Bỏ quy định 'cấm thi' vào lớp 6: Có gia tăng nạn dạy thêm, học thêm?

Thu Hương 29/12/2017 09:00

Thực tế dự kiến bỏ quy định cấm thi tuyển vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT đang đưa ra lấy ý kiến dư luận không tác động đến tất cả học sinh mà chỉ một số em có nhu cầu dự tuyển vào những trường có số học sinh đăng ký đông hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại nếu bỏ quy định này có khiến tình trạng dạy thêm, học thêm gia tăng?

Bỏ quy định 'cấm thi' vào lớp 6: Có gia tăng nạn dạy thêm, học thêm?

Ảnh minh họa.

Có cung ắt có cầu

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến quy định “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Bên cạnh ý kiến ủng hộ quy định mới nếu được thông qua sẽ giúp “cởi trói” cho các trường trong việc loay hoay xác định tiêu chí phụ trong tuyển sinh đầu cấp, có ý kiến cho rằng trước đây khi Bộ GD&ĐT ban hành quy định các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức nằm trong Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học.

Nay bỏ quy định này, liệu tình trạng dạy thêm, học thêm có tái diễn?

Nhìn nhận vấn đề này, PGS TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng việc bỏ lệnh cấm là cần thiết. Trong giáo dục phải có phân hóa, mà đã phân hóa thì phải thi, chỉ là thi như thế nào.

Những học sinh không muốn thi thì có thể chọn học những trường đúng tuyến vì yêu cầu phổ cập giáo dục THCS nêu rất rõ cần đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

Về vấn đề luyện thi, ông Nhĩ cho rằng có cầu ắt có cung. Nếu như các bậc phụ huynh và học sinh có nhu cầu thì các lò luyện thi sẽ mở ra những lớp như thế này.

Nhưng trên thực tế, các trường điểm, trường chất lượng cao nếu được phép thi tuyển cũng chưa có phương án cụ thể về bài thi sẽ thi theo hình thức nào, trắc nghiệm EQ, IQ hay bài luận tổng hợp về tri thức xã hội?

“Từ lúc trường trình phương án để Phòng, Sở rồi các tỉnh thành phố xem xét đến lúc được đồng ý, thời gian đến kỳ thi chính thức cũng không còn nhiều. Mỗi bậc phụ huynh sẽ có quyết định riêng về việc có cho con tham gia các lớp luyện thi hay không. Nhưng xét đến cùng, có những bài thi không phải cứ “học gạo” là làm tốt được”- ông Nhĩ nhấn mạnh.

Lãnh đạo trường Marie Curie (Hà Nội) cũng cho rằng không nên lo về tình trạng dạy thêm học thêm sẽ gia tăng nếu bỏ lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6.

Bởi các bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh nhà trường dự kiến triển khai nếu dự thảo sửa đổi, bổ sung được thông qua không cần thí sinh phải đến lớp ôn luyện nào mới có thể làm được một vài mẹo hay kiểu học tủ sẽ không giúp các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi này nếu không có được kiến thức nền tảng, tri thức xã hội tổng hợp tích lũy trong suốt quá trình học tập và trưởng thành của mỗi người...

Cần thiết tinh giản các cuộc thi

Những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường chất lượng cao ở Hà Nội như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Marie Curie... chỉ thực hiện xét tuyển học sinh vào lớp 6 dựa vào kết quả 5 năm tiểu học của học sinh và các tiêu chí phụ.

Với một học bạ đẹp đến không thể đẹp hơn thì cuộc đua vào lớp 6 ở những cơ sở này chủ yếu nằm ở các tiêu chí phụ, trong đó chủ yếu là các giải thưởng của các cuộc thi khác nhau.

Thay vì tập trung ở các lò luyện thi, nhiều phụ huynh và học sinh đã “mải miết” ghi danh ở các cuộc thi để tìm kiếm giải thưởng.

Việc học sinh đi thi quanh năm là có thật bởi nếu liệt kê cả những giải về thể thao, văn nghệ… (những giải này đều được tính vào tiêu chí phụ với điểm cộng khác nhau) thì mỗi học sinh tiểu học trong 1 năm cuối cấp có thể tham gia đến hàng chục cuộc thi là điều bình thường.

Đó là chưa kể để vào được các vòng chung kết, các em phải trải qua tuần tự từ vòng thi cấp trường, cấp quận…

Vì vậy, song song với việc bỏ lệnh cấm thi tuyển, dự thảo sửa đổi cũng nhấn mạnh việc tinh giản các cuộc thi. Cụ thể, hiện có tất cả 10 cuộc thi Bộ GD&ĐT chủ trì và phối hợp tổ chức.

Trong đó, các kỳ thi kiến thức bao gồm kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT.

Các kỳ thi thể thao, giáo dục đạo đức, tư tưởng bao gồm Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cuộc thi Giao thông học đường, cuộc thi An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU.

Đối với các cuộc thi Toán và Vật lý trên mạng, cuộc thi Tiếng Anh trên mạng, cuộc thi giải Toán trên máy tính cầm tay vốn là các cuộc thi “nóng” để lấy điểm cộng xét tuyển kể từ khi Bộ cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức - đã không còn nằm trong danh sách các cuộc thi do Bộ GD&ĐT chủ trì hay phố hợp tổ chức kể từ năm học 2017 - 2018.

Sở GD&ĐT Hà Nội, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã ban hành quy định về các cuộc thi cho học sinh phổ thông trong đó quy định cụ thể về các cuộc thi do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT chủ trì.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cuộc thi phải phù hợp nhu cầu thực tế của học sinh, không tạo áp lực cho các em, không thu kinh phí, không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không lấy thành tích thi để đánh giá thi đua đối với đơn vị tham gia.

Như vậy, với việc tinh giản các cuộc thi và dự kiến không xét đến tiêu chí phụ là các giải thưởng của các cuộc thi trong tuyển sinh đầu cấp sẽ khiến học sinh, giáo viên và các nhà trường chủ động tham gia cuộc thi một cách tự nguyện, không vì mục đích lấy giải để làm điểm cộng khi xét tuyển, đánh giá thi đua…

Những cuộc thi với mục đích đem lại sân chơi bổ ích, ý nghĩa… hy vọng sẽ trở lại đúng với mục đích ban đầu của nó.

Hà Nội: Sẽ khảo sát để có phương án phù hợp

Liên quan đến dự kiến việc tuyển sinh lớp 6 THCS trong năm học tới, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội vừa cho hay, nếu việc đánh giá năng lực ở một số trường được Bộ GD&ĐT cho áp dụng, Sở sẽ có khảo sát, đánh giá để có phương án phù hợp nhất.

Cụ thể, khi trường THCS nào đó có số lượng học sinh đăng kí vượt quá so với chỉ tiêu, bản thân các trường cần lên các phương án để kiểm tra, xét tuyển. Lúc đó, Sở sẽ tính xem phương án nào hài hòa nhất. Và theo quy định, khoảng tháng 3-2018 Sở sẽ công bố phương án thi.

M.Q.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ quy định 'cấm thi' vào lớp 6: Có gia tăng nạn dạy thêm, học thêm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO