn trước nhưng quản lý của ta chưa tốt nên bây giờ dẫn đến nhiều dự án 5.000-7.000 tỷ đồng thua lỗ, đắp chiếu, gây lên áp lực với trả nợ công.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo 12 dự án trọng điểm để có phương án xử lý cho phù hợp. Điều đó cho thấy quản lý tài chính ngân sách tuy có sự chuyển biến nhưng tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, không hợp lý vẫn còn tồn tại tương đối phổ biến. Do đó phải cải cách hành chính, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, phương tiện của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước vẫn còn lãng phí, kể cả việc sử dụng xe công. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Về mặt pháp luật, đối tượng được sử dụng xe công là người có phụ cấp trách nhiệm từ 1,25 trở lên mới được bố trí xe. Hay tiêu chuẩn mua xe được quy định rõ từng cấp, ngoài xe đưa đón thì trong từng cơ quan có xe phục vụ chung, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, quy mô đều có định mức quy định đối với cơ quan nào được bố trí bao nhiêu xe.

Nhưng trên thực tế tình trạng sử dụng vượt tiêu chuẩn, đối tượng chế độ định mức vẫn tồn tại ở một số bộ ngành địa phương. Điển hình là định mức với xe khoảng trên 1 tỷ đồng nhưng có nhiều lãnh đạo địa phương đi xe giá trị lớn hơn quy định.

Điều này do nhiều nguyên nhân, cũng có nguyên nhân quản lý không chặt chẽ dẫn đến sử dụng tiền ngân sách mua xe vượt tiêu chuẩn, cũng có “lách” quy định bằng việc mua xe đúng bằng giá tiêu chuẩn nhưng giảm bớt một số thiết bị phụ tùng, sau khi mua về quyết toán đúng quy chuẩn rồi lại bổ sung thêm.

Cho nên giá trị thực của xe vượt so với tiêu chuẩn. Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đã bàn việc ra Nghị quyết đẩy mạnh khoán kinh phí hoạt động, đặc biệt là khoán xe công đã triển khai thí điểm nhiều năm nhưng hiện tại áp dụng quá chậm. Do đó cần rà soát, tổng kết đánh giá lại để hoàn thiện cơ chế khoán xe công.

Cơ chế hiện tại mới mang tính chất bình quân, khoán 1 loại mức tiền là không ổn mà nên quy định khoảng cách của lãnh đạo được bố trí xe đến nơi làm việc như cách làm của Bộ Tài chính.

Thứ hai định mức cũng nên có sự điều chỉnh theo sự tăng giảm của giá xăng và thực trạng giao thông. Nếu khoán ở mức 5-7 triệu đồng có thể họ nhận nhưng 1 thời gian sau áp lực giao thông tăng, ách tắc nhiều nên mức khoán 5-7 triệu đồng không đủ nên họ không nhận khoán dẫn đến cơ chế không ổn định, luôn bị phá vỡ. Do đó thực tiễn nên có đề án xây dựng cơ chế khoán xe công phù hợp với tình hình thực tiễn và công khai để mọi người có ý kiến.

Như ông đề cập, hiện chi cho bộ máy hành chính đang quá lớn khi ngân sách đang khó khăn. Do đó nếu chúng ta chậm trễ trong tinh giản biên chế thì cũng dẫn đến lãng phí?

- Đây là vấn đề lớn đặt ra trong nhiều năm nay, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 39 rút gọn đầu mối, sáp nhập các bộ ngành, sở ngành để tinh giảm đầu mối. Hiện biên chế đối với cán bộ cấp huyện trở lên đã lên đến 3,7-3,8 triệu người.

Đó mới chỉ là một mặt, còn chưa tính đến đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đổ xuống, tức là cấp xã, thôn, bản khoảng 3,5-3,6 triệu người cán bộ chuyên trách và không chuyên trách; chưa kể đến cán bộ hưu trí và những người có công với cách mạng được hưởng chế độ chính sách mà ngân sách nhà nước phải chi trả lương.

Cho nên số được ngân sách trả lương rất lớn lên đến 8-9 triệu người. Vấn đề đặt ra để tiết kiệm ngân sách, sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả thì vấn đề giảm đầu mối, bộ máy và tinh giản biên chế là chủ trương lớn và quá bức xúc trong điều kiện ngân sách 68% dành cho chi thường xuyên, nếu chi trả đúng các khoản đến hạn kể cả nợ gốc và lãi là 28-29% chi ngân sách thì không còn tiền để đầu tư phát triển. Do vậy khi đang cân đối khó khăn cần tiết kiệm, nhiệm vụ cấp bách trọng tâm là tinh giản biên chế, gọn nhẹ tổ chức bộ máy.

Vậy theo ông để tinh giản biên chế được diễn ra nhanh chóng thì cần cơ chế nào?

- Tôi ví dụ: tinh giản biên chế không khéo, người giỏi có năng lực lại chạy ra ngoài, người cần giảm lại không giảm là vấn đề đang được đặt ra. Hiện mới giảm người đến tuổi về hưu, đối tượng giảm thế nào nhưng phải đảm bảo chất lượng đội ngũ cán bộ công vụ chứ không phải giảm kiểu “đếm đầu” cho nên cần có cơ chế chính sách điều hành cho linh hoạt, không chỉ trông chờ người về hưu, mà nhiều người đủ năm đóng bảo hiểm nhưng tuổi công tác chưa đủ cũng cần có cơ chế chính sách nếu như họ có nhu cầu muốn về sớm. Cho nên cần có sự hỗ trợ về ngân sách để họ có thể không tham gia bộ máy công quyền nữa.

Ông nghĩ sao khi chất lượng nguồn nhân lực đóng một vai trò quan trọng, nếu không biết sử dụng người tài thì cũng là lãng phí nguồn lực của đất nước?

- Đúng vậy, do đó việc tuyển dụng phải lấy chất lượng làm hàng đầu, thi tuyển công khai tránh việc như vừa qua “con ông cháu cha vào nhiều” mà chất lượng kém. Ngoài ra cần phân cấp phân quyền trong tuyển dụng cán bộ công chức.

Vừa qua công chức ta quản lý chặt nhưng viên chức phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Chúng ta bịt cửa công chức nhưng cửa viên chức lại tăng quá nhanh dẫn đến không ổn.

Do đó viên chức cần phân lại cho rõ cho dễ tinh giản, người hoạt động trong đơn vị sự nghiệp gắn với nhiệm vụ của nhà nước như giáo dục, y tế thì cần có tỷ lệ nhất định, còn lại là xã hội hóa các trường đại học và trường nghề, cái gì xã hội hóa được thì nên xã hội hóa chứ nhà nước không nên ôm.

Căn cứ vào chỉ tiêu, thi tuyển công khai để tránh người không đủ năng lực, con ông cháu cha, đẩy mạnh tuyển chọn người tài. Nếu làm được như vậy quy mô cán bộ công chức viên chức sẽ giảm lớn và chức năng quản lý nhà nước với đội ngũ này sẽ giảm, quản lý không phức tạp nữa, và bộ máy sẽ hiệu quả hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả là lãng phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO