Bờ Tây đi về đâu?

Đình Tú 28/04/2020 07:57

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa tuyên bố sẽ sáp nhập một số khu vực thuộc khu Bờ Tây vào lãnh thổ nước này trong vài tháng tới. Tuyên bố của ông Netanyahu đang làm nóng lại một trong những điểm xung đột phức tạp và nhạy cảm nhất lịch sử thế giới hiện đại.

Bờ Tây đi về đâu?

Khu vực Bờ Tây, nơi tranh chấp hơn nửa thế kỷ giữa Israel và Palestine.

Nửa thế kỷ tranh chấp

Phần đất tranh chấp giữa chính quyền Israel và những người Palestine bao gồm dải Gaza và khu vực Bờ Tây (vốn được gọi theo vùng đất nằm ở bờ tây sông Jordan). Bờ Tây là nơi sinh sống của 2,6 triệu người Palestine và sẽ là phần đất đặt các cơ quan nhà nước của người Palestine. Dù vậy, Israel xâm chiếm Bờ Tây vào năm 1967 và bắt đầu cho người Do Thái đến định cư tại đây. Nghị quyết 242 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được thống nhất thông qua. Tất cả các bên cuối cùng đã chấp nhận nó và đồng ý hiệu lực của nó đối với Bờ Tây.

Hiện khoảng 500.000 người Do Thái sống tại Bờ Tây. Nếu Israel và Palestine đạt được một thỏa thuận 2 nhà nước, một số người Israel sẽ phải rời Bờ Tây trong khi một số khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây sẽ tính là đất của Israel.

Hiện tại, với lực lượng quân sự và nhiều lực lượng khác, Bờ Tây được đặt dưới sự kiểm soát của Israel. Thế nhưng, như một sự đan chéo, Nhà nước Palestine (Tổ chức Giải phóng Palestine –PLO) cũng tuyên bố chủ quyền với vùng đất này và được quyền thi hành một số chức năng của chính phủ tại đây.

Người Palestine tại đây chịu sự quản lý của luật quân sự Israel trong khi người Israel định cư tại Bờ Tây được điều chỉnh bằng luật dân sự. Việc này kéo theo sự phản kháng của người Palestine và những cuộc xung đột đẫm máu giữa 2 bên tính trong hơn nửa thế kỷ, tính từ năm 1967 đến nay.

Trong thời gian cầm quyền và cả hiện tại, Thủ tướng Netanyahu luôn nuôi ý định sáp nhập thung lũng Jordan, sát Bờ Tây vào lãnh thổ Israel. Hồi tháng 6/2019, đích thân ông cùng với Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc đó là John Bolton đi thị sát thung lũng Jordan.

Đầu năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, một tín hiệu “bật đèn xanh” cho kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ khác ở Bờ Tây của ông Netanyahu. Sau tuyên bố nói trên vào ngày 26/4, cả thế giới Arab đã dậy sóng. Đồng loạt Palestines, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên đoàn Arab đã lên án mạnh mẽ, coi đó là bước đi làm suy yếu mọi cơ hội để tiến tới hòa bình giữa Israel và Palestine trong tương lai.

Vẽ lại bản đồ?

“Kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi đầu năm với trọng tâm là “một giải pháp hai Nhà nước” để chấm dứt xung đột. Trong kế hoạch này, một phần lợi ích cho người Palestine là viễn cảnh thành lập một nhà nước tương lai với diện tích lãnh thổ lớn hơn trước.

Chính quyền ông Trump cam kết mở đại sứ quán mới của Mỹ tại thủ đô tương lai của Palestine, đồng thời sẽ chi 50 tỉ USD hỗ trợ người Palestine phát triển kinh tế dưới hình thức đầu tư thương mại. Theo đánh giá của các chuyên gia, về lý thuyết đây là một đề xuất “chia lại lãnh thổ kèm theo số tiền hỗ trợ người Palestine”.

Cũng trong kế hoạch này, nhà nước tương lai của Palestine sẽ gồm các phần ở Bờ Tây và Dải Gaza, kết nối với nhau bằng những con đường và đường hầm. Phần đất Bờ Tây nằm trong tay Israel hiện nay sẽ vẫn của... Israel, và người Palestine được đền bù bằng một số khu vực nhỏ phía Nam Israel.

Liên hợp quốc cũng lên tiếng cảnh báo bất cứ quyết định nào của Israel nhằm áp đặt luật pháp hay sự quản lý tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ không có hiệu lực pháp lý quốc tế, thay vào đó sẽ hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán, nền hòa bình trong khu vực và giải pháp hai Nhà nước. Palestine cũng đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt trừng phạt đối với Israel.

Trong khi đó, ông Nabil Abu Rdainah, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phản ứng gay gắt: “Bản đồ duy nhất có thể được chấp nhận là bản đồ của Palestine đó là bản đồ của Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Jerusalem”.

Với các quyết tâm của cả 2 phía Israel và Palestine hiện tại, cùng với nguy cơ tiềm ẩn các xung đột như đã diễn ra, một bản đồ mới khu vực Bờ Tây có thể được vẽ nên, nhưng vẽ bằng một cách đổ máu mà không ai mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bờ Tây đi về đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO