Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Dự báo thiên tai phải huy động nhiều nguồn lực

Theo VGP 31/10/2017 17:15

Trước chất vấn về công tác dự báo thời tiết của các đại biểu Quốc hội ở những địa phương vừa trải qua các đợt lũ quét lớn như Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Thanh Hoá… Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết để đạt được mức dự báo trung bình của thế giới thì phải đầu tư nhiều hơn nữa.


Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Chiều 31/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã giải trình một số nội dung chất vấn liên quan tới ngành TN&MT của các đại biểu Quốc hội.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh (đoàn Sơn La) và Ma Thị Thủy (đoàn Tuyên Quang) cùng chung nhận định, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, cần phải tập trung thỏa đáng hơn nữa cho công tác phòng, chống thiên tai...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà gửi lời chia buồn với các gia đình có người thân bị nạn trong các đợt mưa lớn, lũ quét vừa qua tại miền núi phía bắc và bắc miền Trung mà Bộ trưởng chưa thể tới thăm hỏi.

Trong số các nguyên nhân dẫn đến hậu quả của thiên tai vừa qua, Bộ trưởng nhìn nhận có việc dự báo chưa chủ động, chưa chính xác về lượng mưa, lũ ống, tình trạng mất rừng, việc di cư, bố trí nhà cửa vào các khu vực nhạy cảm về thiên tai.

Để dự báo thiên tai tốt hơn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ TN&MT đang đầu tư trang thiết bị, nhưng để ngang với mức trung bình trên thế giới thì phải huy động nhiều nguồn lực.

Hiện cả nước có 1.300 điểm báo mưa và sẽ bổ sung 3.000 điểm báo mưa nữa trong tương lai. Khi đó nước ta sẽ có trình độ trung bình so với ngành cảnh báo thiên tai của thế giới (40-100 km2 có 1 điểm báo mưa). Ngoài ra, Bộ TN&MT cũng có bản đồ tai biến đo địa chất và các địa phương cần rà soát lại bản đồ này để bố trí dân cư, quy hoạch lại sản xuất, thích ứng bền vững hơn.

Với các tỉnh miền núi phía bắc, Bộ trưởng TN&MT cho rằng phải coi cơ chế chi trả môi trường rừng, tài nguyên nước, thủy điện gắn với mô hình sinh kế của người dân, tăng cường các biện pháp cảnh báo khí tượng thủy văn, ứng phó hiệu quả với các cơn bão lớn.


(Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Cánh đồng mẫu lớn chỉ là một trong nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Góp ý với Chính phủ về thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào khu vực nông thôn, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) cho biết, quá trình tích tụ đất đai diễn ra còn chậm, cần tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện về chính sách pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Luật Đất đai năm 2013 quy định hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 ha đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 ha đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Quy định như vậy không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

“Chủ trương của chúng ta là xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa để thuận tiện trong truy xuất nguồn gốc cũng như chủ động vùng nguyên liệu”, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bình Phước và một số địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện chủ trương sản xuất lớn do vướng hạn mức giao đất. Theo đại biểu này, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản xuất khẩu phản ánh, việc tích tụ đất đai có vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gặp nhiều khó khăn.

Muốn có được 100 ha đất để hình thành vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, họ phải nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người nông dân với giá thực tế của thị trường. Tại Bình Phước, mỗi ha đất có giá từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng tùy theo vị trí. Tuy nhiên, khi hợp thức thì chủ sở hữu chỉ được 30 ha đất theo quy định của luật, 70 ha còn lại phải chuyển sang hình thức cho thuê, trả tiền hằng năm hoặc 1 lần, dù thực tế, diện tích này họ đã bỏ tiền mua theo giá thị trường. Điều này cũng có nghĩa 70 ha đất có giá khoảng 50 tỷ đồng trở về giá trị tài sản bằng 0, tức là không thể thế chấp vay ngân hàng để đầu tư phát triển.

“Trước hạn chế đó, thời gian qua Nhà nước cũng hỗ trợ rất nhiều cho dồn điền, đổi thửa để có những cánh đồng mẫu lớn. Nhưng kết quả cũng chưa được là bao”, đại biểu bình luận và đề nghị Chính phủ tháo gỡ kịp thời, đồng bộ.

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Bộ Chính trị đang chỉ đạo sơ kết Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị về các chủ trương về đất đai, đưa Luật Đất đai vừa ban hành vào quá trình rà soát, hoàn thiện các chính sách như tích tụ, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất theo thị trường liên quan tới việc đưa đất đai phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trước mắt và lâu dài.

“Tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện để phát tiển nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng đây chỉ là một điều kiện thôi, vì còn các mô hình sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao khác như doanh nghiệp liên kết người dân, HTX,.. sẽ quyết định yếu tố sản xuất tích tụ. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) cũng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lớn, mà đâu cần cánh đồng mẫu lớn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Về hạn ngạch giao đất nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, Luật Đất đai trước đây bố trí hạn mức phù hợp với điều kiện sản xuất và trình độ phát triển của từng vùng. Đồng bằng sông Cửu Long có thể giao 30 ha, miền núi có thể giao 500 ha... thì phù hợp với trình độ sản xuất của hộ gia đình. Còn với doanh nghiệp thì luật không hạn chế là để khuyến khích kinh tế hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp trên cơ sở xem xét lại diện tích an ninh lương thực cây trồng lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Dự báo thiên tai phải huy động nhiều nguồn lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO