Bổ sung lịch sử Đảng bộ để người có công không thiệt

Từ Khôi 18/03/2016 10:15

Hiện tại, Dự thảo sửa đổi và bổ sung Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 (về ưu đãi người có công với cách mạng) đang được Chính phủ xem xét. Bởi lẽ, thực tế khi triển khai Nghị định đã xuất hiện một số điểm bất cập. Câu chuyện ưu đãi với người có công là liệt sĩ Kim Văn Thuần ở xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc dưới đây là một ví dụ.

Bổ sung lịch sử Đảng bộ để người có công không thiệt

Ông Kim Văn Hòa.

Theo hồ sơ do ông Kim Văn Hòa (sinh 1948) ở số 5/560/17 đường Nguyễn Văn Cừ (Gia Thụy, Long Biên, Hà Nội) cung cấp thì ông là con trai duy nhất của liệt sĩ chống Pháp Kim Văn Thuần và cháu nội mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Duyên (có con duy nhất hy sinh). Quá trình hoạt động của liệt sĩ Kim Văn Thuần đã được thể hiện trên nhiều văn bản: Liệt sĩ Kim Văn Thuần sinh năm 1915. Thời kỳ bí mật 1939 - 1945, được bác và các anh con bác dẫn dắt, giác ngộ, đưa vào hoạt động trong các tổ chức như Mặt trận Phản đế, Mặt trận Việt Minh. Ông cùng các anh tham gia đón tiếp và bảo vệ an toàn cho nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Vĩnh Yên về hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng của xã Thượng Trưng. Từ tháng 9-1945, thoát ly tiếp tục tham gia kháng chiến chống Pháp. Là chiến sỹ tự vệ quốc, giáo viên bình dân học vụ... Năm 1947, được kết nạp Đảng. Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng 1936 - 2003 ghi: “Tháng 8-1952, là Chi ủy viên, phụ trách công tác tổ chức. Từ 21/8/1953 được bầu là Bí thư Chi bộ xã Thượng Trưng. Trước đó từ tháng 01/1953 là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính của xã”. Rạng sáng ngày 26/11/1953, ông Kim Văn Thuần từ vùng tự do (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) trở về địa phương để chỉ đạo và tổ chức nhân dân chống chiến dịch càn quét cơ sở kháng chiến của ta, đã bị lính Pháp mai phục bắn chết cùng với Bí thư Đoàn thanh niên xã. Ngày 21/3/1960, ông đã được Đảng và Nhà nước công nhận là liệt sỹ, tặng Bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương Kháng chiến hạng 3.

Trong hồ sơ lý lịch năm 1966 xét cho ông Kim Văn Hòa để đi học nước ngoài cũng ghi rõ quá trình hoạt động của bố - liệt sĩ Kim Văn Thuần từ lúc còn bí mật, cho đến năm 1953 là Bí thư chi bộ…

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ngày 29/8/2013, Đảng ủy xã Thượng Trưng và Huyện ủy Vĩnh Tường đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các cán bộ lão thành cách mạng và những người tham gia biên soạn sách Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng về quá trình hoạt động của liệt sĩ Kim Văn Thuần. Ông Bùi Quang Thiệu – lão thành cách mạng phát biểu: “Ông Tổng Điện (Kim Văn Điện) triệu tập anh em chúng tôi, trong đó có anh Kim Văn Thuần tại nhà ông xã Thi, cơ sở của ông Võ Nguyên Giáp. Anh Thuần được ông xã Khé giới thiệu ở nhà ông Hai Vân là em của ông xã Thi vào cuối năm 1943 đầu năm 1944. Bọn tôi học ở nhà ông Giáo Cạnh. Anh Thuần cùng chúng tôi tham gia Tự vệ đỏ, thanh niên cứu quốc, buổi tối ra học tập ở gốc cây gạo…”. Hội nghị nhất trí nội dung: Liệt sĩ Kim Văn Thuần là người hoạt động cách mạng trước năm 1945. Cụ Nguyễn Trung Hoa, nguyên Bí thư Phủ ủy lâm thời huyện Vĩnh Tường, nguyên Hiệu phó Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, phân hiệu II, cũng xác nhận từ ngày 03/3/2001: “Tôi cùng hoạt động cách mạng với đồng chí Kim Văn Thuần từ tháng 01/1941”.

Sau Hội nghị, ngày 05/9/2013, BCH Đảng Bộ xã Thượng Trưng có tờ trình số 07-TTr/ĐU gửi Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét đề nghị Tỉnh ủy công nhận liệt sĩ Kim Văn Thuần là người hoạt động trước 1/1/1945. Ngày 20/9/2013, Huyện ủy Vĩnh Tường có tờ trình số 56-TTr/HU gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xem xét và công nhận liệt sĩ Kim Văn Thuần là người hoạt động trước ngày 1/1/1945.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Ban chỉ đạo chương trình Tổng rà soát người việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh Vĩnh Phúc thì chưa thể công nhận liệt sĩ Kim Văn Thuần là người hoạt động trước ngày 1/1/1945 vì không chấp nhận ý kiến của lão thành cách mạng làm căn cứ thay cho căn cứ tại Điểm d, Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, hoạt động trước cách mạng của liệt sĩ phải được ghi rõ trong “Lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản”.

Ông Kim Văn Hòa nói: “Không chỉ riêng liệt sĩ Kim Văn Thuần mà cả 111 liệt sỹ chống Pháp của xã Thượng Trưng, đều không được ghi nhận quá trình hoạt động trong Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng 1936 -2003. Như vậy, liệt sỹ có lỗi, thân nhân các liệt sỹ có lỗi hay Ban chỉ đạo biên soạn lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng thiếu sót?”.

Thiết nghĩ, những người biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng chủ yếu là những người sinh sau năm 1945. Hơn nữa, viết về thời kỳ hoạt động bí mật thì làm sao có thể đủ thông tin. Mặt khác, lịch sử Đảng bộ cơ sở không phải là sách ghi các chân dung của những người có công với cách mạng. Do đó, việc không thể hiện hết được quá trình cống hiến của liệt sĩ Kim Văn Thuần và các liệt sĩ khác trên địa bàn là điều khó tránh khỏi.

Tiếp nhận đơn thư của ông Hòa, ngày 8/12/2014, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có công văn số 261/MTTW-BTT, gửi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Trưởng BCĐ chương trình Tổng rà soát người việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tỉnh Vĩnh Phúc. Công văn cho rằng: Việc công nhận liệt sĩ Kim Văn Thuần là người hoạt động trước ngày 1-1-1945 “hoàn toàn có cơ sở và chính đáng, phù hợp với truyền thống và đạo lý của dân tộc Việt Nam”. Công văn cũng đề nghị các cấp ủy Đảng của tỉnh Vĩnh Phúc sớm xem xét, bổ sung sách Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng để có cơ sở công nhận cho liệt sĩ Kim Văn Thuần.

Mới đây, ngày 10/3/2016, tại buổi làm việc, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vĩnh Tường đã thông báo cho ông Kim Văn Hòa biết: Huyện ủy Vĩnh Tường và Đảng ủy xã Thượng Trưng đang xem xét, giải quyết đề nghị sửa đổi, bổ sung Lịch sử Đảng bộ xã Thượng Trưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ sung lịch sử Đảng bộ để người có công không thiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO