Bộ máy tăng, trách nhiệm thuộc về ai?

Việt Thắng 23/02/2017 08:35

Hàng loạt những bất cập về cải cách hành chính trong bộ máy nhà nước đã được Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra tại Hội thảo “Cải cách hành chính tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước- khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện”, diễn ra ngày 22-2. Nói như ông Nguyễn Văn Tùng- Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương thì việc bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, công tác thanh tra, kiểm

PGS.TS Lê Minh Thông: Sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của các Bộ khiến
“không rõ địa chỉ chính”, “trách nhiệm chính”. Cần xác định đúng chức năng nhiệm vụ,
nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ,
không để tồn tại tình trạng “công chức cắp ô”.

Có nghị quyết rồi, nhưng người vẫn tăng

Thông tin về tình hình thực hiện biên chế từ năm 2014 đến 30/10/2016, ông Nguyễn Văn Tùng- Vụ trưởng Vụ Tổ chức điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương cho biết, năm 2014 tổng số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước của các tổ chức trong hệ thống chính trị là 3.685.961 người. Năm 2016 các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương giao năm 2016 là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30/10/2016 tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao.

Như vậy dù có Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị nhưng số người vẫn tăng. Nguyên nhân, theo ông Tùng là do tâm lý ngại va chạm nên nhìn chung các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành chưa thực hiện nghiêm túc các chủ trương, Nghị quyết của Trung ương về quản lý biên chế và tinh giản biên chế. Nhiều cấp ủy tổ chức người đứng đầu các cấp chưa có quyết tâm chính trị cao, chưa có giải pháp đồng bộ, phù hợp đủ mạnh để thực hiện, chưa xây dựng được cơ chế đánh giá cán bộ khoa học, việc bố trí sử dụng cán bộ công chức, viên chức vẫn còn có tình trạng “có lên không có xuống”, “có vào không có ra”, “biên chế suốt đời”, “chủ nghĩa bằng cấp”, thiếu cơ chế cạnh tranh trong đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Chưa công bằng về lợi ích và điều kiện làm việc giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, cơ chế chính sách để tạo động lực cho cán bộ, công chức còn nhiều bất cập như tiền lương, nhà ở. “Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện biên chế và quản lý biên chế còn buông lỏng. Chưa có chế tài cụ thể đủ mạnh để xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với những cơ quan, tổ chức vi phạm quy định về biên chế”- ông Tùng chỉ rõ.

Còn ông Thái Quang Toản- Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: Đến ngày 22/2, đã có 20 Bộ gửi hồ sơ về Bộ Nội vụ xin thẩm định, trong đó đều đề xuất tăng biên chế. Chỉ có 2 Bộ Công thương; và Nội vụ là giảm. Trong đó Bộ Công thương xin giảm hẳn một Tổng cục xuống thành Cục. Còn địa phương thì cũng xin tăng trong đó nhiều nhất là Hà Nội và TP HCM. Ông Toản cũng cho biết nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế, không thực hiện đúng quy định 1 năm phải 2 kỳ gửi báo cáo lên cho Bộ Nội vụ trong giải quyết tinh giản biên chế. Ở địa phương thì mới có tỉnh Quảng Ninh làm. “Đáng chú ý, việc đề nghị còn chưa đúng quy trình đối tượng được tinh giản khi theo quy định 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ cho nghỉ theo Nghị định 46, tuy nhiên địa phương áp dụng theo Nghị định 108 để lấy tiền nhiều hơn. Tinh giản thì chủ yếu là cán bộ chỉ còn 2-3 năm công tác nữa là nghỉ hưu cho nên họ tự xin nghỉ, số này chiếm 85% số tinh giản biên chế. Cho nên nhầm đối tượng tinh giản là như vậy”- ông Toản cho hay.

Là thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đã thẳng thắn đặt ra vấn đề, đó là bộ máy tăng nhưng không biết trách nhiệm thuộc về ai. Ví dụ gần đây khi xây dựng Luật Ngoại thương lại đưa ra “cơ quan xúc tiến thương mại”, hay Luật Du lịch đưa “cơ quan xúc tiến du lịch”. Mà đưa ra bộ máy đó chính là thêm con người”- ông Cương chỉ rõ, đồng thời nêu lên việc nhiều nơi không thực hiện việc sắp xếp cơ chế việc làm. “Quy định đã 7 năm nay rồi nhưng cơ quan nào làm đâu. Khi đoàn kiểm tra đến làm việc tại Bộ Nội vụ thì biên chế cũng “phình” ra thêm. Chính ra Bộ Nội vụ là cơ quan đôn đốc, sắp xếp để các Bộ đến học hỏi nhưng đến thời điểm này Bộ Nội vụ cũng chưa làm được. Hay như việc doanh nghiệp trình giấy phép để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nhưng cán bộ nói “con dấu mờ” để chờ kiểm tra lại đã. Bây giờ chậm thông quan là phải thuê kho bãi để hàng, rồi chậm ngày giao hàng là bị phạt hợp đồng ngay. Bây giờ đưa kèm theo giấy phép là 1 triệu đồng thì “dấu mờ thành dấu nét”. Cho nên tất cả là do con người ”- ông Cương nêu rõ.

“Bộ nhỏ trong Bộ to”

Đánh giá về một số về việc thực hiện chủ trương tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực ở nước ta, PGS.TS Lê Minh Thông- Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc sắp xếp lại các Bộ thành các Bộ đa ngành, đa lĩnh vực vẫn còn tính chất lắp ghép cơ học, chưa đi liền với việc điều chỉnh chức năng, cắt giảm nhiệm vụ của các Bộ. Việc hình thành các Bộ đa ngành chưa đi liền với việc sắp xếp lại cơ cấu bên trong của mỗi Bộ, cơ quan ngang Bộ; mới chỉ hợp nhất, giảm được đầu mối ở một số đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp chung. Một số Bộ thực hiện việc sáp nhập với nhau theo hình thức nguyên trạng, các đơn vị trong các Bộ cũ, Tổng cục cũ, Bạn cũ hầu như vẫn giữ nguyên, thậm chí cả về tên gọi của một số cơ quan trước đây trực thuộc Chính phủ sau khi đã nhập vào bộ. Những hạn chế này dẫn đến mô hình “Bộ nhỏ trong Bộ tổ”.

Dẫn chứng “một mâm cơm mà 3 Bộ quản lý” cũng không rõ trách nhiệm; nuôi tôm càng đỏ ở Đồng Tháp có 2 Bộ liên quan là NNPTNT và TNMT nhưng không rõ ai quản lý, ông Thông thẳng thắn chỉ ra sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của các Bộ khiến “không rõ địa chỉ chính”, “trách nhiệm chính” về một số nhiệm vụ như: quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, chống hàng giả, hàng lậu, chống gian lận thương mại, quản lý khoáng sản. Cho nên phải căn cứ xác định cho đúng chức năng nhiệm vụ, nâng cao năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ chứ để tình trạng “sáng cắp ô đi”, hay 30% nghỉ cũng được thì rất gay go. “Chưa kể thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn phức tạp, rườm rà và chậm được khắc phục. Do đó cần xác định rõ mục tiêu của việc tổ chức Bộ đa ngành không phải là nhằm giảm bớt số đầu mối của Chính phủ mà phải là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân của bộ máy hành chính nhà nước”- ông Thông nói.

Cùng quan điểm sắp xếp lại các Bộ để tinh gọn bộ máy hơn nữa, ông Thang Văn Phúc- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, các nước trong khối ASEAN chỉ 15 Bộ; các nước tiên tiến có 12-13 Bộ; ở Nhật 13 Bộ, Mỹ 13 Bộ. Các nước tiên tiến như vậy mà ta vẫn cứ một “khoảng trời riêng” cho nên chỉ cần 16 Bộ là hợp lý. Ông Phúc cũng đề nghị, đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương, phân rõ việc của Trung ương và địa phương, không thể đẩy việc lên Trung ương, còn Trung ương kiểm tra giám sát xem anh làm có đúng pháp luật chính sách hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ máy tăng, trách nhiệm thuộc về ai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO