Bộ máy khỏe sẽ vận hành tốt

H.Vũ (thực hiện) 27/11/2017 08:05

Thời gian qua các bộ, ngành đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, song doanh nghiệp cho rằng vẫn còn những phiền hà. Trao đổi với ĐĐK, ông Trần Hoàng Ngân- ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Quan trọng vẫn là con người vì nếu có cắt giảm các thủ tục hành chính, thủ tục ít hơn nhưng con người chậm vẫn gây ra tắc nghẽn. Do đó cần làm tốt hơn nữa công tác đánh giá cán bộ. Phải kiên quyết sa thải, loại bỏ những cán bộ hành doanh nghiệp.


Ông Trần Hoàng Ngân.

PV: Thời gian qua, các bộ, ngành đã cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, như vừa rồi Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh. Vậy việc cắt, giảm đã thực sự tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển hay chưa, thưa ông?

Ông Trần Hoàng Ngân: Khi đưa ra các thủ tục, tức là các cơ quan nhà nước đã suy nghĩ tại sao cần những thủ tục đó rồi. Cho nên cắt giảm cũng hết sức lưu ý khi đã cắt rồi thì không nên quay lại. Ví dụ để thành lập một doanh nghiệp có khâu lý lịch tư pháp của chủ doanh nghiệp, trước đây không có khâu này cho nên có việc chủ doanh nghiệp đang dính vào một số vụ án, hay phải có địa điểm kinh doanh nhưng khi thành lập doanh nghiệp không có địa điểm nên cơ quan chức năng đến thu thuế không thấy. Vì thế hậu kiểm rất cần thiết. Ở các nước điều kiện kinh doanh của họ rất chặt chẽ, ví dụ muốn mở một shop kinh doanh nhà hàng phải có chỗ để xe. Đó chính là những điều kiện ràng buộc đi theo.

Cho nên vấn đề là thuận lợi minh bạch về điều kiện, về thời gian giải quyết nhanh - đó mới là điều quan trọng. Tuy nhiên cái cần thì phải giữ, chứ nếu không tán loạn hết. Ví như doanh nghiệp làm ăn mà trốn thuế nợ thuế không biết ở đâu để thu thuế. Hay chủ doanh nghiệp lừa đảo đến lúc tìm ra không phải chủ mà chỉ là lái xe ôm được nhờ đứng tên; cửa hàng để số nhà nhưng đến kiểm tra không đúng số nhà đó. Nói vậy để thấy một số điều kiện cần phải giữ lại và phải kiểm tra hết sức chặt chẽ.

Bên cạnh đó, chính nhờ sự quyết tâm rất lớn trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh mà năng lực cạnh tranh của chúng ta đang ở hạng 55, còn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là hạng 68, tức là đã có sự bứt phá rất lớn, và đó là đánh giá của thế giới cho Việt Nam.

Ông nghĩ sao khi dù đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng doanh nghiệp vẫn than phiền?

- Thực ra những than phiền đó cứ lặp đi lặp lại. Đó là những cái cũ. Giờ cần phải xem những cái nào là than phiền mới. Cho nên mới nói, phải giải quyết vấn đề nhân sự là con người phục vụ. Phải kiên quyết sa thải, loại bỏ những cán bộ hành doanh nghiệp.

Vậy theo ông đâu là những đột phá của nền kinh tế trong giai đoạn qua?

- Đột phá lớn nhất của chúng ta vẫn là thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ phát triển thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Khi bấm nút thông qua dự án đường cao tốc Bắc - Nam nghĩa là chúng ta đã đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường bộ góp phần làm giảm chi phí, lưu thông hàng hóa, góp phần tạo nên sức bật mới trong kết cấu hạ tầng. Với nguồn nhân lực, khi chúng ta trả lương cho người lao động tương thích với hiệu quả, năng suất lao động sẽ tạo ra một nguồn nhân lực mới với trình độ công nghệ trí tuệ cao. Đặc biệt Chính phủ, sau 2 năm của nhiệm kỳ này đã có nhiều bài học kinh nghiệm để điều hành Chính phủ minh bạch, kiến tạo nhịp nhàng hơn nữa; hy vọng sẽ đóng góp vào trong tăng yếu tố năng suất tổng hợp TFP. Đó chính là yếu tố quan trọng thay vì vấn đề tăng về vốn.

Năm 2017 vốn giải ngân chậm, nhưng kinh tế vẫn tăng trưởng, đó chính là do yếu tố năng suất tổng hợp ở quản trị điều hành của Chính phủ, tinh thần làm việc của toàn bộ cán bộ. Các tư lệnh ngành khi có “điểm nóng” là xuất hiện lao vào “trận địa”, chung sức với địa phương để tháo gỡ. Nếu bộ máy khỏe sẽ chạy tốt và hiệu quả hơn. Do đó quan trọng vẫn là con người. Vì ta cắt giảm các thủ tục hành chính, thủ tục ít hơn nhưng vẫn con người đó, con người chậm cũng gây ra những tắc nghẽn. Đạo đức công vụ, đạo đức của cán bộ công chức, viên chức phải được nâng lên cùng với sự phát triển của đất nước. Do đó cần rèn luyện và làm tốt hơn nữa công tác đánh giá cán bộ.

Hội nghị Trung ương 5 đã xác định, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng nhưng hiện nay kinh tế tư nhân chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, thưa ông?

- Kinh tế tư nhân là động lực cho nền kinh tế, đòi hỏi Chính phủ phải tạo ra được môi trường đầu tư kinh doanh và hiện Chính phủ đang quyết tâm làm. Vấn đề là tạo điều kiện để cho doanh nghiệp kinh tế tư nhân có được máy móc thiết bị hiện đại, năng lực cạnh tranh thì phải có hỗ trợ về vốn. Vì vậy phải có gói hỗ trợ để tiếp cận vốn. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thông qua do đó cần cụ thể bằng các Nghị định để nhanh chóng triển khai thực hiện, như thế luật mới đi vào cuộc sống. Rồi vấn đề con người, bộ máy dịch vụ công. Hiện chúng ta đang đánh giá năng lực đạo đức cán bộ. Nếu vấn đề cán bộ được triển khai đồng bộ sẽ giúp cho doanh nghiệp nhiều hơn.

Theo ông, năm 2018 chúng ta có đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra?

- Tốc độ tăng trưởng đặt ra 6,5-6,7% là hoàn toàn nằm trong tầm tay. Vấn đề là phải tháo được những điểm nghẽn như nợ xấu, nợ công, hệ thống tín dụng, các doanh nghiệp nhà nước, các dự án thua lỗ kéo dài. Những điểm nghẽn đó phải giải quyết một cách nhanh chóng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ máy khỏe sẽ vận hành tốt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO